Quốc hội phê chuẩn bội chi ngân sách năm 2016 ở mức 4,95% GDP

11:42' - 11/11/2015
BNEWS Với đa số đại biểu tán thành, sáng 11/11, Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, trong đó quy định bội chi ngân sách là 254.000 tỷ đồng, bằng 4,95% GDP.

Theo Nghị quyết, thu ngân sách là 1.014.500 tỷ đồng, tính cả 4.700 tỷ đồng thu chuyển nguồn ngân sách địa phương chuyển sang, tổng thu là 1.019.200 tỷ đồng.

Tổng số chi cân ngân sách năm 2016 là 1.273.200 tỷ đồng. Như vậy, bội chi ngân sách sẽ ở mức 254.000 tỷ đồng, tương đương 4,95% GDP. Như vậy tăng 28.000 tỷ đồng so với năm 2015.

Bên cạnh đó, Nghị quyết giao Chính phủ trong năm 2016 thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ; phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2015.

Tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách, thực hiện dự toán ngân sách nhà nước đúng quy định của pháp luật. Đẩy mạnh giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí.

Chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các luật thuế và các nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, chống thất thu, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, chuyển giá, trốn thuế, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, gian lận, trốn thuế.

Hạn chế tối đa việc ban hành các chính sách mới làm giảm thu ngân sách nhà nước. Điều hành chi ngân sách nhà nước theo dự toán được giao.

Tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên của từng bộ, ngành, địa phương; giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, hạn chế mua sắm ô tô và trang thiết bị đắt tiền; từng bước thực hiện khoán xe công đối với một số chức danh.

Tổ chức bầu cử Quốc hội và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp theo tinh thần triệt để tiết kiệm; đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý chi ngân sách nhà nước.

Chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách nhà nước khi thật sự cần thiết và có nguồn đảm bảo. Quản lý chặt chẽ việc ứng trước dự toán ngân sách nhà nước và chi chuyển nguồn sang năm sau. Thực hiện nghiêm Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí./.

TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục