Quan hệ Malaysia - Singapore ra sao dưới thời Thủ tướng Mahathir Mohamad?

05:30' - 10/06/2018
BNEWS Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho biết chính phủ của ông đã lên kế hoạch phát triển các đá ngoài khơi, nơi có tranh chấp với Singapore.
Tân Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (giữa) phát biểu tại cuộc họp báo ở Kuala Lumpur ngày 11/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo hãng tin Reuters, tuyên bố của Thủ tướng Malaysia được đưa ra vài ngày sau khi ông hủy bỏ một dự án đường sắt lớn với quốc gia láng giềng phía Nam.
Năm 2008, Toà án Công lý Quốc tế (ICJ) đã ra phán quyết rằng các đá ngầm có tên Middle Rocks, gần cửa eo biển Singapore, thuộc về Malaysia. Cũng vào thời điểm này, toà tuyên bố đảo Pedra Branca ở gần đó là thuộc về Singapore.
Năm 2017, Malaysia đã tìm cách đòi tái xét phán quyết đó, với hy vọng giành lại chủ quyền đối với đảo Pedra Branca.
Về phần mình, Singapore phản đối nỗ lực thay đổi phán quyết của Malaysia.Bộ Ngoại giao Singapore ngày 30/5 cũng cho biết ICJ thông báo với nước này rằng Malaysia đã rút lại yêu cầu nói trên.
Hãng Reuters dẫn lời Thủ tướng Mahathir Mohamad phát biểu tại một cuộc họp báo rằng Malaysia đã có kế hoạch xây dựng các cấu trúc trên Middle Rocks. Ông Mahathir nói: “Ý định của chúng tôi là mở rộng Middle Rocks để có thể tạo thành một hòn đảo nhỏ cho mình”. Tuy nhiên, Thủ tướng Mahathir từ chối tiết lộ liệu kế hoạch này đã được quyết định hay chưa.
Chính phủ Singapore không lập tức bình luận về kế hoạch xây đảo của Malaysia. Mặc dù Singapore không tìm cách đưa ra bất kỳ yêu sách nào đối với Middle Rocks, nhưng nhiều khả năng nước này sẽ theo dõi chặt chẽ kế hoạch xây đảo của Malaysia ngay tại cửa ngõ của một trong những tuyến hàng hải sầm uất nhất thế giới.
Năm ngoái, hãng thông tấn quốc gia Malaysia Bernama tường thuật về việc nước này khai trương một căn cứ hàng hải có tên Abu Bakar trên Middle Rocks. Theo một đoạn video được Tiểu vương bang Johor của Malaysia đăng trên Facebook, căn cứ này bao gồm một cầu tàu nối hai đá chính, cách nhau 320m, một ngọn hải đăng và một sân bay trực thăng.
Thủ tướng Mahathir cũng vừa đưa ra một quyết định quan trọng ảnh hưởng đến mối quan hệ với Singapore. Đó là hủy một dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc liên kết thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia với Singapore.
Việc nhanh chóng đưa ra quyết định hủy bỏ dự án đường sắt cao tốc kết nối thủ đô Kuala Lumpur với Singapore của Chính phủ Malaysia đã khiến cho nhiều người ngạc nhiên. 

Một số nhà bình luận thậm chí còn đặt câu hỏi liệu quyết định này có phải bắt nguồn từ mối ác cảm lịch sử của ông Mahathir đối với đảo quốc Singapore hay không. 
Họ cũng tự hỏi liệu việc hủy bỏ dự án trên có phải là điềm báo trước một thời kỳ khó khăn cho quan hệ song phương giữa 2 nước hay không.
Tuy nhiên, tờ Themalaysianinsight ngày 31/5 nhận định Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad trong nhiệm kỳ lần 2 không có chủ trương làm xấu đi quan hệ giữa nước này với quốc gia láng giềng Singapore dù ông đã tung ra một vài “cú đánh” về phía quốc đảo này.
Tờ báo nhận định không giống như những năm tháng trước đây, Thủ tướng Mahathir Mohamad có quá ít thời gian để khởi động lại những vụ đối đầu mới chỉ vì sự ưa thích.

Ông cũng không quan tâm đến những cải cách lâu dài. Với việc cam kết dẫn dắt đất nước trong 2 năm, Thủ tướng Mahathir phải tập trung vào chương trình nghị sự kép trong nước, đó là giải quyết cuộc khủng hoảng nợ và làm hồi sinh lại các thể chế.
Xét cho cùng, nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên của ông Mahathir là rất đáng chú ý đối với mối quan hệ không suôn sẻ giữa Malaysia với Singapore. Song theo các nhà phân tích, quyết định hủy bỏ dự án đường sắt cao tốc trị giá 110 tỷ ringgit (27,6 tỷ USD) được thực hiện không phải để nhằm chọc tức Singapore.
Ông Serina Abdul Rahman làm việc tại Viện Iseas-Yusof Ishak của Singapore nhận định: “Đây không phải là chuyện thù hằn cá nhân. Ông ấy (Mahathir) quá già để làm việc này.

Ông ấy chỉ muốn đất nước đi đúng quỹ đạo trước khi trao lại cho Anwar (lãnh đạo đảng PKR trong Liên minh Hy vọng do ông Mahathir dẫn dắt).Trọng tâm của ông là 'Malaysia là trên hết', chứ không phải muốn tạo ra các vấn đề với Singapore”.
Có thể hiểu được tại sao các nhà quan sát Malaysia ở cả 2 phía đều đang theo dõi từng lời nói của Mahathir, người chỉ đạo đường lối đối ngoại của Malaysia khi lãnh đạo chính phủ giai đoạn 1981-2003, trong khi Bộ trưởng ngoại giao chủ yếu đóng vai trò hỗ trợ. 
Khi đó, ông Mahathir luôn chĩa mũi nhọn về phía Singapore, mô tả quốc đảo này là một quốc gia láng giềng đầy tính toán và lạnh nhạt.Giọng điệu dựa trên bản năng đó ảnh hưởng đến tất cả các cơ cấu của chính phủ và ở một mức độ nào đó, thậm chí người dân thường Malaysia cũng chấp nhận phương pháp tiếp cận có tính đối đầu với Singapore.
Trong cuộc phỏng vấn gần đây với tờ Thời báo Tài chính, ông Mahathir nói rằng ông có thể được truyền cảm hứng để đi theo người dân Malaysia, những người đã bỏ phiếu gạt bỏ Liên minh Mặt trận Quốc gia (BN) ra khỏi quyền lực lần đầu tiên trong lịch sử hơn 60 năm của nước này.
Giám đốc điều hành Viện Penang, ông Ooi Kee Beng, nói rằng ông Mahathir là nhà lãnh đạo không có thời gian cho những cải cách kéo dài hay khởi động lại những cuộc đối đầu mới chỉ vì ưa thích, không giống như những ngày tháng trước đây.
Singapore từng là một phần thuộc lãnh thổ Malaysia nhưng hồi năm 1965 đã tách ra khỏi Malaysia do có những tranh chấp gay gắt, tác động tới các giao dịch kinh tế và ngoại giao giữa hai nước trong nhiều năm dài. Quan hệ song phương lạnh nhạt nhất diễn ra trong thời gian ông Mahathir làm Thủ tướng Malaysia từ năm 1981 đến năm 2003./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục