Phát triển cánh đồng lớn ĐBSCL - Bài 1: Nhiều kỳ vọng

19:38' - 26/12/2020
BNEWS Cánh đồng mẫu lớn là mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn, tăng khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Khởi phát ở An Giang, cánh đồng mẫu lớn là mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn, tăng khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Mô hình đã nhanh chóng lan rộng ra khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và diện tích sản xuất không ngừng tăng mạnh.

Tuy nhiên, trái với những kỳ vọng ban đầu, mô hình cánh đồng lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long đang nhỏ dần; doanh nghiệp vẫn phải loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm của mình.

Bài 1: Nhiều kỳ vọng

“Cánh đồng mẫu lớn” hay “Cánh đồng lớn” là cánh đồng lúa được nông dân trồng một loại giống lúa được doanh nghiệp cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật canh tác; đồng thời, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm… Đây được xem là mối liên kết bốn nhà (nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà nước - nhà khoa học) trong sản xuất - tiêu thụ lúa gạo.

Chưa có tiếng nói chung

Ông Lê Văn Bê, nông dân xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An cho biết, hơn 3 năm nay tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn giúp nông dân giảm chi phí giống, giảm lượng phân bón, giảm số lần phun và liều lượng phun thuốc bảo vệ thực vật.

Từ đó, làm cho lợi nhuận của người dân trong cánh đồng lớn cao hơn so ngoài cánh đồng lớn từ 2-3 triệu đồng/ha và lúa thu hoạch được bao tiêu, tránh được tình trạnh cò, lái ép giá.

Theo PGS-TS Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Định Thành thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, mô hình này được kỳ vọng sẽ tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, có chất lượng.

Hơn nữa, trước đây việc tổ chức sản xuất lúa gạo kém hiệu quả, đa phần là do nông hộ nhỏ, sản xuất manh mún.

Trong khi đó, nhu cầu xuất khẩu đòi hỏi khối lượng lớn, đồng đều về sản phẩm, có thể truy xuất nguồn gốc và quản lý lượng thuốc bảo vệ thực vật để tạo thương hiệu.

Tuy nhiên, quá trình khi triển khai thực hiện mô hình cánh đồng lớn, các tỉnh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung đều gặp một số khó khăn.

Đó là phần lớn các hộ nông dân trồng lúa có diện tích trồng lúa chưa đủ lớn, chưa có tư duy sản xuất lúa hàng hóa theo quy mô lớn.

Việc áp dụng kỹ thuật gặp không ít khó khăn do trình độ của người nông dân còn hạn chế. Từ đó, việc mở rộng diên tích vẫn còn chậm... nên sau một thời gian duy trì, mô hình cánh đồng lớn không những không đạt mục tiêu như kỳ vọng và hiện đang giảm dần.

Theo số liệu của Cục kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn công bố, sau lần đầu tiên thí điểm mô hình cánh đồng lớn, diện tích sản xuất áp dụng mô hình này đã có bước tăng nhảy vọt.

Cụ thể, đến năm 2014, tổng diện tích sản xuất của mô hình cánh đồng lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long đạt 146.000 ha, đến năm 2015 đạt khoảng 196.000 ha.

Thế nhưng, vụ Đông Xuân 2017-2018, tổng diện tích lúa sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn đạt 170.000 ha/1,68 triệu ha, chiếm hơn 10% tổng diện tích sản xuất lúa trong vụ Đông Xuân 2017-2018 của Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, mặc dù doanh nghiệp và nông dân đã có hợp đồng thu mua lúa với giá cố định, nhưng đây chỉ là những hợp đồng dựa trên “lòng tin” giữa hai bên, chưa có sự ràng buộc về mặt pháp lý.

Điều này dẫn đến tình trạng, có thời điểm giá lúa thị trường tăng cao, nông dân lại “bẻ kèo” bán bên ngoài cho thương lái.

Doanh nghiệp tham gia cánh đồng lớn thì không mua được lúa của nông dân như đã cam kết, không đủ hàng để giao cho đối tác… dẫn đến việc doanh nghiệp và nông dân mất lòng tin và không dám “hợp tác” lâu dài.

Theo ông Nguyễn Chí Thiện, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, năm 2020  tỉnh Long An thực hiện 128 cánh đồng với diện tích 13.924 ha, với 3.012 hộ tham gia, đạt 41,6% so kế hoạch, giảm 4.967 ha so năm 2019.

Nguyên nhân do thị trường xuất khẩu gạo gặp khó khăn; doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư; một số doanh nghiệp thay đổi phương thức thực hiện cánh đồng lớn nên chưa có sự thống nhất về giá thu mua giữa doanh nghiệp và nông dân...

Hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, trong năm 2020, đã có 42 doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ lúa trên địa bàn tỉnh An Giang trên diện tích 40.802 ha, đạt 6,65% diện tích gieo trồng lúa cả tỉnh.

Với định hướng phát triển hợp tác xã theo hướng đa ngành nghề, cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích cho thành viên và cộng đồng dân cư; hoàn thiện hợp tác xã điển hình làm trọng tâm để nhân rộng toàn tỉnh.

Để thực hiện được mục tiêu này, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang sẽ chủ trì, phối hợp Hội Nông dân tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Tập đoàn Lộc Trời, UBND huyện, thị xã, thành phố lựa chọn các tổ hợp tác nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, các nhóm nông dân thành lập các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, qua đó từng bước tổ chức lại sản xuất, xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị.

Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, tỉnh có 44 đơn vị được chấp thuận chủ trương xây dựng dự án cánh đồng lớn.

Kết quả liên kết sản xuất và tiêu thụ giúp nông dân tỉnh Đồng Tháp tăng thêm lợi nhuận bình quân từ 3 - 4 triệu đồng/ha/vụ so với sản xuất truyền thống.

Diện tích thực hiện liên kết trung bình hàng năm cho 3 vụ lúa Đông Xuân, Hè Thu và Thu Đông với diện tích hơn 134 nghìn ha, sản lượng lúa tiêu thụ qua hợp đồng giữa doanh nghiệp và các hợp tác xã, tổ hợp tác đạt hơn 720 nghìn tấn.

Tại tỉnh Tiền Giang, khi thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, năm 2020 Tiền Giang triển khai 3 dự án liên kết sản xuất trên cây lúa, trên chăn nuôi lợn, trên rau và 2 kế hoạch liên kết tiêu thụ lúa, tiêu thụ rau với tổng kinh phí trên 9,8 tỷ đồng.

Các đối tác tham gia các dự án, kế hoạch liên kết tiếp cận được các chính sách hỗ trợ về chi phí tư vấn xây dựng dự án, đầu tư kiến thiết hạ tầng, mua sắm máy móc, thiết bị; thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm…

Ngoài ra, Tiền Giang cũng ưu tiên hỗ trợ đầu tư kiện toàn cơ sở vật chất hạ tầng kết hợp xây dựng các mô hình khuyến nông lồng ghép trong các nội dung liên kêt theo mô hình cánh đồng lớn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân và các đối tác.

Theo Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Thành Nam Lê Văn Hưng, trong những năm qua, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Thành Nam liên kết với Công ty ADC tổ chức sản xuất lúa theo tiêu chí Global GAP, hiệu quả sản xuất nâng lên, nông dân an tâm đầu ra nông sản hàng hóa, không lo tình trạng bấp bênh “được mùa, mất giá” như trước.

Trong khi đó, tại Long An khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với nông dân; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải liên kết; quyền và trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện theo cam kết (hợp đồng) của các đối tác tham gia liên kết.

Ngoài ra, Sở nông nghiệp Long An còn tham mưu triển khai thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh Long An với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời về việc thực hiện dự án phát triển chuỗi giá trị lúa gạo, thực hiện Chương trình liên kết và phát triển hợp tác xã kiểu mới gắn xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo và cây ăn quả; phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác và câu lạc bộ nông dân; cung ứng dịch vụ nông nghiệp nhất là dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Long An./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục