Phó Thủ tướng: Đăng ký tiến độ cụ thể từng tuyến thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông

16:57' - 11/12/2021
BNEWS Sáng 11/12, từ điểm cầu Nghệ An, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì Hội nghị trực tuyến giao ban về tình hình triển khai Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

Trước cuộc giao ban trực tuyến này, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra công trường 2 dự án thành phần đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 và đoạn Nghi Sơn-Diễn Châu.
Khắc phục cơ bản việc thiếu hụt vật liệu đắp nền
Từ nay đến tháng 4 năm 2022 sẽ là thời điểm thời tiết thuận lợi để các gói thầu thuộc dự án cao tốc đường bộ Bắc - Nam phía Đông đẩy nhanh tiến độ thi công, đặc biệt với những hạng mục mặt đường.

Về tiến độ các dự án thành phần, tuyến Cao Bồ - Mai Sơn hoàn thành 95,6%; Cam Lộ - La Sơn 70,2%; cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành 43,7%; đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 hoàn thành 41,16%; đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết hoàn thành 17,83%; đoạn Phan Thiết - Dầu Giây đạt 24,23%; đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn đạt 7,09%; đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu đạt 7%;...
Hai khó khăn, vướng mắc lớn nhất về thiếu vật liệu đất đắp nền và tiến độ giải phóng mặt bằng đã cơ bản được giải quyết. Liên tiếp 2 Nghị quyết 60 và 133 đã được Chính phủ ban hành nhằm giải quyết vấn đề thiếu vật liệu cho dự án trọng điểm quốc gia. Nhiều thủ tục về cấp mỏ mới, nâng công suất mỏ cũ đã được rút gọn. Sau khi có các Nghị quyết của Chính phủ, các địa phương đã triển khai cấp phép mới và khai thác các mỏ đất, nâng thêm công suất khai thác.
Do đó, từ chỗ thiếu hụt vật liệu đắp nền cho thi công, tới nay đã cơ bản khắc phục được, khối lượng thiếu hụt còn khoảng 15,5 triệu m3 đang được các địa phương cấp phép và nâng cao công suất khai thác, chủ yếu tập trung tại 5 dự án thành phần: Nha Trang - Cam Lâm; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Diễn Châu - Bãi Vọt; Cam Lâm - Vĩnh Hảo; Phan Thiết - Dầu Giây.
Tuy nhiên, giá vật liệu xây dựng tăng, việc điều chỉnh đơn giá trong hợp đồng là những vấn đề các nhà thầu, đơn vị thi công còn nhiều ý kiến tại cuộc giao ban.
Theo Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc (Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn - đơn vị tham gia gói thầu), với công nghệ và năng lực của các nhà thầu hiện nay, hoàn toàn có thể rút ngắn tiến độ được từ 3 năm xuống 2 năm, nhưng vấn đề khó khăn là vật liệu. Bên cạnh đó, đơn giá đất, cát tăng, cao hơn 20 - 30% so với dự toán. Trong khi việc điều chỉnh giá trong hợp đồng còn vướng mắc, như đất không được tính điều chỉnh giá, nên nhà thầu xây dựng rất khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả, tiến độ.
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Ngọc, dù đã có 2 Nghị quyết nhưng chưa giải quyết được triệt để, nên phải có cơ chế đặc thù. Cao tốc sắp triển khai giai đoạn 2 nên cần quy hoạch các mỏ đất, cát cụ thể phục vụ cho thi công dự án.
Về vấn đề này, ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, chi phí đầu tư xây dựng, những vấn đề điều chỉnh giá vật liệu được thỏa thuận trong hợp đồng, các đơn vị ký kết cũng cần lường trước các biến động.

Tuy nhiên, ông Lê Quang Hùng đề nghị Bộ Giao thông vận tải khi đưa ra khung hợp đồng mẫu không nên "gò chặt quá", để thực tiễn triển khai có thể điều chỉnh phù hợp với biến động của thị trường. Bên cạnh đó, giá nhân công có biến động thời gian qua do dịch bệnh, nhất là khu vực phía Nam nên cũng đề nghị cần điều chỉnh cho các nhà thầu.
Bên cạnh bảo đảm tiến độ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh thi công vẫn phải đảm bảo chất lượng, làm thật tốt, thật đúng.
Còn theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, qua việc họp giao ban hàng tháng, tiến độ tốt hơn trong thời gian gần đây. Về giải phóng mặt bằng đã giải quyết cơ bản. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng việc di dời hạ tầng về công trình điện, viễn thông còn chậm.
Về vật liệu đắp nền đường, đây là vấn đề quan trọng nhưng cũng là khó khăn nhất đối với các dự án công trình trọng điểm. Dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 cần khối lượng vật liệu đắp nền rất lớn, dự kiến giai đoạn 2 cần khoảng 70-80 triệu m3. Tuy nhiên, trong quá trình lập hồ sơ, điều tra, khảo sát liên quan đến vật liệu đắp nền của các tư vấn còn yếu.

Cao tốc đi tuyến mới, trong khi các mỏ đất hiện hữu không gần công trường nên phải mở mỏ mới, nâng công suất mỏ đang khai thác. Chính phủ đã ban hành 2 Nghị quyết để tháo gỡ vướng mắc này, nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh trách nhiệm của các nhà thầu, ban quản lý dự án rất lớn, nhiều nơi khâu kết nối với địa phương để mở mỏ mới không chặt chẽ, trong khi lãnh đạo các tỉnh rất tạo điều kiện. Vấn đề này các nhà thầu, ban quản lý dự án phải rút kinh nghiệm.
Thời gian qua đã có được 50 triệu m3 đất đắp nền, tuy nhiên vẫn để thiếu 15 triệu m3, trong khi không có đất không đảm bảo được tiến độ, từ đó Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể kêu gọi các nhà thầu, ban quản lý dự án cần tích cực, nỗ lực hơn nữa. Bên cạnh đảm bảo tiến độ, các đơn vị thi công vừa phải đề cao chất lượng, làm đúng, làm đến đâu chặt đến đó.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận tiến độ các dự án đã được đẩy nhanh hơn nhiều so với 2 cuộc họp giao ban trước đây. Điều này cho thấy sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ Giao thông vận tải, các bộ ngành, sự nỗ lực của các địa phương, các nhà thầu, đơn vị thi công thì những vướng mắc thời gian qua đã được giải quyết, đảm bảo tiến độ dự án.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng đánh giá cao ngành Giao thông vận tải đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, năm 2021 đạt 82,21%, cao so với bình quân của cả nước từ 56-60%. Với tiến độ giải ngân như vậy, Thứ trưởng cho rằng hoàn toàn đáp ứng yêu cầu, kế hoạch của dự án.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng bày tỏ một số băn khoăn. "Chúng ta đã trải qua giai đoạn dài trong phát triển đường bộ, nhưng các nhóm vấn đề cần tháo gỡ như bao nhiêu năm nay, chúng ta phải ngồi giải quyết từng việc cụ thể. Do đó cần phải tổng kết, đánh giá để xây dựng những có chế chính sách đặc thù phù hợp".
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng kết vướng mắc trong đầu tư công, đầu tư PPP để báo cáo Chính phủ. Bộ cũng mong muốn các bộ ngành, đơn vị liên quan quan tâm tổng kết, đánh giá để điều chỉnh các chính sách cho phù hợp, tạo điều kiện hơn nữa, tránh trường hợp phải đi vào giải quyết các công việc cụ thể, sự vụ như thế này.

Phải đăng ký tiến độ cụ thể từng tuyến
Kết luận cuộc giao ban, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao vai trò, nỗ lực, quyết tâm của Bộ Giao thông vận tải là đơn vị trực tiếp chỉ đạo, các địa phương trực tiếp thực hiện giải phóng mặt bằng và các nhà thầu, ban quản lý dự án trong giai đoạn vừa qua đã nỗ lực, đạt được khối lượng, tiến độ thi công lớn.
"Kết quả rất đáng mừng, giải phòng mặt bằng đạt đến 99,93%, chỉ còn có 400m chưa giải phóng mặt bằng nhưng hiện đã có hồ sơ. Khối lượng xây lắp thi công đạt khá cao, giải ngân vốn đầu tư của ngành giao thông vận tải đạt 82,21% là rất tích cực. Đặc biệt khó khăn nhất về vật liệu xây dựng, mà Chính phủ đã phải ra liên tiếp 2 Nghị quyết tháo gỡ, từ thiếu 65 triệu m3, hiện chỉ còn thiếu 15 triệu m3. Đây là vai trò của các bộ ngành, địa phương, nhà thầu vào cuộc rất nỗ lực".
Với một số nơi còn thiếu vật liệu như Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận,...., Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương phối hợp với các nhà thầu, Ban quản lý dự án chủ động, tập trung giải pháp, để đảm bảo đủ vật liệu; đến 15/1/2022 phải hoàn thành. Về di dời hạ tầng một số công trình điện, viễn thông,... chậm nhất 15/1/2022 phải hoàn thành.
Đối với tiến độ từng hạng mục, các đơn vị thi công phối hợp chặt chẽ với ban quản lý dự án để xây dựng tiến độ cụ thể các công trình trong năm 2022 phải hoàn thành. Nếu có khó khăn, vướng mắc thì phải có phương án bù tiến độ.
"Cuộc giao ban sau phải đăng ký được tiến độ cụ thể các công trình khánh thành trong năm 2022, đăng ký tiến độ theo từng tuyến" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Còn trong năm 2021 thì khánh thành được tuyến Cao Bồ - Mai Sơn.
Phó Thủ tướng đề nghị các nhà thầu, ban quản lý dự án tổ chức làm 3 ca trên công trường để đẩy nhanh tiến độ, bởi tiếp giai đoạn 1 sẽ bước vào giai đoạn 2 của dự án cao tốc Bắc - Nam; sẽ có cơ chế khuyến khích các nhà thầu về trước tiến độ, "khi có tiến độ cụ thể rồi sẽ có thưởng có phạt cụ thể"; động viên kịp thời với những ban quản lý dự án, nhà thầu làm tốt, tiến độ tốt; nhưng nếu không thực hiện đạt yêu cầu thì với tinh thần "làm chậm thì đứng ra ngoài cho người khác làm".
Bên cạnh tiến độ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yếu tố rất quan trọng nữa là chất lượng thi công. Các nhà thầu, đơn vị thi công phải đảm bảo hồ sơ, đảm bảo về kỹ thuật, xây dựng, tuyệt đối không để xảy ra vi phạm về chất lượng công trình; "muốn làm nhanh, làm mạnh thì trước hết phải làm đúng".
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải phối hợp với đơn vị tư vấn và các địa phương để chuẩn bị giai đoạn 2 của cao tốc phía Đông sau khi Quốc hội thông qua. "Đặc biệt không để lặp lại các khó khăn, vướng mắc về vật liệu như ở giai đoạn 1".
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh tinh thần, quyết tâm cao để năm 2025 khánh thành toàn bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông./.

>>>Thẩm định điều chỉnh báo cáo Dự án đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sa Pa

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục