Quản lý tiền điện tử: Cần hành lang pháp lý xuyên biên giới hiệu quả

05:30' - 10/03/2021
BNEWS Theo mạng tin ASEAN Today, sự phổ biến ngày càng tăng của tiền điện tử tại khu vực Đông Nam Á đang khiến các chính phủ phải vật lộn với câu hỏi về việc nên quản lý tiền điện tử như thế nào.

Các quốc gia trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang tỏ ra ngày một cởi mở với công nghệ chuỗi khối (blockchain) và số hóa tiền tệ, bất chấp thực tế rằng phần lớn người dân trong khu vực vẫn phụ thuộc vào tiền mặt. Tuy nhiên, trong bối cảnh tiền điện tử chưa được coi là hợp pháp tại hầu hết các quốc gia, câu hỏi về quản trị đang đặt ra thách thức mới cho các nhà quản lý tài chính.
Khu vực Đông Nam Á cởi mở với công nghệ blockchain
Trong thời đại kỹ thuật số, các ngân hàng trung ương và khu vực tư nhân trên toàn thế giới đang thử nghiệm công nghệ nhằm thúc đẩy các giao dịch kinh tế nhanh hơn, dễ dàng và an toàn hơn. Tại ASEAN, trong khi một số khu vực vẫn kiên định dựa vào tiền mặt, các trung tâm ở Singapore, Việt Nam và Thái Lan đã bắt đầu thúc đẩy việc sử dụng giao dịch kỹ thuật số thông qua blockchain.
Blockchain là một công nghệ tạo thuận lợi cho các giao dịch thông qua một sổ cái dữ liệu điện tử không thể thay đổi, được cho là có thể làm tăng sự tin tưởng giữa các bên, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, các ứng dụng của công nghệ này đã vượt ra ngoài lĩnh vực thanh toán. Tại Việt Nam, Tp. Hồ Chí Minh đang thúc đẩy việc sử dụng blockchain để tổ chức tốt hơn hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông và phát triển đô thị. Trong khi đó, Singapore đang nổi lên như một trong những địa điểm nghiên cứu lớn nhất thế giới về việc sử dụng rộng rãi công nghệ blockchain trong các ngành công nghiệp. 
Tại Thái Lan, các công ty như Omise và R3 đang hợp tác với các tổ chức tài chính và doanh nghiệp tư nhân để gia tăng dịch vụ dựa trên blockchain. Omise - công ty có trụ sở tại Bangkok - đã tung ra một tài sản kỹ thuật số mang tên “OMG Network” và được xếp hạng là một trong những loại tiền kỹ thuật số hay còn được là tiền điện tử được giao dịch công khai trên thế giới. Omise hiện có quan hệ đối tác với một số công ty tên tuổi ở Thái Lan, như tập đoàn viễn thông khổng lồ True Corporation.
Ngược lại, R3 không có tài sản kỹ thuật số có thể giao dịch, thay vào đó tập trung vào việc hợp lý hóa các hoạt động kinh tế thông qua nền tảng blockchain riêng mang tên “Corda”, thu hút sự quan tâm của các tổ chức tài chính truyền thống trong nước như Ngân hàng Thương mại Siam và Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT).
Có thể thấy, tiền điện tử đang ngày một phổ biến, song song với sự phát triển của thương mại điện tử tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, đến nay các nước ASEAN vẫn chưa có cách tiếp cận chủ động trong việc soạn thảo và ban hành các quy định và điều này đang tạo ra những rủi ro nhất định.
Nguy cơ lừa đảo trực tuyến
Với sự gia tăng của số hóa thương mại, gian lận tài chính trực tuyến đang có xu hướng gia tăng tại Đông Nam Á. Một báo cáo của ADVANCE.AI - công ty trí tuệ nhân tạo có trụ sở tại Singapore - cho thấy cứ 3 người ở Đông Nam Á thì có 1 người từng bị lừa đảo trực tuyến. Báo cáo cho rằng sự bùng nổ của thương mại điện tử hiện nay đã làm gia tăng các vụ gian lận trực tuyến. Đây sẽ là rủi ro kinh doanh lớn đối với các tổ chức trên khắp khu vực Đông Nam Á trong những năm tới.
Đông Nam Á là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới và được dự báo trở thành nền kinh tế khu vực lớn thứ tư thế giới vào năm 2030. Các nhà phân tích kỳ vọng rằng tốc độ tăng trưởng này sẽ thúc đẩy thị trường thương mại điện tử, nâng giá trị của nền kinh tế kỹ thuật số từ 31 tỷ USD vào năm 2015 lên 197 tỷ USD vào năm 2025. Năm 2021, doanh thu từ thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á được dự báo sẽ đạt 67,6 tỷ USD, tăng 10,3% so với năm 2020.
Trong khi đó, các công ty blockchain cũng đang tìm cách tận dụng lợi thế của nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển của Đông Nam Á, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực thương mại điện tử chưa tương xứng với tăng trưởng số lượng người dùng dịch vụ ngân hàng. Tính tới nay, các công ty này đang cung cấp tiền điện tử như một phương thức thanh toán thay thế cho khoảng 388 triệu người không có tài khoản ngân hàng tại Đông Nam Á.
Tuy nhiên, theo một báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), hầu hết người Đông Nam Á quan tâm đến tiền điện tử lại không nhận thức đầy đủ về những rủi ro kèm theo. Theo đó, sự gia tăng sử dụng tiền điện tử cũng khiến nguy cơ gian lận trực tuyến lớn hơn. 
Báo cáo của ADVANCE.AI cho thấy 71% gian lận trực tuyến xuất phát từ các hành vi trộm cắp danh tính. Trong các giao dịch tiền điện tử, người dùng có thể giấu danh tính của mình, khiến các giao dịch này càng dễ bị lừa đảo hơn. Trong bối cảnh nền kinh tế kỹ thuật số của Đông Nam Á đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ, tiền điện tử có thể làm tăng thêm nguy cơ lừa đảo.
Nguy cơ tài trợ khủng bố bằng tiền điện tử
Theo một báo cáo do Viện Nghiên cứu Hòa bình, Bạo lực và Khủng bố Philippines (PIPVTR) công bố vào tháng 5/2020, hoạt động tài trợ cho khủng bố đã gia tăng tại Đông Nam Á, trong đó một số vụ được tiến hành thông qua tiền điện tử. Tại Philippines, các nhóm khủng bố có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã và đang sử dụng tiền điện tử để tài trợ cho các hoạt động khủng bố.
Báo cáo của PIPVTR cho thấy tài trợ khủng bố thông qua tiền điện tử bao gồm hai giai đoạn: Đầu tiên các nhà tài chính mua Bitcoin hoặc các loại tiền điện tử khác; tiếp đó các nhóm khủng bố chuyển đổi chúng trở lại thành tiền tệ thông thường. Các sàn giao dịch này rất khó theo dõi và danh tính của những người liên quan được giấu kín.
Trên thực tế, tiền điện tử đã được sử dụng để tài trợ khủng bố ở Đông Nam Á ít nhất là từ năm 2016, khi Bahrun Maim - một kẻ khủng bố người Indonesia chiến đấu bên cạnh IS tại Syria - sử dụng Bitcoin để tài trợ cho các hoạt động khủng bố ở quê nhà. Trung tâm Báo cáo và Phân tích Giao dịch Tài chính Indonesia (PPATK) - đơn vị chuyên trách tình báo tài chính tại quốc gia này - cho biết Bahrun đã chuyển tiền về Indonesia thông qua Bitcoin và Paypal. 
Các khoản tiền này đã được sử dụng để tài trợ cho vụ tấn công liều chết nhằm vào trụ sở Cảnh sát thành phố Solo, tỉnh Trung Java, vào tháng 7/2016. PPATK cũng phát hiện ra rằng các giao dịch tài chính gian lận liên quan đến các hoạt động khủng bố đã tăng gấp đôi từ mức 12 lên 25 vụ vào năm 2016.

Tình trạng pháp lý của tiền điện tử
Các quốc gia Đông Nam Á có quan điểm khác nhau về việc quản lý tiền điện tử. Brunei, Lào và Myanmar đã ra lệnh cấm sử dụng tiền điện tử. Theo đó, ngân hàng trung ương của ba quốc gia này coi các giao dịch tiền điện tử là bất hợp pháp. Về phần mình, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan đã bắt đầu điều chỉnh các giao dịch và trao đổi tiền điện tử.
Tháng 2/2019, Cơ quan quản lý giao dịch hàng hóa tương lai của Indonesia (Bappebti) đã ra quy định điều chỉnh hoạt động giao dịch tài sản tiền điện tử trên các sàn giao dịch tương lai. Quy định này áp đặt yêu cầu đối với tất cả các sàn giao dịch tương lai và các công ty thanh toán giao dịch bằng tài sản tiền điện tử, ví dụ yêu cầu về vốn, hệ thống bảo mật và quy trình đánh giá rủi ro.
Trong khi đó, tại Malaysia, Ủy ban Chứng khoán Malaysia (SC) đã quản lý các nền tảng tiền tệ kỹ thuật số hoạt động trong nước, bằng cách áp đặt quy tắc đối với các dịch vụ trao đổi ban đầu (IEO) và các cơ quan giám sát tài sản kỹ thuật số (DAC). Theo đó, tất cả các nền tảng IEO hoạt động tại Malaysia đều phải đăng ký với SC.
Tại Philippines, Ngân hàng Trung ương Bangko Sentral ng Pilipinas (BSP) đã ban hành Hướng dẫn trao đổi tiền kỹ thuật số vào năm 2017, theo đó buộc tất cả các sàn giao dịch tiền ảo phải tuân thủ yêu cầu báo cáo và bảo mật như với các công ty đổi tiền hoặc đại lý ngoại hối. 
Các sàn giao dịch tiền số cũng được yêu cầu hợp tác với Hội đồng Chống rửa tiền. Tháng 1/2021, BSP đã bổ sung các quy định về tiền điện tử theo các khuyến nghị của Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính quốc tế (FATF).
Tại Singapore, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) đã bắt đầu điều chỉnh các giao dịch tiền điện tử nhằm ngăn chặn rửa tiền và tài trợ khủng bố, song tuyên bố sẽ không can thiệp vào quá trình đổi mới. 
Phó Thủ tướng Singapore Tharman Shanmugaratnam từng khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích các thử nghiệm trong không gian blockchain có liên quan đến việc sử dụng tiền điện tử. Một số đổi mới này có thể trở nên hữu ích về mặt xã hội hoặc kinh tế. Song ngược lại, chúng tôi sẽ cảnh giác với những rủi ro mới”.
Đối với Thái Lan, từ năm 2018, Chính phủ nước này đã đặt các tài sản kỹ thuật số bao gồm tiền điện tử và mã Token dưới sự quản lý của Ủy ban Giao dịch Chứng khoán (SEC).
Tại Việt Nam, Chính phủ vẫn đang xem xét ban hành một khuôn khổ pháp lý cho các giao dịch tiền điện tử, theo đó cho phép các cơ quan chức năng quản lý các giao dịch điện tử và bảo vệ người dân một cách hợp pháp. Hiện Việt Nam chưa coi tiền điện tử là phương thức thanh toán, “hàng hóa và dịch vụ” hay “sở hữu và tài sản” hợp pháp.
Ở Campuchia, thay vì tập trung vào quy định, nước này đã cho ra mắt đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình mang tên Bakong vào tháng 11/2020. Mặc dù không phải là tiền điện tử, Bakong hỗ trợ các giao dịch bằng đồng riel và đồng USD. 
Có thể thấy, ngành công nghiệp blockchain toàn cầu đang hưởng lợi từ sự tăng trưởng nhanh, một phần do sự phổ biến của đồng Bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số khác. Tuy nhiên, sự tồn tại của một loạt bất ổn về quy định vẫn đang tiếp tục ám ảnh lĩnh vực này, trong đó có quyền tài phán pháp lý không đồng đều đối với các loại tài sản và dịch vụ blockchain xuyên biên giới.
Mặc dù vậy, theo Trưởng phòng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của R3 ông Amit Ghosh, nhìn chung Đông Nam Á có vẻ nồng nhiệt với công nghệ blockchain và những lợi ích tiềm năng của nền tảng này. 
Ông Ghosh cho hay: “Trong bối cảnh khu vực này đang trở thành trung tâm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, chúng ta đã chứng kiến nhu cầu đổi mới công nghệ ngày càng trở nên háo hức hơn. Từ góc nhìn của mình, chúng tôi thấy rằng các chính phủ và doanh nghiệp ở Đông Nam Á đã tiếp nhận blockchain và nhận thức được những lợi ích mà công nghệ này có thể mang lại”.
Trong khi đó, một số người ủng hộ blockchain cho rằng tiềm năng của công nghệ này không chỉ đơn giản là cung cấp các dịch vụ ngân hàng truyền thống, hoặc giúp đưa các nền kinh tế đang phát triển thoát khỏi tình trạng lạm dụng tiền mặt. 
Theo đó, blockchain có thể mang lại lợi ích cho tầng lớp trung lưu và người nghèo trong khu vực với khả năng ghi lại dữ liệu bất biến và cho phép chuyển tiền không tiếp xúc mà không cần đến bên thứ ba.
Các ứng dụng tiềm năng của công nghệ blockchain nhằm cải thiện cuộc sống của người dân có rất nhiều, từ mở rộng bảo hiểm và dịch vụ chuyển tiền chi phí thấp đến mạng ngang hàng có thể giúp tiết kiệm và vay tiền dễ dàng hơn. Tuy nhiên về lâu dài, di sản lớn nhất của blockchain có thể làm gia tăng hiệu quả kinh tế và xã hội, tạo sinh kế hàng ngày cho người dân Đông Nam Á.
Ông Ghosh kết luận: “Không còn nghi ngờ gì nữa, việc tích hợp công nghệ blockchain vào các quy trình như chuyển tiền sẽ giúp gia tăng hiệu quả, giảm thiểu rủi ro và giảm chi phí tổng thể trong hệ sinh thái tài chính. Tất cả đều sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng”.
Có thể thấy, quy định về tiền điện tử vẫn là một thách thức đối với các chính phủ trên toàn thế giới và lập trường về cách thức kiểm soát cũng rất khác nhau. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế kỹ thuật số và lĩnh vực thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, các chính phủ cần nhanh chóng giải quyết các lỗ hổng pháp lý về tiền điện tử để ngăn chặn gian lận tài chính và các hoạt động tài trợ khủng bố./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục