Phản ứng từ Đức và một số nước EU sau sự kiện Brexit

06:02' - 25/06/2016
BNEWS Ngay sau khi kết quả cuộc trưng cầu ý dân về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) được công bố, nhiều chính trị gia và các chuyên gia kinh tế của Đức đã có phản ứng về quyết định này. 

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức, Sigmar Gabriel cùng Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier gọi đây là "một ngày buồn đối với châu Âu" và châu Âu thực sự vỡ mộng khi cử tri Anh ủng hộ quyết định rời khỏi EU.

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble. Ảnh minh họa: Reuters

Bộ trưởng Tài chính Liên bang Đức Wolfgang Schäuble, một chính trị gia rất có uy tín thuộc đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel, lại lên tiếng kêu gọi các nước thành viên khác trong Liên minh châu Âu (EU) cần phải đoàn kết mạnh hơn nữa.

Ông nhấn mạnh, châu Âu phải cùng nhau tạo ra những điều tốt đẹp nhất sau quyết định của cử tri Anh, đồng thời cho biết Đức sẽ giữ liên hệ chặt chẽ với các nước trong nhóm nước công nghiệp G-7 sau vụ việc trên. 

Trong khi Thủ tướng Merkel nhanh chóng tới Nội các và triệu tập cuộc họp khẩn cấp. Tuy nhiên, theo giới phân tích, việc nước Anh rời EU sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với châu lục.

Giám đốc Viện Jacques Delors và là Giáo sư Trường Quản trị Hertie ở Berlin, ông Henrik Enderlein, nhận định kết quả cuộc trưng cầu ý dân ở nước Anh không phải một dấu hiệu tốt với châu Âu, và trước tiên là với nước Anh. Tuy nhiên, châu Âu vẫn có thể đối mặt với thực tế này.

Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Nghị viện châu Âu thuộc đảng CDU Elmar Brok coi quyết định của cử tri Anh là một quyết định sai lầm và là "phát súng cảnh báo" đối với 27 quốc gia EU còn lại, nhấn mạnh rằng cần phải xây dựng một châu Âu như kỳ vọng của người dân châu lục.

Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz hy vọng sẽ không có phản ứng dây chuyền trong EU sau vụ việc ở nước Anh, đồng thời cho rằng các nước khác sẽ không lựa chọn đi theo con đường nguy hiểm của nước Anh. Ông cũng cho rằng các thể chế trong EU cần đánh giá ngay tình hình và châu Âu cần sự vững vàng trong lúc này.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Đức đang hết sức lo ngại về những hậu quả tiêu cực của việc nước Anh rời khỏi EU. Với gần 90 tỷ euro, nước Anh là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Đức trong năm 2015.

Hiện có trên 2.500 doanh nghiệp của Đức có hoạt động làm ăn ở nước Anh với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 130 tỷ euro và số lao động 400.000 người.

Theo Phó Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK) Volker Treier, việc nước Anh rời EU có thể khiến đồng bảng Anh mất giá hơn so với đồng euro và gây ra sự lạm phát cao hơn, trong khi giá cả với các sản phẩm của Đức cũng sẽ cao hơn ở Anh.

Chủ tịch Ngân hàng Đức (Deutsche Bank) John Cryan cũng nhận định đây không phải là ngày tốt đẹp với châu Âu và trước mắt chưa thể thấy được hậu quả đầy đủ của việc này, song cho biết Deutsche Bank đã chuẩn bị sẵn sàng nhằm giảm thiểu hậu quả trước quyết định của cử tri Anh.

Một nghiên cứu của hãng bảo hiểm tín dụng Euler Hermes cho biết, xuất khẩu của Đức sang nước Anh từ nay tới 2019 có thể thiệt hại khoảng 6,8 tỷ euro, trong đó ngành công ô tô bị tác động mạnh nhất với âm 2 tỷ euro trong xuất khẩu, lĩnh vực hóa dược cũng mất khoảng 1,1 tỷ euro và chế tạo máy khoảng 1 tỷ euro.

Ngay sau khi kết quả trưng cầu ở nước Anh được công bố, chỉ số chứng khoán DAX chủ chốt tại thị trường chứng khoán Frankfurt của Đức đã mất 10% điểm, tại London mất 7,5% và Paris gần 8%. Tại Vienna và Lisbon cũng mất tương ứng 10% điểm.

Nếu so sánh cuộc khủng hoảng tài chính khi Ngân hàng Lehman Brothers (Mỹ) phá sản, chỉ số chứng khoán DAX khi đó chỉ mất 9%.

>>> Quốc hội châu Âu sắp họp khẩn về Brexit

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục