Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Bài 2: Đẩy mạnh kết nối chuỗi sản xuất toàn cầu

07:29' - 07/10/2016
BNEWS Nhà nước cần hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam kết nối với các tập đoàn đa quốc gia để tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Nhà nước cần hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam kết nối với các tập đoàn đa quốc gia. Ảnh minh họa: TTXVN

Nhận thức được sự yếu kém của ngành công nghiệp hỗ trợ, từ năm 2012 tới nay, Bộ Công Thương đã tích cực hợp tác chặt chẽ với Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc để đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ ngành công nghiệp hỗ trợ trong các lĩnh vực điện – điện tử, cơ khí chế tạo, dệt may, ô tô.

Tính đến hết năm 2014, chỉ có 4/79 doanh nghiệp Việt Nam cung cấp linh kiện, phụ tùng cho Samsung tại Việt Nam. Nhưng từ đầu năm 2015, Bộ Công Thương đã tích cực làm việc với Tập đoàn Samsung tại Việt Nam để kết nối các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung.

Đến nay, đã có thêm 6 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam tham gia được vào chuỗi sản xuất của Samsung Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng xây dựng hệ thống Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm giúp các doanh nghiệp về mặt công nghệ và quản trị, kiểm định chất lượng và chuyển giao công nghệ, thiết kế; Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nội địa về công nghệ, đào tạo nhân lực, quản trị sản xuất, tạo dựng thị trường… kết nối với các Tập đoàn đa quốc gia và các nhà cung ứng là doanh nghiệp FDI nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm, từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất…

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, để phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp hỗ trợ trong các lĩnh vực cơ khí, ô tô, dệt may – da giày, điện tử…, thì ngoài việc tận dụng các dự án đầu tư lớn có chiều sâu về nghiên cứu và phát triển của các tập đoàn tại Việt Nam như Samsung, Electronic,…, các cơ quan quản lý nhà nước vẫn phải là đầu mối, phối hợp chặt chẽ với các tập đoàn này để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Cần đầu tư nguồn lực phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Đây chính là một cầu nối quan trọng tạo thị trường đầu ra cho các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nhà nước cần đầu tư nguồn lực phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là nhóm các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua hỗ trợ về vốn tín dụng, công nghệ, đào tạo nhân lực và các ưu đãi về thuế, cơ sở hạ tầng…

Tuy nhiên, ông Yeon In Jung, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần xây dựng chiến lược dài hạn tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp, có lựa chọn và tập trung, đảm bảo chất lượng quốc tế. Trong đó, Việt Nam cần phát triển những cơ quan chứng nhận các sản phẩm đạt chuẩn, chứng nhận sản xuất an toàn, đảm bảo môi trường.

Đặc biệt, để đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, cần nhân lực lành nghề và kiểm soát chất lượng.

Nhằm cụ thể hóa việc trợ giúp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển, tham gia được vào chuỗi sản xuất của các Tập đoàn đa quốc gia, các nhà lắp ráp thế giới, hiện Bộ Công Thương cũng chủ trì soạn thảo Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ để giúp các doanh nghiệp này phát triển trong sức ép cạnh tranh gay gắt của quá trình hội nhập quốc tế./.

Xem thêm:

>> Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Bài 1 - Giá trị nhập khẩu lớn nhưng giá trị gia tăng nhỏ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục