Phát triển ngành thủy sản Khánh Hòa - Bài cuối: Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên biển

15:00' - 03/06/2018
BNEWS Dưới sức ép rất lớn từ phát triển kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch, khai thác hải sản trong và xung quanh các khu bảo tồn, việc quản lý các khu bảo tồn biển vẫn chưa hiệu quả, xảy ra nhiều bất cập

Ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển ngành thủy sản dựa trên những lợi thế sẵn có, tỉnh Khánh Hòa còn hướng đến bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên biển một cách bền vững tại các khu kinh tế trọng điểm như: vịnh Vân Phong, Nha Trang và Cam Ranh.

* Nguy cơ bị xâm hại đa dạng sinh học 

Việt Nam có đặc điểm về điều kiện sinh thái và địa hình được đánh giá là một trong 25 nước trên thế giới có mức độ đa dạng sinh học cao nhất thế giới; nguồn lợi thủy sản đa dạng và phong phú.

Theo Tổng cục Thủy sản Việt Nam, vùng biển Việt Nam có gần 1.200 loài hải sản; trong đó, có 945 loài cá, 135 loài giáp xác, còn lại thuộc nhóm khác. Sản lượng khai thác hải sản hiện nay đã vượt quá giới hạn khai thác cho phép trên 30%; trong đó chủ yếu là đối với nhóm hải sản tầng đáy.

Cùng với sự gia tăng dân số, các yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, hệ quả của biến đổi khí hậu, ý thức bảo tồn lưu giữ các nguồn gen quý của Việt Nam còn hạn chế. Điều này cũng gây nên sự giảm sút nghiêm trọng về nguồn lợi các loài thủy sản, kéo theo sự suy giảm tính đa dạng di truyền.

Thông tin từ Bộ sách đỏ Việt Nam công bố năm 2008 cho thấy, trong lĩnh vực thủy sản có 4 loài đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên, 18 loài có nguy cơ tuyệt chủng cực kỳ lớn, 56 loài có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn và 158 loài có nguy cơ tuyệt chủng lớn.

Ý thức tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên, những năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập được 10 khu bảo tồn biển: Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, vịnh Nha Trang, Núi Chúa, Hòn Cau, Côn Đảo và Phú Quốc. Bên cạnh đó, có 4 khu bảo tồn biển đã hoàn thành quy hoạch chi tiết, 2 khu bảo tồn biển đang xây dựng quy hoạch chi tiết.

Tại Khánh Hòa, Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang là một trong những khu bảo tồn có quy mô và tầm quan trọng hàng đầu của cả nước với diện tích 160 km2 có sự đa dạng sinh học rất cao. Ở đây, có trên 350 loài san hô, 70 loài giáp xác, 120 loài thân mềm, 70 loài rong...

Tuy nhiên, gần đây các rạn san hô ở vịnh Nha Trang bị nhiều tác động xấu từ tự nhiên lẫn con người. Chẳng hạn như các hoạt động du lịch của tàu du lịch xả thải rác sinh hoạt, dầu chạy tàu loang trên biển… Tình trạng khai thác bừa bãi, tận diệt tài nguyên biển vẫn còn diễn ra.

Theo Viện trưởng Viện Hải dương học Võ Sĩ Tuấn, sự thay đổi môi trường vùng ven biển là do hoạt động phát triển kinh tế, xã hội của con người như việc lấn chiếm, hủy hoại, khai hoang rừng ngập mặn để nuôi tôm hoặc xây dựng khu dân cư; tàn phá, hủy diệt các vùng rạn san hô, thảm cỏ biển để xây dựng bến tàu, cảng. Đặc biệt, là do việc xả thải cũng gây ô nhiễm, đã và đang hủy hoại nhiều hệ sinh thái biển.

Còn dưới góc nhìn của các chuyên gia trong ngành, dưới sức ép rất lớn từ phát triển kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch, khai thác hải sản trong và xung quanh các khu bảo tồn, việc quản lý các khu bảo tồn biển vẫn chưa hiệu quả, để xảy ra nhiều bất cập như: chồng chéo, thiếu thống nhất trong quản lý, chưa quyết liệt trong việc ngăn chặn hành vi khai thác vi phạm pháp luật trong và xung quanh khu vực bảo tồn.

* Đa dạng giải pháp

Nhằm nâng cao ý thức cộng đồng tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện thành công chiến lược kinh tế biển, tỉnh Khánh Hòa, đặc biệt chú trọng các chương trình thả giống ra các vùng nước tự nhiên đối với một số đối tượng thủy sản có nguy cơ cạn kiệt tại vịnh Nha Trang, Vân Phong, Cam Ranh, Đầm Nha Phu, Đầm Thủy Triều.

Vừa qua, tỉnh đã thả hơn 1 triệu con giống thủy sản các loại ra đầm Nha Phu. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ, người dân ở các tỉnh có khu bảo tồn biển nhằm giúp nâng cao năng lực, nhận thức và kinh nghiệm trong việc quản lý, bảo vệ các khu bảo tồn biển.

Tới đây, tỉnh Khánh Hòa cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu và tìm ra nhân giống các loại cá biển mới. Cùng đó, thực hiện các chương trình xây dựng khu bảo tồn biển Nam Yết, đảo Bình Ba, khu bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào, Nha Phu, Thủy Triều; khôi phục và bảo vệ môi trường sống các loài thủy sản tại vùng nước nội địa trên địa bàn tỉnh; chuyển giao, nhân rộng các mô hình đồng quản lý nghề cá ven bờ dựa cộng đồng.

Tham gia thực hiện nhiều chương trình bảo tồn các nguồn gen và giống thủy sản khu vực miền Trung nói chung và Khánh Hòa nói riêng, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III hiện bảo tồn, lưu giữ 21 nguồn gen và giống thủy sản.

Trong đó, có nhiều nguồn gen lần lượt được nghiên cứu thành công về mặt sinh sản nhân tạo, đưa vào khai thác và phát triển nguồn lợi thủy sản tại Khánh Hòa như: cá chẽm, cá măng biển, cá mú đỏ, cá mú cọp, cua hoàng đế, cá ngựa xám…“Việc nghiên cứu thành công đã góp phần phục tráng nguồn gen, tái tạo nguồn lợi thủy sản và phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản của các tỉnh ven biển bền vững; trong đó có Khánh Hòa”, Tiến sỹ Đào Văn Trí, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III cho biết.

Ngoài nghiên cứu bảo tồn, lưu giữ các nguồn gen, giống thủy sản quý hiếm, Khánh Hòa muốn phát triển bền vững ngành kinh tế biển, đặc biệt là kinh tế thủy sản và nguồn lợi từ ngành này về lâu dài, cần có một chiến lược, đề án rõ ràng. Phát triển kinh tế biển nhưng phải bảo tồn lưu giữ các đối tượng quý hiếm, đặc chủng, có giá trị kinh tế và nguy cơ tuyệt chủng.

Mặt khác, xây dựng mạng lưới giám sát, đánh giá biến động các nguồn gen quý hiếm, thăm dò khả năng sinh sản nhân tạo trong điều kiện lưu giữ của của các nguồn gen, đặc biệt là các nguồn gen đã được lưu giữ lâu năm…

Đặc biệt, thực hiện truyền thông, xây dựng ý thức cộng đồng về giá trị của các nguồn gen thủy sản, từ đó nâng cao trách nhiệm trong việc bảo tồn nguồn gen và hạn chế tình trạng đánh bắt hủy diệt.

Ưu tiên phát triển các lĩnh vực hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và bảo tồn biển, có như vậy sự đa dạng sinh học của các khu bảo tồn biển mới có thể tồn tại và phát triển đa dạng. Đặc biệt, nghiêm cấm các hoạt động gây ô nhiễm môi trường biển, san lấp, lấn chiếm trong khu bảo tồn biển; đánh bắt, khai thác tận diệt các loài thủy sản trên biển, cụ thể là rong mơ. Đây là loài đang bị khai thác quá mức dẫn đến suy giảm, trong khi loài rong này có vai trò quan trọng trong việc cân bằng hệ sinh thái./.

>>> Phát triển ngành thủy sản Khánh Hòa - Bài 1: Đa dạng nguồn giống

>>> Phát triển ngành thủy sản Khánh Hòa - Bài 2: Hướng tới khai thác xa bờ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục