Phó Thủ tướng: TKV cần tập trung vào hai nhiệm vụ để đảm bảo an ninh năng lượng

14:52' - 11/01/2017
BNEWS Ngày 11/1, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) tập trung vào hai nhiệm vụ là khai thác và kinh doanh than để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) ngày 11/1, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu TKV cần tập trung vào hai nhiệm vụ là khai thác và kinh doanh than để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Đồng thời, TKV cần trở thành nhà xuất nhập khẩu có uy tín theo cơ chế thị trường để nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm và bảo vệ môi trường nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

TKV cũng phải là doanh nghiệp Nhà nước chủ lực trong việc đảm bảo cung cấp than cho nền kinh tế. TKV không chỉ là sản xuất mà còn phải xuất khẩu than để đảm bảo sức cạnh tranh của sản phẩm; đảm bảo nhiên liệu và vận hành cho các nhà máy sử dụng nhiên liệu than.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, hiện nay, nhu cầu năng lượng điện ngày càng gia tăng. Cơ cấu các nhà máy điện sử dụng than chiếm 34% trong số các nhà máy điện.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, cơ cấu nhà máy điện sử dụng than sẽ ngày càng tăng, bởi nhà máy thủy điện không tăng, năng lượng tái tạo giá thành cao nhưng phát triển còn chậm, trong khi đó nhiệt điện than hiện đang có vai trò rất lớn.

“Năm nay, cân đối than cho nhu cầu trong nước còn đủ nhưng đến năm 2020, chúng ta phải nhập 20 triệu tấn than; năm 2025 sẽ nhập 50 triệu tấn và đến năm 2030, theo kế hoạch sẽ phải nhập khoảng từ 80-100 triệu tấn than. Đây sẽ là thách thức lớn đối với nền kinh tế nói chung và ngành nhiên liệu nói riêng. 

Vì vậy, TKV cần phải chủ động trong khai thác, trong nhập khẩu than để đáp ứng yêu cầu sản xuất trong nước.”

Cùng đó, TKV cần phải nâng cao chất lượng công tác thăm dò tài nguyên, khoáng sản là than và các tài nguyên khoáng sản khác làm cơ sở khoa học cho việc quy hoạch, lập các dự án kế hoạch đầu tư khai thác.

Điều này khắc phục tình trạng khai thác tài nguyên tự phát, khai thác phong trào làm cạn kiệt tài nguyên và hủy hoại môi trường. 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu TKV phải nâng chất lượng các dự án đầu tư bởi vì, thời gian vừa qua, nhiều dự án đầu tư ở một số ngành, lĩnh vực chất lượng thấp dẫn đến thực hiện đầu tư và đưa vào vận hành khai thác kém hiệu quả, thậm chí dự án thua lỗ, phá sản.

Ngành than cũng cần có giải pháp bảo vệ môi trường; chú ý phục hồi môi trường sau khai thác; chống ô nhiễm môi trường trong khai thác và vận chuyển và sử dụng tài nguyên.

TKV cần tập trung tái cấu trúc tập đoàn, rà soát lại các lĩnh vực, các sản phẩm chủ lực để lựa chọn phù hợp với từng giai đoạn đầu tư. Đồng thời, sắp xếp lại tổ chức bộ máy hợp lý, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ nhằm tăng năng suất lao động và đảm bảo an toàn trong lao động.

Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Đặng Thanh Hải, mục tiêu sản xuất của TKV năm 2017 là 36 triệu tấn than, tăng 1,5 triệu tấn so với năm 2016; tiêu thụ 36 triệu tấn than (trong điều hành đang triển khai phấn đấu ở mức cao hơn); trong đó, trong nước tiêu thụ 34,5 triệu tấn, xuất khẩu 1,5 triệu tấn. Tổng doanh thu của toàn Tập đoàn là gần 107 nghìn tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2016.

Nhận định về những khó khăn và thuận lợi của TKV tỏng năm 2017, ông Hải cho hay, Chính phủ đã cho phép xuất khẩu than cả giai đoạn 2017-2020 giúp ngành than chủ động sản xuất kinh doanh và nâng cao hiệu quả. Nhu cầu than trong nước (đặc biệt là than cho sản xuất điện) tăng, giá than cho điện đã được điều chỉnh theo giá thị trường.

Tuy nhiên, do ngày càng khai thác xuống sâu, áp lực mỏ lớn, khí và nước nhiều; các chi phí về thăm dò, thoát nước, thông gió, an toàn vệ sinh lao động, môi trường tăng cao, cung độ vận chuyển tăng, hệ số đất tăng làm cho giá thành tăng cao.

Trong điều kiện kinh tế suy giảm, ngành than, khoáng sản trên thế giới gặp nhiều khó khăn, giá bán phục hồi nhưng chưa ổn định, các loại thuế, phí tăng cao (cao hơn khoảng 10% so với các nước trong khu vực). Tuy nộp ngân sách tăng nhưng làm cho lợi nhuận ngành than những năm gần đây giảm mạnh, trong khi nhu cầu vốn đầu tư cho khai thác than theo Quy hoạch là rất lớn, thu nhập cho thợ lò vì thế cũng chậm được cải thiện.

Để đạt được mục tiêu năm 2017, Tập đoàn sẽ điều hành sản xuất theo nhu cầu thị trường, đầu tư hợp lý phát triển bền vững các ngành nghề than, khoáng sản, điện lực và các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ phù hợp.

Tập đoàn tiếp tục hoàn thiện tái cơ cấu, trọng tâm là tái cơ cấu kỹ thuật-đổi mới công nghệ, hoàn thiện tổ chức, cơ chế quản lý, tinh giản lao động để tăng năng suất, giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm đảm bảo tăng trưởng hợp lý, hiệu quả, bền vững; đồng thời cải thiện tiền lương, điều kiện làm việc và phúc lợi cho người lao động đặc biệt là đội ngũ thợ lò./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục