Phù Cừ xác định sản xuất nông nghiệp là trụ cột kinh tế

20:50' - 13/08/2020
BNEWS Đây là ý kiến chỉ đạo của Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Duy Hưng tại Đại hội Đảng bộ huyện Phù Cừ, nhiệm kỳ 2020 - 2025, diễn ra từ ngày 11 đến ngày 13/8.
"Phù Cừ cần xác định trong những năm tới, sản xuất nông nghiệp vẫn là mặt trận hàng đầu và trụ cột kinh tế, nhằm thực hiện tốt Nghị quyết của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn". Đây là ý kiến chỉ đạo của Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Duy Hưng tại Đại hội Đảng bộ huyện Phù Cừ, nhiệm kỳ 2020 - 2025, diễn ra từ ngày 11 đến ngày 13/8.

Ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng, trong giai đoạn mới, Phù Cừ cần xây dựng quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo vùng chuyên canh quy mô lớn, một vùng một giống; đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ, an toàn thực phẩm, vì sức khỏe người dân và phát triển bền vững. Chú trọng các hình thức liên kết sản xuất, chế biến nhằm gia tăng giá trị; phổ biến và nhân rộng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap, mở rộng diện tích trồng các cây đang là thế mạnh của huyện như: vải trứng, cam, bưởi, dưa lưới chất lượng cao, để cung cấp cho thị trường sản phẩm nông nghiệp giá trị kinh tế cao và nhu cầu tiêu thụ lớn; thực hiện hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm chủ lực.

Mặt khác, chủ động xúc tiến, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, gắn với cơ giới hóa sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch và bảo vệ môi trường. Phát triển các HTX dịch vụ nông nghiệp, HTX nông nghiệp kiểu mới, tổ hợp tác; đẩy mạnh các hoạt động quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm tiêu biểu, có thế mạnh của huyện, đặc biệt cần chú trọng phát triển thương mại điện tử đáp ứng yêu cầu xã hội trong thời kỳ mới.

Ông Nguyễn Duy Hưng cũng lưu ý huyện Phù Cừ phải làm tốt công tác quy hoạch xây dựng vùng huyện với tầm nhìn dài hạn, phát huy các tiềm năng, lợi thế so sánh, tối ưu hóa được mọi nguồn lực để phát triển, gìn giữ những nét đặc sắc của vùng quê Phủ Cừ với những đặc trưng của nông thôn đồng bằng Bắc bộ, quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Tăng cường kết nối với các địa phương khác, nhất là kết nối giao thông với Hải Dương, Thái Bình và đường vành đai 5 kết nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Về những kết quả đạt được, ông Nguyễn Hồng Chuyên, Quyền Chủ tịch UBND huyện Phù Cừ chia sẻ, trong 5 năm qua, toàn huyện chuyển đổi được 1.650 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả đặc sản, trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản. Đến nay, tổng diện tích cây có múi là 300 ha; vải lai chín sớm, vải trứng khoảng 800 ha; diện tích nuôi trồng thủy sản 750 ha. Đã có 11 hợp tác xã và tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp được chứng nhận VietGap (vải lai chín sớm, vải trứng, cam vinh, cam đường canh, cam bố hạ, bưởi diễn), 2 hợp tác xã chăn nuôi được chứng nhận VietGap. Tất cả các xã trong huyện đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới từ năm 2019; Phù Cừ cũng vừa được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Về những bước đi chiến lược cho nhiệm kỳ tới, Bí thư Huyện ủy Phù Cừ Lê Trí Viễn cho biết, huyện sẽ tập trung 3 khâu đột phá. Trong đó, ưu tiên phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, gia tăng giá trị sản phẩm; phát triển nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường. Huyện cũng đề ra 16 nhóm chỉ tiêu cụ thể và trên 20 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng huyện Phù Cừ đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu đến năm 2025.

Theo đó, Phù Cừ phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 115 triệu đồng/năm, giá trị thu trên 1 ha canh tác đạt 250 triệu đồng/ha. Có ít nhất 2 vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ cao và được cấp mã vùng; có ít nhất 3 sản phẩm đạt 5 sao (vải lai chín sớm, vải trứng, dưa lưới). Mặt khác, sẽ hoàn thành 3 cụm công nghiệp, tiếp nhận dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, sử dụng công nghệ cao gắn với chế biến nông sản, thân thiện với môi trường. Xây dựng chợ đầu mối nông sản, khu trung tâm thương mại dịch vụ, nhằm mở rộng kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ nông sản, tạo đòn bẩy cho nông nghiệp phát triển bền vững./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục