Quan hệ Mỹ - Trung đang đi về đâu?

06:30' - 04/12/2018
BNEWS Báo “Liên hợp buổi sáng” của Singapore có chi nhánh ở Hong Kong mới đăng bài viết “Quan hệ Trung-Mỹ đi về đâu?”. Đây là vấn đề toàn cầu đang được quan tâm, nhất là sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải). Ảnh: EPA/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây ám chỉ rằng hai nước Trung-Mỹ có thể đạt được thỏa thuận trong vấn đề thương mại. Ngoài ra, còn có thêm thông tin là Đối thoại ngoại giao và an ninh Trung-Mỹ bị gián đoạn trước đó đã được tổ chức tại Washington vào ngày 9/11 vừa qua. 

Mặc dù hai bên vẫn tồn tại bất đồng về nhiều vấn đề như Biển Đông, Vùng lãnh thổ Đài Loan…, nhưng trong cuộc đối thoại thẳng thắn lần này, hai bên đã xác nhận rằng cần phải duy trì kết nối chặt chẽ, quản lý và kiểm soát tốt các xung đột ngoài ý muốn có thể xảy ra giữa các tàu chiến và máy bay tại các khu vực nhạy cảm. Ngoài ra, phía Mỹ nhấn mạnh họ sẽ không bao giờ kiềm chế Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh thể hiện rõ quan điểm sẽ không thay thế vị trí của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Điều thú vị là Cố vấn về thương mại của Nhà Trắng Peter Navarro đã cảnh báo “Nhật báo phố Wall” không được can thiệp vào đàm phán thương mại Trung-Mỹ. Điều này cho thấy bất đồng và mâu thuẫn trong nội bộ nước Mỹ về cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Mặc dù vậy, Tổng thống Trump nhấn mạnh rằng Trung Quốc đã từ bỏ kế hoạch “Sản xuất ở Trung Quốc năm 2025” (Made in China 2025), điều này dường như có vẻ ám chỉ rằng Trung Quốc đã đưa ra nhượng bộ Mỹ trong một số vấn đề lớn.

Sự tương tác “tốt” giữa Trung-Mỹ nhằm tạo ra một bầu không khí tốt đẹp cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp diễn ra tại Argentina, hay là sự bắt tay giảng hòa giữa hai nước trong vấn đề thương mại? Khả năng lớn là Trung Quốc có thể trở nên thận trọng hơn trong quan hệ với Mỹ, sẽ “xem Mỹ làm nhiều hơn nghe Mỹ nói”. Tuy nhiên, chắc chắn hai nước sẽ mở ra một cơ hội tốt để giải quyết vấn đề tranh chấp thương mại.

Trung Quốc sẵn sàng nhượng bộ để hòa giải với Mỹ, nhưng rõ ràng không phải là không có nguyên tắc, chẳng hạn như việc từ bỏ kế hoạch “Sản xuất ở Trung Quốc năm 2025”. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng hiểu được tình hình chính trị và nội bộ Mỹ. Đánh giá từ tình hình cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ vừa diễn ra gần đây, chủ nghĩa đơn phương của ông Trump vẫn nhận được sự ủng hộ vững chắc của những người Mỹ da trắng bản địa.

Kết quả cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ đã không như những gì chính quyền ông Tập Cận Bình mong muốn, bởi chủ nghĩa dân túy của ông Trump vẫn thịnh hành, trong khi chính sách “nước Mỹ trên hết” đã trở thành dòng chính ý thức hệ của “chủ nghĩa yêu nước” theo phong cách Donald Trump. 

Tại “Diễn đàn kinh tế Mới Bloomberg” tổ chức ở Singapore đầu tháng 11/2018, cựu Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson đã cảnh báo về nguy cơ tái diễn một “bức màn sắt kinh tế" nếu Mỹ và Trung Quốc không nỗ lực giải quyết căng thẳng thương mại, Mỹ đồng thời với việc cô lập Trung Quốc, cũng sẽ tự cô lập chính mình.

Nhân vật nổi tiếng nhất trong giới hiểu biết Trung Quốc trong những năm gần đây dường như còn bảo lưu lập trường lý trí nhất định, nhưng ông đã thay đổi chủ đề, cho rằng nguyên nhân của xung đột thương mại Trung-Mỹ là Trung Quốc chưa đủ mở cửa. Đương nhiên, ông Paulson cũng cho rằng trách nhiệm chính trong cuộc xung đột thương mại Trung-Mỹ thuộc về Trung Quốc.

Xuất hiện tại diễn đàn trên, Kissinger - “một người bạn cũ của nhân dân Trung Quốc”, vẫn giữ lập trường “lạc quan” đối với việc giải quyết xung đột thương mại giữa hai nước, nhưng các nhà quan sát không thể quên trước đó ông đã đưa ra một “ý tưởng tồi” cho chính quyền Trump, đó là “liên kết với Nga để chống Mỹ”, mặc dù sau đó ông đã phủ nhận rằng ông chưa từng làm vậy. 

Cuộc chiến thương mại chống Trung Quốc do ông Trump khơi mào, về hành động càng gay gắt hơn, biện pháp gây sức ép quyết liệt, cấp bách hơn. Tuy nhiên, so với sự kiềm tỏa và bao vây liên tục đối với Trung Quốc dưới thời kỳ Tổng thống Obama, cuộc công kích thương mại nhằm vào Trung Quốc với đường tên mũi đạn thực sự của ông Trump dường như đang khiến Trung Quốc rơi vào thời điểm khó khăn nhất. 

Hiện nay, cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ đang ở vào giai đoạn bế tắc, Trung Quốc cũng đang gánh chịu sức ép thương mại lớn từ Mỹ. “Chủ nghĩa Trump” (Trumpism) cũng đã trở thành kẻ thù chung của toàn cầu. Trong bối cảnh này, cơ hội để Trung-Mỹ đạt được đồng thuận thông qua đàm phán thương mại đã đến. Tuy nhiên, kiểu cơ hội như thế này không phải là một sự thỏa hiệp một chiều của Trung Quốc, mà là cả Trung Quốc và Mỹ cùng phải lùi một bước. 

Sự bế tắc của cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ đã khiến Trung Quốc và Mỹ có không gian để nhìn lại. Trung Quốc buộc phải thích ứng với sức ép cực độ từ Tổng thống Trump và cũng đành đưa ra nhượng bộ, nhưng sẽ không thỏa hiệp về lợi ích cốt lõi và chiến lược quốc gia. Chính quyền ông Trump dường như đã dồn hết sức mình trong cuộc tấn công nhằm vào nền kinh tế Trung Quốc nhưng chưa đạt được sự kỳ vọng của họ, vì vậy cũng buộc phải hòa giải với Trung Quốc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục