Phát triển kinh tế tư nhân: Cần giải pháp đồng bộ từ hai phía

07:57' - 15/10/2017
BNEWS Để nuôi dưỡng, tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển, cần những giải pháp đồng bộ, từ cả hai phía Nhà nước và doanh nghiệp.

>> Bài trước: Sức cộng hưởng từ các chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân

Trong nhiều năm qua, vai trò của kinh tế tư nhân ngày càng được ghi nhận, các chính sách, môi trường đầu tư tại các địa phương nói riêng và cả nước nói chung đã thông thoáng hơn.

Tuy nhiên, trên thực tế, mặc dù số lượng doanh nghiệp tăng lên nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm phần lớn, sản xuất manh mún, gặp nhiều khó khăn, công nghệ lạc hậu, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp.

Để nuôi dưỡng, tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển, cần những giải pháp đồng bộ, từ cả hai phía Nhà nước và doanh nghiệp.

Còn nhiều khó khăn

Theo các chuyên gia, trong thời gian qua, nhiều chính sách ở các địa phương đã được thay đổi, thông thoáng nhưng vẫn còn nhiều thủ tục rườm rà. Việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do vướng các quy định về năng lực tài chính, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thêm vào đó, thời hạn cho vay lãi suất cố định khá ngắn nên các doanh nghiệp gặp khó khăn, hạn chế khi quyết định vay vốn trung và dài hạn. Ngoài ra, do trình độ quản lý, chế độ tài chính kế toán của những doanh nghiệp này còn bất cập và chưa minh bạch, điều này làm cho hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn có khoảng cách nhất định.

Kinh tế tư nhân vẫn chủ yếu là hộ gia đình và cá thể, chiếm phần lớn tổng số chủ thể kinh tế tư nhân. Ảnh minh họa: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Theo ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Tp. Hồ Chí Minh, có quá nhiều thủ tục mới đưa được doanh nghiệp gia nhập thị trường.

Trong đó có nhiều việc khó như: thành lập doanh nghiệp phải mã hóa ngành kinh doanh; đăng ký qua mạng cũng chưa dễ tự thực hiện; quá nhiều “giấy phép con” chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, điều kiện an toàn thực phẩm, phòng cháy, môi trường; phù hợp quy chuẩn, quy hoạch; chứng chỉ hành nghề, bằng cấp… và thực tế đã hình thành thị trường ngầm để mua bán, thuê mướn những thứ cần cho thủ tục.

Tình hình về kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhiều lần, cán bộ kiểm tra lạm dụng quyền hạn làm khó doanh nghiệp vẫn còn xảy ra.

Ngoài ra, kinh tế tư nhân vẫn chủ yếu là hộ gia đình và cá thể, chiếm phần lớn tổng số chủ thể kinh tế tư nhân. Số lượng doanh nghiệp của khu vực này gia tăng hàng năm nhưng chủ yếu là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Phần lớn các doanh nghiệp khu vực này sử dụng công nghệ lạc hậu, đầu tư cho đổi mới còn thấp.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Tp. Hồ Chí Minh, vốn đăng ký trung bình của một doanh nghiệp ở Tp. Hồ Chí Minh chỉ đạt khoảng 7,6 tỷ đồng. Đây là số vốn quá nhỏ để doanh nghiệp vừa đầu tư mua sắm thiết bị, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, vừa chi trả lương cho người lao động; quảng bá thương hiệu, tiếp cận thị trường.

Theo số liệu thống kê của Cục Thuế Tp. Hồ Chí Minh, trong 309.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập tại Tp. Hồ Chí Minh, hiện có gần 192.000 doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn đang đóng thuế.

Con số này cho thấy, số doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, làm ăn có lãi chỉ chiếm 62% trên tổng số doanh nghiệp hiện có. Xét về quy mô, gần 99% doanh nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, chỉ 1% doanh nghiệp có quy mô lớn.

Ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn (Tp. Hồ Chí Minh) chia sẻ, hầu hết các doanh nghiệp nhỏ chưa hoạch định được chiến lược phát triển, định hướng tầm nhìn dài hạn trong việc sử dụng nguồn lực, nghiên cứu sản phẩm, xây dựng thương hiệu giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động theo mô hình công ty gia đình, có xu hướng khoanh vùng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do hạn chế nguồn lực và không có định hướng mở rộng thị trường xuất khẩu nên rất ít doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới công nghệ, nghiên cứu thị trường để đưa ra những sản phẩm có chất lượng và giá trị gia tăng cao.

Còn tại Bình Dương, số lượng doanh nghiệp thành lập mới liên tục tăng lên nhờ chính sách khuyến khích khởi nghiệp và chuyển đổi mô hình kinh doanh. Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Bình Dương, ở chiều ngược lại cũng có không ít doanh nghiệp phá sản hoặc tạm dừng hoạt động vì không đủ năng lực tiếp tục hoạt động kinh doanh.

Điều này cho thấy chất lượng của doanh nghiệp mới hoạt động còn nhiều hạn chế. Tính đến cuối tháng 9/2017, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngưng hoạt động là 326 doanh nghiệp, tăng 5% so cùng kỳ. Đa phần các doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, tạm ngừng hoạt động chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bên cạnh đó, kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém. Phần lớn các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nông thôn có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, kinh nghiệm quản lý của các doanh nhân còn nhiều hạn chế.

Việc chấp hành pháp luật tại một số cơ sở, doanh nghiệp chưa nghiêm. Việc tiếp cận, nắm bắt, xử lý thông tin và xúc tiến thương mại của doanh nghiệp tư nhân còn nhiều hạn chế, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ý thức về những khó khăn, thách thức khi hội nhập kinh tế quốc tế còn nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức…

Hoàn thiện chính sách

Để nuôi dưỡng, tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển, cần những giải pháp đồng bộ, từ cả hai phía Nhà nước và doanh nghiệp; trong đó, vấn đề giảm chi phí cho doanh nghiệp cả chính thức và không chính thức cần được các địa phương triển khai quyết liệt.

Theo ông Nguyễn Đình Tuệ, Tp. Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu trong cả nước về việc ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cần có quan điểm xóa bỏ nhiều giấy phép con, cắt bỏ quy trình thủ tục không cần thiết nhằm nâng cao vai trò tự chịu trách nhiệm trước pháp luật của doanh nghiệp.

Tạo ra chuyển biến căn bản công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh hiện nay. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp chỉ ra những nơi còn “chi phí không chính thức” cao để xử lý.

Trong thời gian tới, Đồng Nai tiếp tục tăng cường xây dựng, tạo lập môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo tiền đề để phát triển nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, phấn đấu đến năm 2020 Đồng Nai phải có khoảng 32.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

Theo đó, việc tiếp tục nâng cao chất lượng cải cách hành chính luôn đặt lên hàng đầu, đảm bảo công khai minh bạch, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ của doanh nghiệp. Khuyến khích thực hiện các sáng kiến cải cách nhằm rút ngắn quy trình, giảm số lượng và đơn giản hóa nội dung thủ tục hành chính.

Khuyến khích doanh nghiệp luôn có hoạt động đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh; Khuyến khích và tạo thuận lợi hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và có tiềm năng tăng trưởng cao phát triển.

Việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa: Trần Việt - TTXVN

Chính sách thì đủ nhưng quan trọng là hiệu quả của nó đi vào cuộc sống như thế nào. Vấn đề là làm gì để thúc đẩy nâng cao chất lượng hoạt động của doanh nghiệp cũng như khuyến khích thành lập doanh nghiệp.

Thực hiện Nghị quyết số 35 của Chính phủ hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Dương đề cập các nhóm giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo đó, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh; giảm chi phí kinh doanh; bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

Theo ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, mục tiêu đề ra của tỉnh là từ nay đến năm 2020 sẽ trở thành tỉnh công nghiệp phát triển trong khu vực Đông Nam Á.Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có 50.000 doanh nghiệp.

Đến nay tỉnh hiện có 29.000 doanh nghiệp và còn 21.000 doanh nghiệp cần phấn đấu tiếp nữa. Trong đó, việc thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được xem là chiến lược quan trọng, tỉnh đã phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án “Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp ngày càng mạnh mẽ.

Ngoài ra, UBND tỉnh chủ trì cùng các ngành liên quan tổ chức đối thoại công khai định kỳ ít nhất 2 lần/năm với cộng đồng doanh nghiệp, kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trên địa bàn.../.

>>> Sức cộng hưởng từ các chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân

>>> Chờ đón một môi trường thuận lợi

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục