Quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện làm việc

19:42' - 25/06/2022
BNEWS Thực tế cho thấy còn nhiều nghề, công việc chưa được đưa vào danh mục nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hộị đã nghiên cứu, xây dựng ban hành Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH Ban hành Danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm gồm 1.823 nghề, công việc  nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm,  trong đó có 66 nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm  loại VI, 498 nghề công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm loại V và 1259 nghề công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm  loại IV.     

Việc ban hành danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đã góp phần triển khai chế độ chăm sóc sức khỏe, bồi dưỡng hiện vật, tiền lương và nghỉ hưu sớm hưởng chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động được thực hiện tốt hơn và đi vào thực tiễn cuộc sống.  

Việc ban hành tiêu chuẩn, phương pháp phân loại lao động theo điều kiện lao động đối với nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (NNĐHNH) đã giúp đảm bảo việc xây dựng danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại đảm bảo tính khoa học, phù hợp với thực tiễn..

Tuy nhiên, còn nhiều nghề, công việc chưa được đưa vào danh mục nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nên người lao động không được hưởng các chế độ như: tiền lương, phép năm, bồi dưỡng bằng hiện vật …

Việc xác định tên nghề người lao động làm việc có thuộc trong danh mục nghề cũng rất khó khăn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, làng nghề, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi xây dựng thang bảng lương chưa xem xét đối chiếu hoặc quan tâm tới danh mục nghề để áp dụng các chế độ chính sách cho người lao động.

Việc đặt tên nghề, công việc không có quy định cụ thể  mà theo quan điểm, thói quen của người sử dụng lao động hoặc do lịch sử để lại, dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Một số nghề, công việc có tính chất tương tự nhưng khác với tên gọi trong văn bản hoặc nằm tại các lĩnh vực hoặc nhóm ngành nghề khác thì chưa rõ quy định có được áp dụng không. Việc phân loại nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm chủ yếu chỉ được thực hiện ở các doanh nghiệp lớn, sử dụng nhiều lao động.

Chưa quy định thủ tục, hồ sơ để tiến tới thực hiện thủ tục hành chính đối với việc điều chỉnh chức danh, công việc ghi trong sổ bảo hiểm xã hội của người lao động, nhất là đối tượng làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm dẫn đến các vướng mắc trong thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội như giảm tuổi nghỉ hưu cho người lao động. 

Điều 25 Luật ATVSLĐ quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm đảm bảo thời gian tiếp xúc với các yếu tố nguy hiểm, có hại nằm trong giới hạn an toàn được quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng và liên quan, tuy nhiên đến nay chưa có quy định đầy đủ về nội dung trên. 

Sự khác nhau trong tên gọi nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc trong danh mục trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân gây ra những xung đột nhất định trong triển khai thực hiện tại cơ sở.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhận được một số kiến nghị đề nghị nghiên cứu, ban hành tiêu chuẩn, phương pháp phân loại lao động theo điều kiện lao động đối với nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Hàng năm tổ chức rà soát bổ sung vào danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Hướng dẫn bổ sung nguyên tắc áp dụng danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Quy định bổ sung thủ tục hành chính đối với việc điều chỉnh chức danh, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ghi chưa đúng,  ghi sai trong sổ bảo hiểm xã hội của người lao động. 

Về kiến nghị nêu trên, đến nay Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 29/2021/TT-BLĐTBXH quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động, trong đó có nguyên tắc áp dụng danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Đồng thời có văn bản số 1398/LĐTBXH-ATLĐ ngày 22/04/2020 gửi Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề nghị xem xét, sửa đổi, bổ sung quy trình thực hiện điều chỉnh thông tin tham gia BHXH đối với người lao động làm nghề, công việc NNĐHNH theo quy định tại Điều 98 Luật BHXH.

Về đề xuất nghiên cứu, bổ sung mục ghi chú phân loại điều kiện lao động đối người lao động làm nghề, công việc năng nhọc, độc hại trong sổ/thẻ dữ liệu bảo hiểm để tạo thuận lợi trong việc thực hiện chế độ nghỉ hưu đối với người làm  nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ chuyển kiến nghị này đến BHXHVN để nghiên cứu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục