Phát triển bền vững - Bài 4: Củng cố thể chế kinh tế thị trường

15:29' - 04/12/2019
BNEWS Đổi mới tư duy kinh tế để phát triển là cả một quá trình nhận thức lâu dài của Đảng nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh.
Việt Nam phải hoàn tất quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập theo thông lệ quốc tế. Ảnh: TTXVN

Để làm rõ tư duy kinh tế của Đảng về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn TS. Cao Viết Sinh, Thành viên thường trực Tổ biên tập của Tiểu ban Kinh tế xã hội phục vụ Đại hội Đảng lần thứ XIII, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

PV: Hiện còn nhiều quan điểm chưa rõ ràng về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) của Việt Nam. Ông có thể nói rõ về quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam?

TS. Cao Viết Sinh: Việc xây dựng và hoàn thiện kinh tế thị trường có ý nghĩa quan trọng, là nhiệm vụ chiến lược, là khâu đột phá, tạo động lực phát triển nhanh và bền vững, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sớm đưa nước Việt Nam thoát ra nhóm nước thu nhập trung bình thấp, để bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình cao.

Đại hội Đảng lần thứ XII, Đảng đã xác định: Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhằm mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Hội nghị TW 5 khóa XII đã làm rõ tính hiện đại và hội nhập, thể hiện ở chỗ: Kế thừa có chọn lọc những thành tựu phát triển kinh tế thị trường của nhân loại, kinh nghiệm tổng kết từ thực tiễn hơn 30 năm đổi mới; Có hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách và các yếu tố thị trường, các loại thị trường đầy đủ, đồng bộ, vận hành thông suốt, gắn kết chặt chẽ với các nền kinh tế trên thế giới.

Bên cạnh đó, vai trò, chức năng của Nhà nước và thị trường được xác định và thực hiện phù hợp với thông lệ, nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế phổ biến.

Ngoài ra, định hướng XHCN được nhất quán xác lập và tăng cường thông qua sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, lấy con người làm trung tâm, vì mọi người và do con người; phát huy đầy đủ vai trò làm chủ của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển.

Để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam, Hội nghị TW 5 khóa XII cũng xác định làm rõ vai trò, chức năng của nhà nước và của thị trường: Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các công cụ, chính sách và các nguồn lực của Nhà nước để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và bảo vệ tài nguyên, môi trường; phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội.

Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực; là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường.

PV: Ông có thể đánh giá những kết quả cụ thể trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam?

TS. Cao Viết Sinh: Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam từng bước được hoàn thiện, có nhiều đặc điểm theo hướng hiện đại, đồng bộ và hội nhập. Hiến pháp năm 2013, Việt Nam đã tập trung sửa đổi, hoàn thiện các luật, pháp lệnh và văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, nhất là trong các lĩnh vực đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bảo vệ môi trường, chuyển giao công nghệ cạnh tranh, kiểm soát độc quyền, bảo vệ người tiêu dùng, đấu giá tài sản, giải quyết tranh chấp, phá sản, xử lý vi phạm...

Bên cạnh đó, các yếu tố thị trường và các loại thị trường hàng hóa, dịch vụ từng bước hình thành đồng bộ, vận hành cơ bản thông suốt và bước đầu có sự gắn kết với thị trường khu vực và quốc tế.

Điều này góp phần quan trọng trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là thị trường vốn, đặc biệt là thị trường chứng khoán phát triển mạnh, trở thành một kênh huy động vốn cho nền kinh tế. Thị trường bất động sản phát triển khá đa dạng về loại hình, chất lượng sản phẩm; quy mô tăng nhanh.

Về thể chế môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã được hoàn thiện và bước đầu tiệm cận với thông lệ quốc tế tốt. Môi trường đầu tư kinh doanh chuyển biến rõ nét; quyền tự do, bình đẳng trong kinh doanh, tiếp cận cơ hội kinh doanh được cải thiện; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh và danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện giảm từ 267 ngành năm 2014 xuống còn 243 ngành năm 2016. Vị trí xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu của Việt Nam tăng cao.

Trong báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu vừa được WEF công bố, Việt Nam đứng thứ 67 trong 141 nền kinh tế năm nay, với 61,5 điểm trên thang 100. Mức tăng 10 bậc của Việt Nam là nhiều nhất và cũng là duy nhất trên thế giới.

Đặc biệt hơn cả, vai trò của Nhà nước được điều chỉnh phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Thể chế nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đã được hoàn thiện với quy định về vai trò của nhà nước được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường; đổi mới phương thức quản lý; cải cách hành chính; phòng chống tham nhũng, lãng phí; giảm đáng kể chi phí cho doanh nghiệp.

Việc tổ chức thi hành pháp luật từng bước được tăng cường, nhất là trong những năm gần đây. Các bộ, ngành, địa phương bước đầu đã tạo sự chuyển biến trong công tác cải cách hành chính.

PV: Với tư cách là thành viên Thường trực Tổ biên tập của Tiểu ban Kinh tế xã hội, phục vụ Đại hội Đảng lần thứ XIII, theo ông, thời gian tới Việt Nam cần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN theo hướng nào?

TS. Cao Viết Sinh: Trước hết, Việt Nam phải hoàn tất quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập theo thông lệ quốc tế. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các khung khổ thể chế, pháp luật theo hướng ổn định, cụ thể, minh bạch và thực thi nghiêm túc để phát triển đầy đủ và đồng bộ thị trường các yếu tố sản xuất, bảo đảm đầy đủ quyền tự do, an toàn trong hoạt động kinh doanh; huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực theo nguyên tắc thị trường.

Xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số, cung cấp dịch vụ công, quản lý và bảo vệ môi trường theo nguyên tắc thị trường.

Hai là, làm cho thị trường, nhất là thị trường các yếu tố sản xuất hoạt động đầy đủ, không méo mó, không sai lệch và trở thành yếu tố quyết định trong huy động và phân bổ nguồn lực xã hội.

Trong bối cảnh hiện nay, cần ưu tiên hoàn thiện thị trường quyền sử dụng đất và thị trường khoa học công nghệ để thúc đẩy huy động nguồn lực và đổi mới sang tạo.

Ba là, Nhà nước tiếp tục chủ động giảm bớt và thay đổi vai trò và chức năng của mình, qua đó, làm thay đổi vai trò, chức năng của thị trường và quan hệ giữa Nhà nước và thị trường.

Nhà nước thực hiện tốt chức năng xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, phân bổ nguồn lực phát triển (vốn, đất đai, khoáng sản, tài nguyên...) theo cơ chế thị trường.

Bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh, thực thi hợp đồng của người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Nhà nước coi trọng vai trò của thị trường, xây dựng thể chế phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân tự do kinh doanh và phát triển.

Đồng thời, nhà nước chủ động kiểm soát, tác động vào thị trường để phát huy mặt tích cực và hạn chế tác động của những yếu tố không hoàn thiện, tiêu cực của thị trường.

Xây dựng nhanh nền hành chính kiến tạo phát triển dựa trên chế độ chức nghiệp thực tài, phục vụ người dân, doanh nghiệp; thực hiện phương thức, công cụ quản lý nhà nước chủ yếu bằng điều tiết gián tiếp, tăng cường hậu kiểm; giảm tối đa rủi ro pháp lý và chi phí tuân thủ đối với người dân và doanh nghiệp.

Đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử; thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn.

Thực hiện chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện từ chính phủ đến xã hội, doanh nghiệp để phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số.

Bốn là, tập trung xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, tiếp tục mở rộng và thực thi dân chủ, đảm bảo thực hiện đầy đủ và thực chất các quyền con người, quyền công dân; thiết lập cơ cấu quản trị quốc gia không có xung đột lợi ích, cân bằng giữa quyền lực và giám sát quyền lực, trách nhiệm giải trình đầy đủ trước người dân và doanh nghiệp.

Tập trung đổi mới quản trị nhà nước theo hướng quản trị nhà nước tốt. Tiếp tục đổi mới cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước, thu gọn đầu mối theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

Nâng cao chất lượng, đổi mới công cụ quản lý nhà nước, đặc biệt hệ thống pháp luật hướng đến duy trì kỷ cương, trật tư xã hội, đảm bảo thượng tôn pháp luật, thiết lập và duy trì cạnh tranh thị trường công bằng, khắc phục khiếm khuyết của thị trường.

Đổi mới và nâng cao năng lực của bộ máy nhà nước; tách chức năng làm chính sách và chức năng thực thi chính sách. Đảm bảo nhất quán giữa luật pháp và thực thi luật pháp, nâng cao tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham của người dân nhằm giảm rủi ro, tăng mức độan toàn pháp lý; giảm chi phí tuân thủ, mở rộng cơ hội và khuyến khích sáng tạo kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

PV:Xin cảm ơn ông.

>>>Phát triển bền vững - Bài 5: Kinh tế tư nhân - “Chân kiềng” vững chắc của kinh tế

>>>Phát triển bền vững - Bài cuối: Hiểu đúng về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục