Quan hệ Nga – Mỹ và phương Tây: Gió có đảo chiều? (Phần 1)

05:30' - 28/07/2018
BNEWS Thượng đỉnh Nga-Mỹ tại Helsinki đã khép lại một tuần công du châu Âu của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đây là một tuần “sóng gió” cho các lãnh đạo châu Âu, nhưng lại là “thắng lợi” cho Nga.
Thủ tướng Anh Theresa May (phải) trong cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/7. Ảnh: AFP/TTXVN

Mặc dù khó biết được hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nga đã trao đổi với nhau điều gì trong cuộc gặp riêng kéo dài hơn 90 phút chỉ với sự tham gia của phiên dịch mà không có bất kỳ cố vấn nào, các báo Mỹ đã bình luận rằng cuộc họp báo chung sau đó giữa hai vị nguyên thủ đã gây tổn hại nặng nề tới hình ảnh và danh dự nước Mỹ.

Chỉ việc ông Donald Trump đồng ý ngồi xuống nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Helsinki (Phần Lan) ngày 16/7, đã được cho là “một chiến thắng đối với ông Putin”.

Trong cuộc họp báo chung, ông Trump đã không công nhận kết luận của chính quyền Mỹ, bao gồm cộng đồng tình báo và Quốc hội, rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 để giúp ông giành thắng lợi, ngược lại ông ủng hộ những tuyên bố của ông Putin.
Nhà cựu ngoại giao, Giáo sư Nicholas Burns, được hãng tin AFP trích dẫn nhận định “chuyến công du châu Âu của ông Donald Trump là chuyến đi lộn xộn và tàn phá nhất do một Tổng thống Mỹ thực hiện”. Hiện vẫn chưa rõ những hậu quả mới nhất về chính sách ngoại giao “thịnh nộ” của ông Donald Trump. 
Không ai biết được là liệu cách thức hoạt động ngoại giao của Tổng thống Mỹ có bóp méo hay phá hủy hoàn toàn mối quan hệ giữa đôi bờ Đại Tây Dương hay không. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là phương cách tiếp cận bất kỳ thách thức đối ngoại nào của ông Donald Trump đều dựa trên “vốn sống hiểu biết” hay quan điểm dân tộc chủ nghĩa của ông. 
Nhìn lại chặng đường một tuần đã qua, người ta không khỏi ngạc nhiên trước những tuyên bố “tiền hậu bất nhất” của Tổng thống Mỹ, khiến các đối tác đôi lần khó xử để rồi cũng không rõ ông thật sự muốn gì. Tại Brussels, ông đảo lộn lịch trình lễ tân, tự quyết định chương trình nghị sự khi chỉ trích gay gắt các đồng minh không tuân thủ nguyên tắc chi 2% GDP cho quốc phòng.
Ông “nặng lời” phê phán nước Đức của Thủ tướng Angela Merkel là quá “phụ thuộc” vào nguồn năng lượng khí đốt của Nga, biến nước Đức thành “tù nhân” của Nga. Để rồi sau đó, ông bất ngờ tuyên bố Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vững mạnh hơn bao giờ hết, đồng thời ca ngợi mối quan hệ “hữu hảo” giữa Washington và Berlin.
Tương tự, qua đến London, Tổng thống Mỹ đã khiến cho Thủ tướng Theresa May phải cảm thấy “khó chịu” vì những lời chỉ trích của ông trên báo The Sun, cho rằng Thủ tướng Anh đã không nghe theo lời khuyên hãy từ bỏ Liên minh châu Âu (EU) nếu Anh muốn ký một thỏa thuận tự do thương mại với Mỹ, theo như tiết lộ từ chính Thủ tướng Anh.
Tuy nhiên, điều nghịch lý là khi gặp các đồng minh, Tổng thống Mỹ tỏ rõ quyết tâm “đánh gục” họ, song tại Helsinki, ông lại mong muốn tìm kiếm một “tình bạn” với nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin, bất chấp những căng thẳng và các bất đồng giữa hai nước. 
Nguyên thủ Mỹ đã từng tuyên bố thượng đỉnh với Nga đầu tiên sẽ là chặng dừng chân dễ dàng nhất đối với ông trong chuyến công du châu Âu này. Chỉ có điều tại chặng dừng này, ông đã thất bại trong cách tiếp cận ngoại giao “độc nhất vô nhị” của mình. Trước một Vladimir Putin lạnh lùng, Tổng thống Mỹ đã không lên án các can thiệp của Moskva, dẫn đến thắng lợi của ông trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. 
Washington Post nhận định: “Vào một ngày bối cảnh đòi hỏi Tổng thống Mỹ phải thể hiện sức mạnh và sự quả quyết, Tổng thống Trump lại nhún nhường, biện hộ, lập lờ và yếu ớt. Chúng ta có thể tưởng tượng sự thỏa mãn của ông Putin như thế nào khi mọi việc diễn ra như thế”. Cuộc họp báo ngày 16/7 là hòn đá tảng của chuyến công du quốc tế mà ông Trump đã tranh thủ mọi cơ hội để phá hoại mối liên minh giữa Mỹ với châu Âu, trong khi tỏ ra dễ chịu với ông Putin.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục