PVFCCo triển khai 10 nhóm giải pháp cho mục tiêu sản xuất kinh doanh đến 2025

21:28' - 30/03/2023
BNEWS Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí – CTCP (PVFCCo, mã chứng khoán DPM) sẽ triển khai 10 nhóm giải pháp để hoàn thành các mục tiêu về sản xuất kinh doanh và tài chính giai đoạn 2021-2025.
Theo Nghị quyết Hội đồng quản trị của Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí – CTCP (PVFCCo, mã chứng khoán: DPM), PVFCCo đặt mục tiêu giữ vững thị phần phân đạm ure nội địa khoảng 35%, đồng thời mở rộng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sang mảng hóa chất cơ bản và hóa chất hóa dầu với mục tiêu trở thành nhà sản xuất hóa chất tiên phong tại Việt Nam.

PVFCCo cũng đặt mục tiêu tổng sản lượng sản xuất phân bón đạt từ 5,095 - 5,561 triệu tấn phân bón, trong đó đạm ure Phú Mỹ đạt từ 3,98 - 4,06 triệu tấn; NPK Phú Mỹ từ 1,02 - 1,04 triệu tấn. Ngoài ra, sản xuất hóa chất đạt từ 0,44 - 0,46 triệu tấn, bao gồm NH3 sản xuất bán thương mại, UFC-85/Formalin và DEF.

 
Về tiêu thụ, PVFCCo phấn đấu tiêu thụ 6,52-6,88 triệu tấn phân bón và 0,67 - 6,9 triệu tấn hóa chất, bao gồm UFC-85/Formalin, NH3, CO2 và DEF.

Về kinh doanh, PVFCCo đặt chỉ tiêu kinh doanh hợp nhất giai đoạn 2021-2025 với tổng doanh thu đạt từ 84.900-86.600 tỷ đồng, tương ứng trung bình mỗi năm doanh nghiệp đạt 16.980-17.320 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt từ 12.700-13.000 tỷ đồng, tương ứng trung bình mỗi năm đạt 2.540 – 2.600 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế từ 10.700-10.900 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước từ 2.500-2.600 tỷ đồng.

Riêng với chỉ tiêu Công ty mẹ, PVFCCo lên kế hoạch tổng doanh thu kế hoạch 5 năm 2021-2025 đạt 78.800 - 80.300 tỷ đồng (trung bình 15.760 – 16.060 tỷ đồng/năm) và lợi nhuận trước thuế đạt 12.000-12.300 tỷ đồng (trung bình 2.400 – 2.460 tỷ đồng/năm).

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, PVFCCo triển khai đồng bộ 10 nhóm giải pháp gồm: Giải pháp về tài chính và vốn đầu tư; giải pháp về quản trị; giải pháp về cơ cấu tổ chức; giải pháp về thị trường; giải pháp về sản xuất kinh doanh; giải pháp về nhân sự đào tạo; giải pháp về khoa học công nghệ; giải pháp về dữ liệu và hạ tầng công nghệ thông tin; giải pháp về chuyển đổi số; giải pháp về an toàn môi trường.

Theo đó, đối với nhóm giải pháp về tài chính và vốn đầu tư, PVFCCo sẽ đàm phán với các ngân hàng, định chế tài chính để huy động vốn vay với lãi suất ưu đãi và đầu tư vào các dự án có tính hiệu quả cao là giải pháp đòn bẩy giúp nâng cao kết quả tài chính. PVFCCo cũng gia tăng quy mô vốn điều lệ (vốn góp của chủ sở hữu) trong ngắn hạn và trung hạn hoặc phát hành cổ phiếu  mới ra công chúng để huy động vốn.

Bên cạnh đó, PVFCCo cân đối tỷ lệ chi trả cổ tức bằng cổ phiếu để ưu tiên nguồn lực cho việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư mở rộng năng lực sản xuất, tạo động lực tăng trưởng mới, bền vững và dài hạn cho cổ đông. Để ứng phó hiệu quả với biến động tỷ giá, PVFCCo sẽ nghiên cứu và áp dụng các dịch vụ phòng ngừa rủi ro và hợp đồng hoán đổi tỷ giá ngoại tệ của ngân hàng.

Ngoài ra, thực hiện cổ phần hoá một số cơ sở sản xuất phân bón và hoá chất khi đã đi vào vận hành ổn định mà PVFCCo vẫn nắm quyền chi phối, kiểm soát cũng như xây dựng chiến lược mua bán sáp nhập các doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh.

Đối với nhóm giải pháp về thị trường, PVFCCo tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống kênh phân phối bền vững (DMS), tăng cường tiếp cận với các mắt xích sâu hơn trong chuỗi giá trị, tiến hành thu thập thông tin khách hàng để nhận diện các thị hiếu thị trường, đánh giá hiệu quả sản phẩn và nâng cao chất lượng dịch vụ.  Trong quá trình này, PVFCCo tận dụng nền tảng số để hỗ trợ thu thập dữ liệu, phục vụ quy trình ra quyết định; ứng dụng hệ thống quản lý nhà phân phối, giải pháp logistic thông minh.

Đố với nhóm giải pháp sản xuất kinh doanh, PVFCCo sẽ phối hợp với Tổng Công ty Khí Việt Nam (PVGAS) cân đối cung cầu sử dụng khí để đảm bảo sản xuất ổn định của nhà máy với trữ lượng khí của các mỏ đã và đang dự kiến khai thác. Nhằm giảm sự phụ thuộc của Nhà máy đạm Phú Mỹ vào khí thiên nhiên, PVFCCo sẽ nghiên cứu các nguồn nguyên liệu thay thế như LNG, Naptha, Condensate…

Bên cạnh đó, PVFCCo duy trì các phương pháp quản lý tồn kho tiên tiến để kiểm soát tốt và tối ưu vật tư tồn kho, kiểm soát nhu cầu sử dụng. Riêng với phân đạm ure, tổng công ty lựa chọn và khai thác các sản phẩm nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu thị trường trong từng thời điểm, bù đắp sự thiếu hụt sản lượng sản xuất nếu có của nhà máy. Đối với NPK, PVFCCo đánh giá và lựa chọn các đối tác gia công sản xuất các công thức sản phẩm khác nhau theo tiêu chuẩn của PVFCCo nhằm đa dạng hoá dải sản phẩm và giảm thiểu rủi ro về thiếu hụt sản lượng sản xuất trong quá trình đầu tư mở rộng nhà máy.

Theo PVFCCo, trong hai năm 2021 và 2022, tổng công ty đã thu về tổng 10.404 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương ứng thực hiện được khoảng 80% kế hoạch kinh doanh 5 năm. Bước sang năm 2023, tổng công ty đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.670 tỷ đồng, giảm 59% so với thực hiện của năm 2022./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục