Phát triển kinh tế trung du và miền núi Bắc bộ: Điện về giúp đồng bào thoát nghèo

17:02' - 26/05/2022
BNEWS Bằng nỗ lực và trách nhiệm, EVN đã thực hiện thành công nhiều dự án đưa điện về nông thôn, miền núi, hải đảo, nhất là vùng miền núi phái Bắc, nơi gặp nhiều khó khăn.

 

Đưa điện lưới quốc gia về các vùng nông thôn, bản, làng vùng cao, vùng sâu, vùng hải đảo xa xôi là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được Đảng, nhà nước giao phó.

Bằng nỗ lực và trách nhiệm, EVN đã thực hiện thành công nhiều dự án đưa điện về nông thôn, miền núi, hải đảo, nhất là vùng miền núi phái Bắc, nơi gặp nhiều khó khăn. Nhờ có điện, kinh tế, đời sống người dân những vùng đất này đã được cải thiện hơn.

Sơn La cũng là một trong những tỉnh vùng núi phía Bắc có địa hình phức tạp và có nhiều khó khăn trong phát triển lưới điện. Cùng với định hướng của Thủ tướng Chính Phủ và Bộ Công Thương, ngành điện tỉnh Sơn La đã hoàn thành nhiều dự án lớn cung cấp điện lớn với tổng giá trị đầu tư hàng trăm tỉ đồng mang điện đến cho hàng chục nghìn hộ dân.

Đơn cử như dự án cung cấp điện lưới quốc gia cho đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La, tổng mức đầu tư 557 tỷ đồng, hoàn thành cấp điện cho 22.617 hộ và dự án cung cấp điện lưới quốc gia cho các hộ dân chưa có điện tỉnh Sơn La, tổng vốn đầu tư 153 tỷ đồng, hoàn thành cấp điện cho 5.345 hộ...

Ông Vừ A Dơ, Trưởng bản Ten Ư, xã Chiềng Sơ, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La phấn khởi chia sẻ, nhờ sự quan tâm của Đảng và nhà nước, ngành điện lực mà ánh sáng điện đã đến từng nhà, thỏa lòng mong đợi của người dân nơi đây.

"Chúng tôi có điện để xem tivi, tin tức thời sự, học hỏi cách sản xuất, cơ sở y tế khang trang hơn để đời sống dần được nâng lên. Nhờ thế, người dân tin tưởng vào một tương lai tươi sáng và hạnh phúc góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo trong công cuộc xây dựng nông thôn mới", trưởng bản Vừ A Dơ nói.

Cuối năm 2021 vừa qua, Công ty Điện lực Lai Châu cũng vừa đóng điện, đưa điện lưới quốc gia đến với 140 hộ dân sinh sống tại 2 bản Tìa Khí và Phi Én, thuộc xã Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Có điện về, kinh tế nơi đây sẽ cải thiện, nâng cao đời sống sinh hoạt người dân trong bản.

Ông Cháng A Chí, Bí thư bản Tìa Khí xã Tủa Sín Chải chia sẻ, trong bản chủ yếu là người H’Mông, chưa có điện nên điều kiện kinh tế rất khó khăn. Nhưng nay niềm mơ ước bao năm đã thành hiện thực, điện lưới đã về tới bản. Nhân dân 2 bản vui và phấn khởi lắm. Nhờ có điện, cuộc sống của dân bản sẽ tốt hơn. 

Cụ Cháng Từ Tú đã sinh ra và lớn lên tại bản Tìa Khí, nay đã hơn 70 tuổi. Cụ Cháng Từ Tú xúc động nói: “Tôi không tin nổi điện có thể đưa đến được nơi này. Cả cuộc đời tôi chỉ mong ước được nhìn thấy ánh sáng điện quốc gia một lần trong đời và nay niềm mong ước đó đã thành hiện thực”.

Còn nhiều vùng quê, bản làng xa xôi tại Điện Biên, Cao Bằng, Lào Cai...đã được kéo điện, bằng sự nỗ lực của những công nhân ngành điện. Nhờ dòng điện, cuộc sống những vừng quê vốn nghèo nàn, lạc hậu đã được thay đổi rõ rệt.  Đổi lại sự nhọc nhằn, vất vả của những người công nhân điện là nụ cười hạnh phúc và phấn khởi của người dân khi "điện về làng".

Trở lại huyện Bá Thước, Thanh Hóa, vùng đất xưa kia vẫn phải dùng đèn dầu để phục hoạt động học tập, sinh hoạt, thì nay, nhờ dòng điện kéo tới từng nhà, thôn bản, cuộc sống người dân nơi đây đã có nhiều thay đổi.

Bá Thước là huyện miền núi nằm phía Bắc Tây Bắc của tỉnh Thanh hóa, chủ yếu là dân tộc Thái, Mường và một số ít dân tộc Kinh. Đây cũng là 1 trong 11 huyện miền núi nghèo của tỉnh Thanh Hoá. Với 3/4 là đồi núi, bị chia cắt bởi hệ thống sông suối, cuộc sống của người dân nơi đây thực sự còn nhiều khó khăn, vất vả.

Để vào đến các thôn bản, những người thợ điện phải vượt qua đoạn đường núi hơn 3km, một bên là núi đá, một bên là bờ vực, đoạn đường hẹp chỉ đủ cho một chiếc xe qua. Gian khổ là thế, nhưng bất kể nắng nóng, khắc nghiệt, mưa bão, ngày hay đêm, khi nào người dân nơi vùng núi này gọi báo sự cố về điện, đội quản lý điện lực huyện Bá Thước lại lập tức lên đường để sửa điện một cách nhanh nhất.

Ông Phạm Minh Quang, Bí thư Chi bộ thôn Cả (xã Ban Công, huyện Bá Thước) cho hay, thôn Cả có 253 hộ dân, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, đường núi hiểm trở khó đi. “Trước đây, điện áp 1 pha không đủ cho chúng tôi sử dụng. Nhà nào nấu cơm trước thì chín trước, nhà nào nấu muộn sau thì ăn cơm sống. Nhưng thời gian qua, ngành điện đưa thêm điện 3 pha về, điện đã mạnh lắm, người dân vùng núi có thể sử dụng được cả các thiết bị đèn, quạt, tủ lạnh, tivi màu, và máy xay xát phục vụ đời sống… Các cháu nhỏ cũng có điện để học tập tốt hơn”.

Theo báo cáo của Tổng công ty Điện lực miền Bắc, đến nay, 100% số xã thuộc địa bàn quản lí của EVNNPC được cấp điện, số hộ dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 98,79%. EVNNPC cũng đã cấp điện cho 3/3 huyện đảo trên địa bàn gồm: Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Hải (Hải Phòng) và tiếp nhận để bán điện trực tiếp đến khách hàng trên huyện đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng)…

Đưa điện về những vùng sâu, vùng xa, biên giới phía Bắc là nhiệm vụ còn nhiều khó khăn và gian khổ, bởi địa hình vô cùng hiểm trở, cơ sở vật chất nghèo nàn và lạc hậu tại các địa bàn.

Bà Đỗ Nguyệt Ánh, Chủ tịch HĐTV EVNNPC cho hay, điều đó lại càng tiếp thêm dũng khí, động lực cho người làm điện ở EVNNPC. Bất chấp hiệu quả kinh tế không cao hoặc có thể không có lãi, EVNNPC vẫn quyết tâm đưa lưới điện quốc gia phủ sóng toàn bộ những bản làng xa xôi các tỉnh thành phía Bắc.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục