Petrovietnam vẫn duy trì tăng trưởng dù giá dầu giảm mạnh

10:57' - 12/06/2024
BNEWS Mặc dù giá dầu thô giảm mạnh và tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng nhờ quản trị biến động xuyên suốt, nỗ lực trong điều hành, Petrovietnam vẫn duy trì tăng trưởng cao.
Mặc dù giá dầu thô giảm mạnh và tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) nhưng nhờ quản trị biến động xuyên suốt và nỗ lực cao trong điều hành, Tập đoàn vẫn duy trì tăng trưởng cao.

*Các chỉ tiêu tài chính vượt xa kế hoạch

Tại giao ban thường kỳ sản xuất kinh doanh 5 tháng và triển khai nhiệm vụ tháng Sáu vừa diễn ra, đại diện Petrovietnam cho biết, trong tháng 5 vừa qua, giá dầu đảo chiều giảm mạnh khoảng 9% so với trung bình tháng 4, gây ra những khó khăn không nhỏ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Petrovietnam. Theo đó, giá các sản phẩm xăng dầu đã giảm từ 7-11%, biên lợi nhuận lọc dầu suy giảm mạnh, ở mức thấp nhất kể từ tháng 11/2023. Bên cạnh đó, huy động khí cho sản xuất điện suy giảm, không đạt như kỳ vọng. Cùng đó, việc đồng đô la Mỹ tăng giá mạnh đã gia tăng gánh nặng đối với các khoản vay bằng đồng USD của Petrovietnam và các đơn vị thành viên.

 
Trong bối cảnh đó, lãnh đạo Petrovietnam đã quản trị biến động xuyên suốt và nỗ lực cao trong điều hành, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong tháng 5, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đã làm việc với các đơn vị trong lĩnh vực dịch vụ về chiến lược, kế hoạch phát triển trung và dài hạn; Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn làm việc với một số đơn vị chủ chốt về tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 tháng và làm việc với các đơn vị khó khăn để giải quyết các vướng mắc.

Nhờ vậy, Petrovietnam đã duy trì an toàn, ổn định, thông suốt, đảm bảo cung ứng đầy đủ các sản phẩm thiết yếu, góp phần ổn định kinh tế - xã hội của đất nước. Trong tháng 5, các chỉ tiêu sản xuất của Petrovietnam đều hoàn thành vượt mức kế hoạch tháng từ 6,1 – 35,5% như: Khai thác dầu thô đạt vượt 14,9% kế hoạch; Khai thác khí vượt 35,5% kế hoạch; sản xuất đạm vượt 6,1% kế hoạch; sản xuất điện vượt 7,3% kế hoạch; sản xuất xăng dầu (không bao gồm sản lượng của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn) vượt 17,5% kế hoạch.

Đặc biệt, sản lượng điện của Tập đoàn tháng 5 và 5 tháng vượt cao so với kế hoạch. Ngày 18/5, Nhà máy điện Sông Hậu 1 đã đạt mốc sản lượng 10 tỷ kWh, đây là mốc sản lượng ấn tượng với một nhà máy mới đi vào vận hành thương mại gần 2 năm.

Cũng trong tháng 5 vừa qua, lãnh đạo Petrovietnam và Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) đã làm việc với các bộ, ban ngành liên quan, địa phương, qua đó các khó khăn, vướng mắc của Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 do PV Power làm chủ đầu tư đã cơ bản được tháo gỡ, thúc đẩy triển khai dự án theo tiến độ đề ra.

Trong tháng Năm, sản lượng trung bình của Lô 09-1 của Vietsovpetro đạt 8.069 tấn/ngày, tăng 146,9 tấn/ngày so với tháng 4, trong đó có 21 ngày mức khai thác đạt mốc trên 8.000 tấn/ngày; còn Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã đi vào vận hành an toàn sau bảo dưỡng với công suất cao 114%.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn đều hoàn thành vượt mức kế hoạch từ 3,5- 35,7%. Cụ thể,  khai thác dầu thô đạt 4,19 triệu tấn, vượt 19,5% kế hoạch; khai thác khác khí đạt 2,91 tỷ m3, vượt 35,7% kế hoạch; sản xuất đạm đạt 797 nghìn tấn, vượt 6,7% kế hoạch và tăng 10,7% so với cùng kỳ 2023; sản xuất điện đạt 12,98 tỷ kWh vượt 3,5% kế hoạch và tăng 28,3% so cùng kỳ 2023; sản xuất xăng dầu (không bao gồm sản lượng của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn ) đạt 2,32 triệu tấn, vượt 21,6% kế hoạch; sản xuất NPK đạt 149 nghìn tấn, vượt 16% kế hoạch và tăng 10,5% so với cùng kỳ.

Nhờ thực hiện hiệu quả quản trị biến động, các chỉ tiêu tài chính của Petrovietnam đều hoàn thành vượt mức từ 34 - 92% kế hoạch 5 tháng và tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2023.

Tổng doanh thu toàn Tập đoàn 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 392.700 tỷ đồng, vượt 34% kế hoạch và tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023; nộp ngân sách toàn Tập đoàn ước đạt 55.400 tỷ đồng, vượt 46% kế hoạch và tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất Tập đoàn ước đạt 22.100 tỷ đồng, vượt 92% kế hoạch 5 tháng và tăng 6% so với cùng kỳ 2023.

*Tập trung quản trị rủi ro những tháng cuối năm

Phát biểu chỉ đạo tại giao ban, Chủ tịch Petrovietnam Lê Mạnh Hùng phân tích, các rủi ro ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch của Tập đoàn trong những tháng cuối năm vẫn là lạm phát, giá dầu suy giảm, tốc độ dịch chuyển năng lượng…Chủ tịch Petrovietnam Lê Mạnh Hùng yêu cầu các đơn vị tăng cường quản trị rủi ro, có các giải pháp, kịch bản ứng phó với các biến động vĩ mô, thị trường, đảm bảo hiệu quả hoạt động.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục tập trung cập nhật, thúc đẩy hoàn thiện thể chế liên quan đến hoạt động của Tập đoàn; cập nhật chiến lược, kế hoạch phát triển của các đơn vị trong Tập đoàn phù hợp với cơ chế, chính sách và tình hình mới; cập nhật danh mục đầu tư, thúc đẩy công tác đầu tư; tìm giải pháp nâng cao sản lượng, quyết liệt giữ vững sản lượng khai thác theo chỉ đạo của Chính phủ; tập trung xử lý các tồn đọng ở các đơn vị, dự án khó khăn, tích cực thu hồi công nợ;…

Tại giao ban, Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn đề nghị các đơn vị tiếp tục bám sát kế hoạch quản trị của Tập đoàn để xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai nhiệm vụ tháng 6 và 6 tháng cuối năm; xây dựng các kịch bản cụ thể ứng với các kịch bản về tăng trưởng kinh tế và ổn định vĩ mô năm 2024 của Chính phủ; tiếp tục làm việc với các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện thể chế, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc với hoạt động của Tập đoàn; rà soát, xây dựng các chương trình hành động triển khai thực hiện Kết luận 76, Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị và các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động của Tập đoàn.

Tổng giám đốc Lê Ngọc Sơn cho biết, trong những tháng tiếp theo, Petrovietnam tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp đảm bảo các mục tiêu sản lượng khai thác và các chỉ tiêu tài chính theo kế hoạch. Bên cạnh đó, tập đoàn và các đơn vị thành viên tiếp tục theo sát diễn biến thị trường, kiểm soát chặt chẽ tồn kho xăng dầu trong bối cảnh giá dầu có xu hướng giảm; cân đối nguồn khí khai thác trong nước và nhập khẩu LNG phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngoài ra, giải pháp gia tăng hiệu quả liên kết chuỗi trong toàn Tập đoàn; tối ưu công tác vận hành, bảo dưỡng sửa chữa các nhà máy, đảm bảo sản xuất ổn định; tập trung nguồn lực cho các dự án trọng điểm…tiếp tục được Petrovietnam và các đơn vị thành viên tập trung trỉển khai.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục