Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam cần đổi mới những gì?

10:56' - 07/12/2022
BNEWS Thời gian tới, quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam cần đổi mới về hướng tiếp cận, phương pháp triển khai quy hoạch trong thực tiễn nhằm đảm bảo tính khả thi.

Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cùng với Nghị quyết số 148/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong phát triển đô thị tại Việt Nam.

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính nhận xét, các đường lối, chính sách mới sẽ giúp tháo gỡ những bất cập, hạn chế trong quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị. Từ đó, tạo động lực phát triển hệ thống đô thị và góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển bền vững đô thị Việt Nam.

Trong xu thế phát triển hiện nay, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị.

 
Cùng với việc nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị, cần tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị quốc gia bền vững và đồng bộ về mạng lưới; đồng thời đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu... Đây chính là những nhiệm vụ trọng tâm Nghị quyết 06 đã đề ra - ông Chính nhấn mạnh.

Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Trần Ngọc Chính cho rằng, quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam trong thời gian tới cần gắn với những đổi mới về hướng tiếp cận quy hoạch, phương pháp triển khai quy hoạch trong thực tiễn nhằm đảm bảo tính khả thi của quy hoạch, chương trình, dự án phát triển đô thị.

Theo ông Chính, nên ưu tiên hoàn thiện Quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia làm xương sống cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Phương pháp quy hoạch và định hướng phát triển cần hướng tới quy hoạch tích hợp, chiến lược phù hợp bối cảnh địa phương và có sự tham gia xuyên suốt, hiệu quả của các bên trong việc nhận diện, giải quyết những vấn đề đô thị.

Trong số đó, đặc biệt chú ý đến vấn đề xuyên suốt như biến đổi khí hậu, giảm nghèo, nhà ở phù hợp khả năng chi trả, phát triển bao trùm và hoà nhập không gian xã hội... Đây nên được coi là nguyên tắc nền tảng dẫn hướng cho việc soạn thảo, sửa đổi các Luật có liên quan trong giai đoạn sắp tới - chuyên gia này phân tích.

Cụ thể, ngoài việc triển khai xây dựng các Luật quy hoạch đô thị nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị, các luật có liên quan đến phát triển nhà ở và hạ tầng, ông Trần Ngọc Chính đề xuất, Chính phủ quan tâm đến quá trình nghiên cứu sửa đổi pháp luật về đất đai, đầu tư, tài chính, tổ chức chính quyền địa phương; lưu ý tới các quy định tăng khả năng tự chủ về quản trị và tài chính cho chính quyền đô thị địa phương.

Đồng thời, ban hành và cải cách hệ thống thuế có liên quan tới thị trường bất động sản, hỗ trợ huy động vốn qua trái phiếu địa phương hoặc hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan tới đối tác công tư (PPP) để có được thể chế hỗ trợ việc huy động nguồn lực; trong đó, có nguồn lực đất đai vào quy hoạch, đầu tư, phát triển đô thị.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách để địa phương thể chủ động tháo gỡ rào cản, thúc đẩy chỉnh trang, tái thiết đô thị cũng như chủ động thúc đẩy việc triển khai các dự án khu đô thị mới hay có cơ chế phân cấp phù hợp trong xây dựng điều chỉnh quy hoạch chung của địa phương.

Thậm chí, nên tính đến phương án cho phép áp dụng thí điểm về công cụ nắm bắt giá trị tăng thêm của đất nhằm vừa tăng khả năng tự chủ tài chính của đô thị, vừa đảm bảo huy động sự tham gia của các bên và cộng đồng dân cư, vừa góp phần xây dựng đồng thuận trong việc hình thành phương án quy hoạch, phát triển đô thị, đặc biệt với khả năng áp dụng công cụ thu gom và điều chỉnh đất đai.

Để hỗ trợ triển khai xây dựng đô thị xanh, thông minh, sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu, theo ông Chính, cần có cơ chế chính sách hướng dẫn và tạo dựng thương hiệu đô thị Việt Nam. Đồng thời, các ngành phải đồng bộ cập nhật lại một số quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức đã lạc hậu hoặc chưa theo kịp xu hướng, nhu cầu phát triển mới; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy định để có thể đón đầu hướng dẫn cho các xu hướng phát triển mới như đô thị thông minh, đô thị sáng tạo.

Ngoài ra, cần tăng cường ứng dụng công cụ dữ liệu liên thông GIS nhằm chuyển đổi số trong quy hoạch. GIS giúp nâng cao chất lượng quy hoạch thông qua khả năng phân tích số liệu thống kê, kịch bản phát triển, lựa chọn vị trí xây dựng, kịch bản phát triển gắn với xu hướng tăng trưởng xanh, thông minh...

Các bộ ngành liên quan cũng cập nhập cuộc để phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong đô thị gắn với đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia; ưu tiên phát triển giao thông, chuyển đổi đất đai phải gắn với quy hoạch và phát triển đô thị; đảm bảo đến 2025 có 100% các đô thị loại III trở lên đạt đủ tiêu chí, tiêu chuẩn về phân loại đô thị.

Song hành với chương trình nông thôn mới nâng cao, ông Trần Ngọc Chính cũng đề xuất Chính phủ cho phép xây dựng triển khai chương trình tổng thể nâng cấp, cải tạo chỉnh trang, tái thiết đô thị đến đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc đô thị để tạo vùng đệm và nâng cao chất lượng, diện mạo hệ thống đô thị Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục