Pháp: Rủi ro tiềm năng xuất phát từ xuất khẩu vũ khí

06:30' - 19/06/2017
BNEWS Tạp chí La Tribune của Pháp số ra mới đây đăng tải bài viết của tác giả Michel Cabirol với tựa đề “Xuất khẩu vũ khí có thể là sự đe dọa đối với quyền tự chủ của Pháp”.
Pháp sẽ phải đối mặt với rủi ro tiềm năng nào xuất phát từ xuất khẩu vũ khí. Ảnh: Reuters

Theo bài viết, kể từ 4 năm qua, kim ngạch xuất khẩu vũ khí “Made in France” (Sản xuất tại Pháp) liên tục phá kỷ lục và đạt đỉnh vào năm 2015 với tổng giá trị lên đến 16,92 tỷ euro. Thành tích này đã được “phân tích, mổ xẻ” về những lý do dẫn đến sự thành công trên thị trường quốc tế của ngành công nghiệp quốc phòng của Pháp.

Tuy nhiên, không một ai đặt câu hỏi về những rủi ro có thể có đối với quyền lợi của Pháp khi xuất khẩu các loại vũ khí tiên tiến cho đến khi Viện Quan hệ quốc tế Pháp (IFRI) công bố một nghiên cứu mang tên “Chính sách của Pháp nhằm hỗ trợ xuất khẩu quốc phòng”.

Theo Lucia Beraud-Sudreau (tác giả của nghiên cứu này), “người ta có thể đưa ra giả thuyết rằng việc bán vũ khí hạn chế quyền tự chủ của Pháp thay vì sẽ giúp đảm bảo lợi ích của Pháp”. Theo đánh giá của IFRI, các hợp đồng xuất khẩu nhân danh quyền tự chủ chiến lược có thể tạo ra một sự phụ thuộc vào các quốc gia khách hàng.

Còn theo nhận định của ông Hervé Guillou, Giám đốc điều hành của tập đoàn công nghiệp quốc phòng DCNS, trong khi ngành công nghiệp quốc phòng Pháp vào năm 2012 chỉ phụ thuộc vào doanh thu xuất khẩu vũ khí ở mức 20% thì con số này gần đây lên tới 50% đối với nhóm hải quân.

Còn Lucie Beraud-Sudreau thì đặt câu hỏi “Liệu yếu tố về xuất khẩu vũ khí có thể thách thức các lợi ích khác liên quan tới Pháp và các đối tác chiến lược? Cần nhớ rằng luật về chương trình quân sự 2014-2019 của Pháp được xây dựng dựa trên đánh giá rằng việc xuất khẩu các máy bay chiến đấu Rafale có thể giúp đạt được sự cân bằng tài chính.

Paris đã gặt hái những thành công qua các hợp đồng bán máy bay Rafale cho Ai Cập, Qatar và Ấn Độ. Bên cạnh đó, tác giả của nghiên cứu này cho rằng nhu cầu xuất khẩu cũng đặt ra “rủi ro cho quyền tự chủ chiến lược của Pháp” bằng cách trở thành một ưu tiên hơn đối với các nhu cầu của lực lượng vũ trang Pháp.

Theo kế hoạch, 6 chiếc Rafale đã sẵn sàng được giao cho khách Ai Cập và công tác đào tạo phi công nước ngoài cũng chiếm nguồn lực đáng kể của phi công Pháp.

Cuối cùng, Lucia Beraud-Sudreau tiếp tục đặt ra mối nghi ngại về tầm quan trọng của xuất khẩu vũ khí trên khía cạnh công nghiệp và kinh tế sẽ định hướng các quyết định ngoại giao - chiến lược, và phải chăng việc bán vũ khí cho Saudi Arabia đã khiến Pháp chấp nhận đi cùng với chính sách đối ngoại của quốc gia này?

Nghiên cứu của IFRI nhận định: “Trong trường hợp này, bán vũ khí, thay vì là kết quả tích cực của quan hệ đối tác chiến lược giữa Pháp với các quốc gia khác, ngược lại sẽ trở thành mục tiêu chính cho việc tìm kiếm các quan hệ đối tác như thế”.

Việc chuyển giao công nghệ cũng tiềm ẩn những nguy cơ lâu dài. Ảnh: Reuters

Hơn nữa, xuất khẩu vũ khí “có rủi ro gắn liền với các lực lượng vũ trang Pháp”. Ví dụ rõ nhất là trong cuộc Chiến tranh vùng Vịnh, lực lượng không quân Pháp đã phải đối mặt với các chiến đấu cơ Mirage F1 mà Pháp bán cho Saddam Hussein vài năm trước đó.

Trường hợp tại chiến trường Libya gần đây cũng tương tự, do trong những năm 2007-2008, Pháp ký với chế độ Gaddafi một hợp đồng nhằm hiện đại hóa các máy bay chiến đấu Mirage F1 và tên lửa chống tăng Milan.

Việc chuyển giao công nghệ có tiềm ẩn về những rủi ro lâu dài trong lĩnh vực công nghiệp và chiến lược hay không cũng là một vấn đề bởi chuyển giao công nghệ sẽ tăng cường sức mạnh cho đối thủ cạnh tranh với Pháp hiện nay và cả các đối thủ của Pháp trong tương lai.

Theo nghiên cứu này của IFRI, những chuyển giao công nghệ ẩn chứa nhiều rủi ro cho chính phủ cũng như đối với lĩnh vực công nghiệp bởi rất dễ mất các tiến bộ công nghệ. Hơn nữa, sự chuyển giao công nghệ sẽ cho phép các quốc gia thụ hưởng thu hẹp khoảng cách công nghệ với quốc gia xuất khẩu.

Cụ thể, chuyển giao công nghệ dẫn đến sự xuất hiện các tác nhân mới trên thị trường vũ khí toàn cầu. Và các tác nhân này sẽ quay lại cạnh tranh và chiếm mất việc làm tại các thị trường trong nước bao gồm cả sản xuất và/hoặc các dịch vụ bảo dưỡng đi kèm...

Nghiên cứu của IFRI cũng cho biết hiện đã quá đủ để quan sát và đánh giá những hậu quả của việc chuyển giao công nghệ thời gian qua.

Năm 1980, thông qua Aerospatiale (nay là Airbus), Pháp bán 50 giấy phép cho việc sản xuất các trực thăng AS-365 Dauphin/ AS-565 Panther cho Trung Quốc. Nhưng vào những năm 1990, Trung Quốc vẫn tiếp tục sản xuất các máy bay trực thăng loại này và vượt quá số lượng giấy phép ủy quyền.

Bất chấp những nguy cơ từ chuyển giao công nghệ, xuất khẩu vũ khí từ các tác nhân mới đã trở nên ngày càng quan trọng trong những năm gần đây. Theo đánh giá của tổ chức Frost & Sullivan, giá trị xuất khẩu vũ khí từ các tác nhân mới có thể tăng từ mức 36,36 tỷ USD vào năm 2012 lên 49,61 tỷ USD vào năm 2021.

Tạp chí Jane’s cũng tính toán rằng trong thời gian giữa năm 2012 và 2022, những công ty quốc phòng của các tác nhân mới sẽ có doanh số lên đến 100 tỷ USD tại các thị trường ngoài Mỹ và châu Âu. Chắc chắn đây sẽ là những “quả bom nổ chậm” đối với ngành công nghiệp phương Tây.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục