Phó Chủ tịch ECB: Lạm phát cao tại Eurozone chưa thể sớm trở về mức mục tiêu

20:46' - 08/12/2021
BNEWS Ngày 8/12, Phó Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Luis de Guindos nhận định rằng lạm phát Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến để giảm trở lại mức mục tiêu.

Tuy vậy, theo ông de Guindos, cho đến nay vẫn không có bằng chứng cho thấy giá cả tăng cao đang trở thành vấn đề đối với tiền lương của người lao động.

Lạm phát cao đang thách thức ECB, vốn có ít kinh nghiệm đối phó với tốc độ giá tăng giá nhanh, đồng thời làm phức tạp thêm một quyết sách quan trọng mà ngân hàng này dự kiến sẽ công bố vào ngày 16/12 tới.

Mặc dù ECB vẫn duy trì quan điểm rằng tình trạng lạm phát cao hiện tại chỉ là tạm thời và tỷ lệ lạm phát sẽ tự quay trở lại dưới mục tiêu, nhưng ngày càng nhiều nhà hoạch định chính sách bày tỏ lo ngại rằng một kết quả kém lạc quan hơn có thể xảy ra. Vì vậy, ngân hàng nên thu hẹp các chương trình kích thích kinh tế.

Trong khi tái khẳng định hầu hết lập trường gần đây của ECB, ông de Guindos vẫn thừa nhận rằng rủi ro lạm phát là "vừa phải" ở chiều tăng và mức giảm sẽ chậm hơn mọi người từng dự đoán.

Phát biểu tại một hội nghị mới đây, ông de Guindos nói: "Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng lạm phát sẽ bắt đầu giảm vào đầu năm sau và trong nửa cuối năm sau lạm phát sẽ bắt đầu giảm tốc hơn nữa và sẽ trở về với mục tiêu của chúng tôi là 2%".

Ông nói thêm rằng có lẽ để hướng lạm phát tới mức mục tiêu 2% sẽ mất thêm một thời gian nữa so với dự kiến ban đầu, nhưng chắc chắn lạm phát sẽ giảm tốc vào năm 2022.

Lạm phát của Eurozone đã chạm mức 4,9% vào tháng trước, mức cao kỷ lục và hầu hết các nhà dự báo tư nhân đều không cho rằng lạm phát có thể trở lại dưới mức mục tiêu 2% của ECB trước cuối năm 2022.

Ông de Guindos cũng trấn an thị trường rằng với việc giảm bớt tác động của việc giá cả leo thang, không có bằng chứng nào cho thấy tiền lương của người lao động đang phản ứng với áp lực giá tạm thời.

Tuy nhiên, ông cho rằng tăng trưởng tiền lương năm 2022 dự kiến sẽ cao hơn so với năm 2021 và các nước cần cảnh giác với “đà tăng trưởng của tiền lương và quá trình thương lượng tiền lương".

Ông cũng cho hay, mặc dù tình trạng những tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu và các hạn chế liên quan đến đại dịch có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế Eurozone trong thời gian tới, song những yếu tố này không có khả năng tác động mạnh thêm.

Ông nói: “Tôi không nghĩ rằng điều này sẽ làm chệch hướng sự phục hồi của khu vực đồng euro, khi mà các yếu tố tăng trưởng đang thể hiện khá tích cực trong trung hạn"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục