Pháp kích hoạt lại kế hoạch hỗ trợ thương mại và du lịch

09:52' - 12/12/2019
BNEWS Pháp đã quyết định kích hoạt lại kế hoạch hỗ trợ thương mại và du lịch, vốn được lập ra một năm trước đây vào thời đỉnh điểm của phong trào "Áo vàng".
Bộ trưởng Kinh tế và tài chính Pháp Bruno Le Maire. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 11/12, Chính phủ Pháp đã quyết định kích hoạt lại kế hoạch hỗ trợ thương mại và du lịch, vốn được lập ra một năm trước đây vào thời đỉnh điểm của phong trào "Áo vàng", nhằm bù đắp các thiệt hại do cuộc đình công kéo dài hiện nay gây ra.

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, trong buổi làm việc chiều 11/12 với Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire, đại diện nghiệp đoàn các lĩnh vực thương mại, thủ công, khách sạn, nhà hàng và vận tải đã điểm qua tình hình của các ngành bị ảnh hưởng tiêu cực vì hoạt động đình công, trong bối cảnh kỳ nghỉ lễ cuối năm đang đến gần.

Thống kê của các doanh nghiệp cho thấy từ khi các cuộc đình công và biểu tình bắt đầu cách đây một tuần, hoạt động kinh doanh giảm từ 20% đến 30% tại Paris. Các thành phố khác như Toulouse, Nantes, Grenoble và Montpellier cũng bị ảnh hưởng mạnh. Các trung tâm nội đô chịu nhiều thiệt hại nhất, do các khách sạn và nhà hàng liên tục nhận được đề nghị hủy đặt chỗ.

Kế hoạch hỗ trợ của chính phủ bao gồm nhiều biện pháp giãn thuế và các khoản đóng góp xã hội, thậm chí cho phép mở cửa vào Chủ Nhật. Trong thời gian đầu, đối tượng được thụ hưởng là các doanh nghiệp ở vùng thủ đô Ile-de-France và ngành du lịch. Ngoài ra, các thương nhân đề nghị được phép mở cửa hàng vào các ngày Chủ Nhật, sau lễ Giáng Sinh và trong tháng giảm giá tiếp đó, để có thể bù đắp một phần những thiệt hại hiện nay.

Trong thông báo ngày 18/11 vừa qua, Chính phủ Pháp cho biết 6.375 công ty đã được hưởng lợi từ các biện pháp hỗ trợ như được lùi thời hạn thanh toán hoặc giảm thuế. Các doanh nghiệp này sẽ được kiểm tra để đảm bảo rằng lịch thanh toán của họ phù hợp với tình hình hiện tại.

Trong trường hợp tình trạng hoạt động trở nên tồi tệ hơn vì các cuộc đình công và biểu tình gần đây, chính phủ cam kết sẽ áp dụng các biện pháp phù hợp "để không gây khó khăn cho các công ty liên quan". Các doanh nghiệp thương mại cũng đang e ngại hậu quả tồi tệ của việc vận chuyển hàng hóa chậm trễ nếu các hãng vận tải tiếp tục tham gia phong trào đình công.

Bốn công đoàn trong lĩnh vực vận tải đang kêu gọi đình công vào ngày 16/12 với yêu cầu về điều kiện làm việc và mức lương tốt hơn. Trong khi đó, cuộc đình công của ngành giao thông công cộng tiếp tục bước sang ngày thứ tám với dự báo không khả quan hơn. Trên các tuyến đường sắt cao tốc và nội vùng, chỉ có một trên bốn tàu hoạt động.

Tại Paris, 10 trên 16 tuyến tàu điện ngầm tiếp tục đóng cửa, 4 tuyến khác chỉ vận hành vào giờ cao điểm và 2 tuyến tự động hoạt động bình thường. Hệ thống xe buýt và tàu điện giảm đến 50% tần suất hoạt động./.

Xem thêm:

>>Pháp phạt ngân hàng đầu tư Morgan Stanley 20 triệu euro

>>Giao thông tại Pháp tiếp tục đình trệ do đình công kéo dài

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục