Polexit: Ba Lan liệu có “theo gót” Anh?

05:30' - 26/12/2017
BNEWS Nhật báo SundayExpress (Anh) mới đây đã đăng bài viết của về khả năng Ba Lan rời Liên minh châu Âu (Polexit) do những bất đồng kéo dài liên quan đến cuộc khủng hoảng người di cư.
Ba Lan liệu có theo gót Anh với một kịch bản tương tự Brexit?Ảnh: AFP/ TTXVN

Bài viết của bà Renata Mienkowska, nhà nghiên cứu chính trị làm việc tại Trường Đại học Vácsava, nhấn mạnh tuần trước, Liên minh châu Âu (EU) đã có động thái nhằm trừng phạt Ba Lan về việc từ chối chấp nhận hạn ngạch phân bổ người tị nạn bằng cách tước quyền biểu quyết tại Hội đồng châu Âu. Nếu bất đồng về vấn đề này tiếp tục leo thang thì Ba Lan có thể sẽ từ bỏ EU.

EU dường như không thể tước đi quyền biểu quyết của Ba Lan dù nước này đã không nhận bất kỳ người tị nạn nào kể từ cuộc khủng hoảng di cư bắt đầu từ năm 2015. Điều này sẽ cần một cuộc bỏ phiếu thống nhất của tất cả các nước thành viên EU khác.

Tuy nhiên, EU có vẻ như không thể đạt được điều đó vì EU cũng đã xúc tiến việc trừng phạt Hungary và Cộng hòa Czech với những vi phạm tương tự và 3 quốc gia trên có thể sẽ ủng hộ lẫn nhau.

EU đã nỗ lực can thiệp nhiều lần nhưng quá ít và quá muộn. Việc tất cả các thành viên nhất trí tước bỏ quyền biểu quyết của Ba Lan tại Hội đồng châu Âu là điều không thể xảy ra bởi vì Hungary đứng về phía Ba Lan. Chỉ có biện pháp đồng thời trừng phạt cả hai nước là sẽ có hiệu quả ngay lập tức, nhưng nội bộ EU vẫn còn e ngại phương án này.

Nếu biện pháp đó không có hiệu quả, bước tiếp theo có thể sẽ là trừng phạt Ba Lan về vấn đề tài chính. Tuy nhiên, điều này có thể gây tác động ngược với những gì EU mong muốn và khiến Chính phủ Ba Lan rời khỏi EU. 

Nếu cần thiết, EU có thể can thiệp bằng cách hạn chế nguồn vốn của EU. Tuy nhiên, Chính phủ Ba Lan có thể không còn quan tâm đến việc ở lại EU sau năm 2020, sau cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới và khi bắt đầu thời kỳ ngân sách mới của EU. Ba Lan rời EU là điều hoàn toàn có thể.

Theo tờ SundayExpress, sự tranh cãi về hạn ngạch tị nạn là vụ việc mới nhất trong một loạt bất đồng giữa EU và đảng Công lý và Luật pháp cầm quyền tại Ba Lan.

Trong bài phát biểu đầu tiên từ khi tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng, ông Mateusz Morawiecki nói rằng ông phản đối một châu Âu "đa tốc độ" và Vácsava muốn có tiếng nói trong việc định hình tương lai của EU.

Theo ông Morawiecki, chính sách kinh tế của Vácsava - dựa trên sự chi tiêu lớn và tập trung nhiều hơn vào nguồn vốn trong nước thay vì đầu tư nước ngoài - không nên thay đổi. Ông Morawiecki tuyên bố: "Chúng tôi không muốn chia rẽ thêm nữa. Chúng tôi phản đối sự phân biệt giữa những nước phát triển hơn và những nước đang phát triển".

Trong khi đó, ngày càng có nhiều người trong thế hệ trẻ Ba Lan cho rằng EU không công bằng về kinh tế và Ba Lan nên rời khỏi Liên minh ngay. Những người này nói với SundayExpress rằng họ muốn chấm dứt sự thống trị từ Brussels với lập luận rằng EU là một tổ chức được thành lập lâu nhất cần xóa bỏ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục