Năng lực và công nghệ của ngành công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế

18:55' - 17/06/2016
BNEWS Đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm trên 80% số doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng của Việt Nam.
Hơn 200 doanh nghiệp tham gia Hội thảo Triển lãm “Kết nối cung cầu ngành Cơ khí và Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam". Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Tại Hội thảo Triển lãm “Kết nối cung cầu ngành Cơ khí và Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam", do Bộ Công Thương tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 17/6, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) nhận định:

Ngành công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò quan trọng trong nền công nghiệp quốc gia, song hiện nay ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn "non trẻ".

Ông Phạm Tuấn Anh cho biết, năng lực và công nghệ sản xuất của phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn nhiều hạn chế như công nghệ lạc hậu, khả năng cạnh tranh thấp, nguyên vật liệu phụ thuộc phần lớn vào nhà cung cấp nước ngoài.

Điển hình, các doanh nghiệp nội địa chỉ mới cung ứng được khoảng 10% nhu cầu nội địa về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Trong giai đoạn từ năm 2011 - 2015, trừ công nghiệp xe máy và một số sản phẩm điện tử gia dụng có tỷ lệ sử dụng linh kiện trong nước khá cao, các lĩnh vực còn lại tỷ lệ nội địa hóa thấp.

Đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm trên 80% số doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng của Việt Nam, tập trung vào linh kiện điện – điện tử và linh kiện kim loại.

Năng lực và công nghệ của ngành công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Ở góc độ doanh nghiệp hoạt động trong ngành cơ khí, ông Trần Quốc Toản, Tổng giám đốc Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) cho biết, cả nước có 358 doanh nghiệp cơ khí ô tô, tạo việc làm cho 78.906 lao động; đồng thời có khoảng 50 nhà sản xuất và lắp ráp trong và nước ngoài.

Mặc dù được xác định là ngành công nghiệp cần thúc đẩy phát triển, nhưng thực tế ô tô vẫn là ngành được bảo hộ với hàng rào thuế nhập khẩu khá cao, sự thiếu đồng bộ và bất ổn định về chính sách thuế, phí đã gây tác động tiêu cực đến sự phát triển của ngành này.

Tương tự, một số doanh nghiệp ngành công nghiệp ô tô cho rằng, năm 2018 là năm bản lề của công nghiệp ô tô Việt Nam khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ các nước thuộc khu vực Asean vào Việt Nam giảm về 0%.

Nếu không nỗ lực hơn trong thời gian ngắn thì từ nay đến lúc đó, Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng tương tự Philippines khi thị trường chưa phát triển, chính sách không rõ ràng nhất quán khiến các nhà sản xuất lắp ráp rút lui khỏi thị trường và chuyển sang nhập khẩu.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 9028/QĐ-BCT của Bộ Công Thương, đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp, với sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất tiêu dùng nội địa, xuất khẩu 25% giá trị sản xuất công nghiệp.

Có khoảng 1.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đủ năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam; giá trị sản xuất công nghiệp của công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp.

Còn đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; phấn đấu đạt khoảng 2.000 doanh nghiệp; giá trị sản xuất công nghiệp chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp.

Tuy nhiên, ông Yeon In Jung, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam cho rằng:

Chính phủ Việt Nam cần xây dựng chiến lược dài hạn tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp, có lựa chọn và tập trung, đảm bảo chất lượng quốc tế.

Trong đó, Việt Nam cần phát triển những cơ quan chứng nhận các sản phẩm đạt chuẩn, chứng nhận sản xuất an toàn, đảm bảo môi trường. Đặc biệt, để đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, cần nhân lực lành nghề và kiểm soát chất lượng.

Ngoài các sản phẩm nằm trong danh mục của Nghị định số 111/2015/NĐ- CP của Chính phủ ngày 3/11/2015, về phát triển công nghiệp hỗ trợ, các doanh nghiệp còn kiến nghị Chính phủ có định hướng sản phẩm mang thương hiệu của Việt Nam đáp ứng yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhà nước cần phải chọn một vài công ty lớn để dẫn dắt công nghiệp hỗ trợ phát triển. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế, chính sách, mối quan hệ giữa giáo dục đào tạo và doanh nghiệp về công tác đào tạo nguồn nhân lực hỗ trợ.

Thường xuyên tổ chức và nâng cao tính chuyên nghiệp của các hội chợ triển lãm và các hội thảo chuyên đề phát triển công nghiệp phụ trợ cho từng lĩnh vực sản phẩm riêng biệt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục