Thủ tướng: Phát triển đô thị là nhiệm vụ chung của tất cả các cấp, các ngành

12:48' - 30/11/2022
BNEWS Để hiện thực hóa những mục tiêu phát triển bền vững đô thị, Việt Nam cần có cách tiếp cận tổng thể; triển khai với những biện pháp, giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu lực, hiệu quả.

Sáng 30/11, Chính phủ tổ chức Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022 nhằm phổ biến, triển khai Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa điểm cầu trụ sở Chính phủ và điểm cầu trụ sở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đồng chủ trì Hội nghị.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ còn có Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; lãnh đạo các Ban, ngành Trung ương; đại diện các tổ chức quốc tế, các Hội, Hiệp hội, các trường Đại học, Viện nghiên cứu, doanh nghiệp. Dự Hội nghị tại điểm cầu trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố; lãnh đạo các Sở, ngành liên quan; các chính quyền đô thị trực thuộc địa phương.

Trước đó, ngày 24/1/2022, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 06-NQ/TW về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngày 11/11/2022 Chính phủ ra Nghị quyết số 148/NQ-CP để thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Nghị quyết số 148/NQ-CP đề ra 5 nhóm nhiệm vụ gồm 33 nhiệm vụ và 15 chỉ tiêu cụ thể trong quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị. Nội dung Nghị quyết 148 thể hiện vai trò kiến tạo, điều phối của Chính phủ theo nguyên tắc phân công, phân nhiệm rõ ràng, tập trung, dân chủ.

Tại Hội nghị, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Tổng Giám đốc Chương trình Định cư con người Liên hợp quốc (UN-Habitat) phát biểu ghi hình chào mừng Hội nghị. Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trình bày các tham luận, các nhiệm vụ, giải pháp của ngành, địa phương thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW và Nghị quyết số 148/NQ-CP.

Theo đó, Bộ Nội vụ tham luận về nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính quyền đô thị. Bộ Giao thông Vận tải có giải pháp phát triển hạ tầng giao thông đô thị đồng bộ, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày về nhiệm vụ, giải pháp xây dựng nông thôn mới gắn kết đồng bộ, chặt chẽ, phù hợp với định hướng đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tham luận về biến đổi khí hậu, các vấn đề đặt ra đối với công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị của các địa phương. Thành phố Hà Nội tham luận tập trung về công tác quy hoạch và định hướng quy hoạch theo hướng đổi mới, sáng tạo. Thành phố Hồ Chí Minh trình bày về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển Thành phố vươn tầm khu vực và thế giới...

Đặc biệt, đại diện Ngân hàng Thế giới đưa ra các đề xuất về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị Việt Nam bền vững; đồng thời bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình đô thị hóa, nhằm đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Tại Hội nghị, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam báo cáo tổng hợp nội dung và đề xuất, kiến nghị từ ba hội thảo chuyên đề hướng tới Hội nghị đô thị toàn quốc năm 2022 gồm: Nâng cao chất lượng quy hoạch hướng đến phát triển bền vững; Phát triển hệ thống hạ tầng và chỉnh trang tái thiết đô thị; Cơ chế, chính sách quản lý phát triển đô thị; các kiến nghị cần tiếp tục triển khai...

* Phát triển đô thị được quan tâm chỉ đạo liên tục, xuyên suốt

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính thống nhất cao với báo cáo của các Bộ, ngành và ý kiến của các đại biểu; cho rằng điều này thể hiện sự vào cuộc mạnh mẽ, triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 148/NQ-CP của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 06, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói “Tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.

Nhấn mạnh về vị trí, vai trò, tiềm năng, thế mạnh của đô thị, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, đô thị có vai trò quan trọng trong tổ chức không gian phát triển, bố trí nơi ở, sinh hoạt cho người dân; là nơi quy tụ các trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa, xã hội, là nơi cung cấp hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng thiết yếu và nguồn lực bao gồm cả nguồn lực tài chính cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao cho các hoạt động gắn với đời sống kinh tế - xã hội.

Hiện nay, đô thị chỉ chiếm một diện tích nhỏ nhưng có đóng góp quan trọng và ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội của quốc gia, đô thị và đến sự phát triển của con người. Đô thị hóa và phát triển đô thị là cơ hội đối với mỗi quốc gia, khu vực, địa phương để có thể phát triển, tăng trưởng đột phá về mọi mặt.

Trên thế giới, các đô thị đang tạo ra đến 80% GDP toàn cầu, trong đó 100 thành phố lớn nhất chiếm khoảng 35% GDP toàn cầu. Tại Việt Nam, các đô thị đang đóng góp đến 70% GDP cả nước.

Thời gian tới, cùng với thời cơ và bối cảnh phát triển chung, đô thị hóa tại Việt Nam tiếp tục gia tăng về tốc độ và tỷ lệ đô thị hóa, do vậy việc quan tâm hoạch định chính sách, giải pháp thúc đẩy quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị có kế hoạch, có lộ trình là nhiệm vụ quan trọng để có thể tận dụng được lợi thế từ khu vực đô thị, đồng thời giải quyết các vấn đề, thách thức trong phát triển đô thị hiện nay.

“Những nền văn minh, sự sáng tạo, đổi mới đều có thể tìm thấy ở khu vực đô thị. Các nguồn lực phát triển đều được tạo ra từ đô thị. Động lực phát triển kinh tế - xã hội cũng từ đô thị mà ra. Nhiều cơ hội hơn ở khu vực đô thị và cũng chỉ có đô thị có thể cung cấp các giải pháp cho các vấn đề thách thức của nhân loại hiện nay như bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, phòng, chống rủi ro không báo trước”, Thủ tướng phân tích.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Đảng, Nhà nước đã ban hành, triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển đô thị. Tuy xuất phát điểm có nhiều khó khăn do chiến tranh, song văn kiện của nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng đã thể hiện sự quan tâm và có chủ trương định hướng lãnh đạo về phát triển đô thị gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao và coi việc “lấy các đô thị làm động lực phát triển vùng” là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.

Để cụ thể hóa chỉ đạo của Đại hội XIII, Bộ Chính trị lần đầu tiên đã ban hành riêng một Nghị quyết để chỉ đạo cụ thể về quy hoạch, xây dựng và quản lý phát triển bền vững đô thị. Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị với nhiều tiêu chí cụ thể và 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

“Qua đó cho thấy, quá trình chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về phát triển đô thị là liên tục, xuyên suốt và được quan tâm, chỉ đạo thực hiện của các cấp, các ngành”. Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, sau 35 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm vừa qua, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị ở nước ta đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Đô thị hóa và phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đến cuối năm 2020, hệ thống đô thị nước ta đã có 862 đô thị các loại, phân bổ tương đối đồng đều trong cả nước; tỷ lệ đô thị hóa xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên 41% tháng 6/2022.

Không gian đô thị được mở rộng. Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn; chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được nâng cao. Diện mạo kiến trúc, công trình của đô thị đã có nhiều thay đổi theo hướng hiện đại, có bản sắc.... Chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được nâng cao.

Cùng với đó, hệ thống đô thị quốc gia đã phát triển mạnh cả về số lượng cũng như chất lượng, trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và của mỗi vùng; bước đầu đã hình thành cực tăng trưởng kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo; khoa học, công nghệ; giáo dục, đào tạo tại các đô thị lớn. “Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết về phá triển các vùng, trong đó có nội dung phát triển đô thị tại các vùng, gắn với phát triển hạ tầng chiến lược, phát triển kinh tế - xã hội văn hóa...”, Thủ tướng cho biết.

Đáng chú ý, tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị đạt trung bình từ 12 -15%, cao gấp 1,5 - 2 lần so với mặt bằng chung cả nước. Các đô thị đã đóng góp quan trọng trong giải quyết việc làm, tăng phúc lợi xã hội, tạo đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển khoa học công nghệ. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng ở mức cao, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước.

Thủ tướng chỉ rõ, bên cạnh nhiều kết quả đạt được rất quan trọng, đô thị Việt Nam còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết để đô thị thực sự trở thành nơi đáng sống như: quá tải về hạ tầng cứng, giao thông, nhà ở xã hội, hạ tầng xã hội, ô nhiễm môi trường đô thị, hạn chế trong quy hoạch, quản lý quy hoạch...

Từ thực trạng đó, Thủ tướng cho rằng phải đặt ra và giải quyết các vấn đề: Làm thế nào để tăng trưởng của các đô thị không gây áp lực lên nguồn lực đất đai có hạn, không áp lực lên cơ sở hạ tầng và dịch vụ hiện có, không phát triển phân tán thiếu bền vững, không làm hạn chế các cơ hội của thế hệ tương lai.

Làm thế nào để nâng cao chất lượng đô thị, thực hiện thành công mục tiêu cải tạo chỉnh trang, tái thiết đô thị hiện hữu, khắc phục các điểm nghẽn trong phát triển, tạo lập các nguồn lực mới cho đô thị. Làm thế nào để thúc đẩy sự hình thành và phát triển mới các mô hình đô thị bền vững hơn, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn tại các đô thị, nâng cao năng lực chống chịu, thích ứng với những rủi ro không báo trước...

* Phát triển đô thị là nhiệm vụ chung của tất cả các cấp, các ngành

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, để hiện thực hóa những mục tiêu phát triển bền vững đô thị Việt Nam cần có cách tiếp cận tổng thể; triển khai với những biện pháp, giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu lực, hiệu quả.

Trước mắt phải quán triệt sâu sắc các Nghị quyết, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị; nâng cao chất lượng quy hoạch, thực hiện quy hoạch; bám sát thực tiễn, triển khai công việc có trọng tâm, trọng điểm; phát huy mạnh mẽ các nguồn lực để phát triển đô thị, nhất là hợp tác công tư; tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp; quản lý, kiểm tra, giám sát việc phát triển đô thị...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để chủ trương, chính sách về phát triển đô thị thực sự đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả cao.

"Phát triển đô thị không phải là nhiệm vụ của riêng ngành xây dựng, đô thị là không gian chung dành cho tất cả mọi người và là mắt xích quan trọng kết nối các ngành, lĩnh vực khác nhau. Các ngành cần rà soát các nhiệm vụ có liên quan để ưu tiên tổ chức thực hiện song song, thiết thực tạo hiệu ứng cộng hưởng, phối hợp chung, thống nhất trong phát triển đô thị vì lợi ích chung và mục tiêu chung", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, với sự quyết tâm và vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, trong thời gian tới, các đô thị Việt Nam sẽ có sự phát triển mạnh mẽ và đột phá. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị. Phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn, phát huy; góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục