Phát triển bền vững - Bài 2: Xóa đói, giảm nghèo - kỳ tích không thể phủ nhận

15:40' - 04/12/2019
BNEWS Trong suốt thời gian qua, từng giai đoạn, từng thời kỳ, các đường lối, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế luôn hướng tới mục tiêu "dân giàu, nước mạnh".
Ông Hồ Viết Thanh, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế phát triển kinh tế gia đình từ trồng rừng và chăn nuôi. Ảnh: Thanh Hương/BNEWS/TTXVN

Bước ra từ hai cuộc chiến đằng đẵng và khốc liệt, đói nghèo và lạc hậu đã từng đeo đẳng đất nước trong nhiều năm. Vin vào quá khứ đó, cho đến tận hôm nay, vẫn không ít luận điệu xuyên tạc cũ kỹ của các thế lực thù địch sử dụng mệnh đề “đói nghèo” để cố tình bôi nhọ chế độ xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam.

Không chỉ phủ nhận các thành tựu xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, các thế lực thù địch còn cho rằng, Đảng và Nhà nước không quan tâm đến xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, thực tế cuộc sống sôi động đang mỗi ngày mở thêm những trang tươi sáng, cùng với sự ghi nhận, thán phục của cộng đồng quốc tế với kỳ tích xóa đói giảm nghèo của Việt Nam chính là bằng chứng xác đáng nhất mà không luận điệu nào có thể phủ nhận. 

Trong suốt thời gian qua, từng giai đoạn, từng thời kỳ, các đường lối, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế luôn hướng tới mục tiêu "dân giàu, nước mạnh". Cho đến nay, vị thế và tiềm lực của Việt Nam không chỉ là tăng trưởng GDP, mà còn là chất lượng cuộc sống của từng người dân được nâng cao, ngày càng nhiều doanh nghiệp ý thức rõ hơn về trách nhiệm xã hội của mình.

Ngay từ khi mới giành được độc lập, chính quyền còn non trẻ, thế nước còn yếu, nguồn lực eo hẹp, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra nhiệm vụ giải quyết nạn đói là ưu tiên hàng đầu trong 6 nhiệm vụ của Chính phủ. Người đã nhiều lần nhấn mạnh: “Chúng ta đấu tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”.

Thấm nhuần tư tưởng đó, xóa đói, giảm nghèo luôn là tư tưởng xuyên suốt, là động lực phấn đấu của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp cho tới từng người dân Việt Nam trong suốt những năm qua, nhất là từ đầu thời kỳ Đổi mới tới nay.

Xóa đói, giảm nghèo không chỉ là một chủ trương lớn, một chương trình quốc gia giàu tính nhân văn, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc, mà còn là một trong những mục tiêu Thiên niên kỷ, phát triển bền vững của Liên hợp quốc mà Việt Nam đã cam kết. Chính bằng quyết tâm đó, ngay từ năm 2006, Việt Nam đã sớm hoàn thành Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGS) về xóa nghèo, về đích trước 10 năm so với thời hạn (năm 2015).

Theo Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động  - Thương binh và Xã hội), công tác giảm nghèo thời gian qua đã đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết; tỉ lệ giảm nghèo bình quân mỗi năm giảm khoảng 1,55%, tương ứng với trên 300.000 hộ nghèo thoát nghèo. Đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn khoảng 5,35%. Thành tích về giảm nghèo đã giúp Việt Nam đứng thứ 57 trong tổng số 193 nước thành viên của Liệp hiệp quốc về chỉ số SDG năm 2018, tăng 9 bậc so với xếp hạng năm 2017.

Năm 2019, công tác xóa đói giảm nghèo tiếp tục hướng đến mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1 - 1,5%/năm. Riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3% đến 4% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020. Cùng với đó, công tác cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo được chú trọng, bảo đảm thu nhập đầu người của hộ nghèo cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015.

Đánh giá về những kết quả mà Việt Nam đạt được trong công tác xóa nghèo thời gian qua, bà Caitlin Wiesen - Đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam nhấn mạnh: “Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công nhất về xóa đói giảm nghèo trên thế giới. Việt Nam được thế giới công nhận thành tựu xóa đói giảm nghèo phi thường về giảm tỉ lệ nghèo cùng cực, từ 49% dân số vào năm 1992 xuống chỉ còn 2% vào năm 2016. Việt Nam đã giảm đáng kể tỉ lệ nghèo đa chiều, từ 16% vào năm 2012 xuống còn 5% vào năm 2018. Hơn 6 triệu người thoát khỏi nghèo đói trong 6 năm, đây thực sự là thành tựu phi thường.”

“Hơn thế, Việt Nam là một trong những nước đi tiên phong ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương trong việc tiếp cận nghèo đa chiều, bao gồm các chiều cạnh nước sạch, vệ sinh môi trường, y tế, giáo dục và dịch vụ xã hội cơ bản, đo lường nghèo đói một cách toàn diện”, bà Caitlin Wiesen cho biết.

Những con số và nhận định trên một lần nữa khẳng định, mọi chính sách của Đảng, Nhà nước hướng đến người dân đều mang lại kết quả và sự ghi nhận xứng đáng. Đặc biệt, mặc dù các chương trình, các chính sách xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam được thực hiện rất hiệu quả, được thế giới ghi nhận, nhưng các chương trình, chính sách ấy vẫn liên tục được đổi mới để nâng cao hiệu quả.

Cụ thể, cùng với Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 2010-2020, Chiến lược Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2011-2020…, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, chương trình bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng, thúc đẩy nông nghiệp bền vững, chăm sóc sức khỏe cho người dân...

Đơn cử chương trình về nhà ở, nỗ lực phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp được thể hiện với việc thông qua Luật Nhà ở 2014, Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; Nghị định 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; Quyết định 48/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chương trình hỗ trợ người nghèo xây dựng nhà ở, phòng chống bão lụt; Quyết định 33/2015/QĐ-TTg về chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo...

Mô hình ngân hàng lưu động của Agribank góp phần xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa. Ảnh: Thanh Hương/BNEWS/TTXVN

Đi cùng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, việc phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam được các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và xã hội không ngừng nhân lên và vun đắp, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo, hộ nghèo.

Đặc biệt, hưởng ứng thông điệp đầy tính nhân văn từ Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 6/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ phát động Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, mỗi năm ngoài nguồn ngân sách nhà nước dành hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư, hỗ trợ trực tiếp cũng như lồng ghép, thông qua các chương trình, dự án, chính sách cho giảm nghèo, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cũng dành sự ủng hộ rất to lớn đối với công tác giảm nghèo.

“Không để ai bị bỏ lại phía sau” luôn là phương châm hành động, là quyết tâm của cả hệ thống chính trị Việt Nam, để mọi địa phương, mọi người dân Việt Nam đều được hưởng thành quả của phát triển kinh tế.

Bên đàn bò gần hai chục con, được chăn thả dưới tán rừng keo xanh tốt, ông Hồ Viết Thanh ở xã Nhâm, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế bồi hồi: "Tôi chẳng nghĩ sẽ có được ngày hôm nay!".

Dấu ấn khắc khổ vẫn hiện trên khuôn mặt lão nông ngoài 70, nhưng đôi mắt ông đầy phấn khởi: "Từ khi có chủ trương của xã về phát triển rừng kinh tế, tôi quyết định trồng thử vài héc ta keo lai. Mỗi héc ta keo, tràm, mỗi năm cho thu 70 đến 80 triệu đồng, trừ chi phí cũng còn lãi từ 40 đến 50 triệu đồng, chưa tính nguồn thu từ trâu, bò, dê thả dưới tán rừng. Bốn con tôi đều được gây dựng có cơ ngơi riêng, có ruộng lúa nước, có rừng trồng, có trâu bò chăn thả. Các cháu được học hành đầy đủ...".

Hơn 40 năm sau chiến tranh, A Lưới bây giờ đã thực sự "thay da, đổi thịt". Vùng đất của bom đạn và chất độc da cam nay đã hồi sinh với những cánh rừng trồng xanh mướt. Ðồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô, Tà Ôi, Cà Tu, Hre... nơi đây đã bỏ hẳn tập tính du canh du cư, phá rừng làm nương rẫy.

Nhiều hộ giàu lên từ trồng rừng, chăn nuôi, sản xuất. Trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt và các công trình dân sinh đã mọc lên khang trang. Hệ thống giao thông liên thôn, bản, xã được kết nối bằng bê-tông hóa, thuận tiện cho sinh hoạt và sản xuất. Sự hồi sinh của đất A Lưới, cùng với sự đổi thay về đời sống vật chất, tinh thần của bà con các dân tộc nơi đây minh chứng cho sức mạnh, ý chí quyết tâm của người dân trong đấu tranh giành độc lập cũng như chiến đấu với đói nghèo.

Và mới đây nhất, câu chuyện cụ bà Đỗ Thị Mơ, 83 tuổi ở xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa xin trả lại "sổ hộ nghèo" đã gây xúc động mạnh trong dư luận và truyền cảm hứng động viên, cổ vũ người nghèo vươn lên thoát nghèo.

Trong khi còn có những hộ không muốn thoát nghèo, muốn giữ "nghèo bền vững" để hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước thì bà Đỗ Thị Mơ tự nguyện trả lại "sổ hộ nghèo" vì như bà nói, tự bà cảm thấy cuộc sống của mình đã tốt hơn trước đây và còn giúp đỡ được nhiều người khác. Và đáng trân trọng hơn là bà muốn được người khác ghi nhận mình đã "thoát nghèo" bằng chính nỗ lực bản thân dù tuổi đã cao...

Câu chuyện nhỏ cũng là minh chứng về quyết tâm lớn trong quá trình vươn lên thoát nghèo của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng cũng như toàn thể dân tộc Việt Nam.

>>> Phát triển bền vững - Bài 3: Lành mạnh hóa bộ máy kinh tế

>>> Phát triển bền vững - Bài 4: Củng cố thể chế kinh tế thị trường

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục