Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long ra sao để tạo sự đột phá?

15:27' - 26/11/2020
BNEWS Ngày 26/11, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức hội nghị “Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Ngày 26/11, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức hội nghị báo cáo và tham vấn lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế về “Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. 

Đây là bản quy hoạch vùng đầu tiên được triển khai thực hiện theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành của Luật Quy hoạch và hội nghị là lần tham vấn cuối cùng trước khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn chỉnh, trình Chính phủ phê duyệt.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, với ý nghĩa là quy hoạch vùng đầu tiên được triển khai thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn xây dựng bản quy hoạch có chất lượng cao, phấn đấu trở thành điển hình mẫu mực về quy hoạch vùng, để làm kinh nghiệm cho các quy hoạch vùng khác.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các địa phương, chuyên gia, nhà khoa học nhận diện rõ các cơ hội chính, động lực chính để tạo nên sự phát triển đột phá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn tiếp theo.
Bên cạnh đó, định vị vai trò, vị thế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong mối quan hệ với vùng Đông Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh và trong bối cảnh quốc tế, cụ thể là khu vực ASEAN và tiểu vùng sông Mê Kông.

Ngoài ra, sự phù hợp của các định hướng, giải pháp về phát triển ngành lĩnh vực có thế mạnh của vùng, định hướng tổ chức không gian phát triển, kết cấu hạ tầng, khai thác sử dụng tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên nước với đặc điểm, điều kiện đặc thù của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, quan điểm phát triển thuận thiên của Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và tính thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc xử lý các xung đột mâu thuẫn có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh để đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực. 


“Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long sau khi được phê duyệt là cơ sở để triển khai lập các quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có liên quan, như: quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh, quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị…
Do đó, quy hoạch có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết bài toán tổng thể về phát triển vùng, xử lý các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tỉnh, làm cơ sở cho các ngành, các địa phương triển khai xây dựng quy hoạch, kế hoạch thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ, đạt hiệu quả cao” – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Chí Dũng, trong bối cảnh nguồn lực ngân sách nhà nước có hạn trong khi nhu cầu tổng thể cho phát triển hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu là rất lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, thủy lợi thì việc xác định nhu cầu đầu tư, huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực đầu tư trong giai đoạn tới cần dựa trên quy hoạch vùng và phải tuân thủ nguyên tắc “không hối tiếc”, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tác động của thượng nguồn có nhiều yếu tố bất định, khó lường đoán. 

Trong bài phát biểu tại hội nghị, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho hay, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất dễ bị tổn thương vì biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đó là xu hướng không thể chống lại mà cần phải dựa trên các kịch bản dự báo khác nhau về biến đổi khí hậu của vùng để lập quy hoạch mới và có hướng đầu tư thích ứng với biến đổi khí hậu theo khía cạnh “ít hối tiếc” và “không hối tiếc”. Có như vậy, Đồng bằng sông Cửu Long mới có thể đi tiếp những bước quan trọng trong quá trình phát triển. 

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái và môi trường Đồng bằng sông Cửu Long khẳng định, quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần áp dụng nguyên tắc “không hối tiếc”.
Đó là ít rủi ro sai lầm, ít tác dụng phụ; có thể sửa đổi được nếu nhận ra sai lầm, rơi vào thế “đâm lao phải theo lao”; không loại bỏ các phương án thích ứng khác trong tương lai. Hành động ở một nơi không gây ảnh hưởng nơi khác, hành động của một ngành không ảnh hưởng đến ngành khác.
Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, có 3 loại hối tiếc gồm hối tiếc cao, hối tiếc trung bình và hối tiếc thấp. Những hành động hối tiếc cao như việc thâm canh lúa ba vụ, có lợi lúc đầu nhưng đất đai suy kiệt, ảnh hưởng an ninh lương thực về lâu dài, mất không gian hấp thu lũ, mất tài nguyên thủy sản.
Hay việc đưa Việt Nam thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới. Chiến lược nông nghiệp chủ yếu là đầu vào cao, sản lượng cao, sản lượng cao được xem là thành tích nhưng đầu vào ít được nói đến. “Sản xuất 25 triệu tấn lúa nhưng cũng tốn 3 triệu tấn phân bón và 0,5 triệu tấn nông dược.
Nhiều gạo không chắc là an ninh lương thực, Việt Nam xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới nhưng chỉ số an ninh lương thực xếp 54/113 quốc gia. Trong khi Singapore không trồng lúa nhưng là quốc gia đứng đầu thế giới về an ninh lương thực” – ông Thiện dẫn chứng.
Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện nhấn mạnh, việc ưu tiên cho Đồng bằng sông Cửu Long là chuyển hóa nền nông nghiệp, giảm lượng, tăng chất, tăng chế biến, tăng chuỗi giá trị, tiếp vận hậu cần tốt hơn, giao thông kết nối, thị trường tốt hơn; ưu tiên giải quyết sụt lún, giảm sử dụng nước ngầm, phục hồi sông ngòi. Ưu tiên giải pháp phi công trình hơn giải pháp “thành trì kiên cố”; công trình chỉ nên cỡ nhỏ, chỉ nên kiểm soát, không nên ngăn mặn…

Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, hiện tại Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước “ngã ba đường”. Trong đó, con đường đang đi theo hướng nông nghiệp thâm canh không bền vững cần phải thay đổi, không thể tiếp tục đi theo hướng này mà phải rẽ sang con đường mới. Đó chính là theo tinh thần của Nghị quyết số 120/NQ-CP. 

Dù đã được xác định là hướng đi đúng đắn nhưng theo chuyên gia này, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP không hề đơn giản và cần rất nhiều thời gian. Do đó, mọi nguồn lực cho tương lai của Đồng bằng sông Cửu Long nên tập trung đầu tư cho nghị quyết này.
“Tinh thần chính của Nghị quyết số 120/NQ-CP là thuận theo tự nhiên và chuyển đổi nền nông nghiệp, trong đó “chìa khóa” mở ra sự phát triển cho đồng bằng chính là chuyển đổi sang nền nông nghiệp bền vững hơn”, ông Thiện cho rằng trong giai đoạn tới, nông nghiệp ở miền Tây không nên chạy theo số lượng nữa mà phải chuyển sang tập trung vào chất lượng, tăng chuỗi giá trị, chế biến sâu để có thể tiếp cận những thị trường tốt hơn, thậm chí là thị trường trong nước vốn lâu nay bị bỏ quên.
“Bộ ba chính sách gồm Nghị quyết số 120/NQ-CP, Luật Quy hoạch 2017, Quyết định 593/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về liên kết vùng là cơ hội vàng cho Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó, Nghị quyết số 120/NQ-CP nếu thực hiện đúng, sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề mà Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt” – ông Thiện kết luận./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục