Quyết định tăng lãi suất của Fed gây lo ngại cho kinh tế Hong Kong (Trung Quốc)

17:54' - 15/05/2022
BNEWS Các đợt tăng lãi suất gần đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đến vào một thời điểm tồi tệ đối với Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc).

Việc Hong Kong neo tỷ giá với đồng USD từ năm 1983 đã giúp Khu hành chính đặc biệt này vượt qua những cơn bão kinh tế như cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và củng cố vị thế của Hong Kong như một trung tâm tài chính toàn cầu lớn.

Tuy nhiên, chính sách này cũng đồng nghĩa với việc Hong Kong không còn lựa chọn nào khác ngoài việc theo sau đợt tăng lãi suất lãi suất lớn nhất trong 22 năm qua của Fed.

 

Lloyd Chan, nhà kinh tế tại Oxford Economics nhận định sự bùng phát của dịch COVID-19 tại Trung Quốc đã làm tổn hại đến tăng trưởng kinh tế và điều cuối cùng mà Hong Kong cần bây giờ là tăng lãi suất.
Hong Kong đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 xuống 1-2%, sau mức giảm 4% trong quý I/2022. Cục trưởng Tài chính Hong Kong tuần trước cho rằng Khu hành chính đặc biệt này đang phải đối mặt với sự đảo ngược của môi trường lãi suất thấp, vốn có lợi cho Hong Kong trong hơn một thập kỷ qua.
Theo quan chức trên, khi nền kinh tế vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch COVID-19, các nhà lãnh đạo Hong Kong phải chú ý đến tác động của việc tăng lãi suất đối với người dân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Các nhà phân tích cho biết các ngân hàng Hong Kong cho đến nay vẫn giữ ổn định lãi suất cho vay, song dự báo lãi suất sẽ siết chặt hơn trong vòng 3 đến 6 tháng nữa. Nhà kinh tế Gary Ng của Ngân hàng Ngoại thương Pháp (Natixis) ở Hong Kong, cho rằng lãi suất có thể tăng nhanh hơn so với trước đây, với sự đẩy nhanh tốc độ từ Fed.
Nhà kinh tế Heron Lim tại công ty xếp hạng tín nhiệm  Moody's Analytics cho hay những người mua nhà có các khoản thế chấp liên quan đến lãi suất liên ngân hàng Hong Kong (HIBOR) sẽ là những người đầu tiên cảm nhận được sức nóng của đà tăng lãi suất.

Việc tăng lãi suất có thể làm giảm đà phục hồi của kinh tế Hong Kong, khi gánh nặng mà người mua nhà phải gánh cao hơn sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng tiêu dùng của họ.
Nhà kinh tế Samuel Tse của ngân hàng DBS Bank của Singapore (Xin-ga-po) lưu ý các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có khả năng phải đối mặt với một "thời gian thực sự khó khăn" nếu đà tăng của lãi suất trùng với sự hồi sinh của làn sóng lây nhiễm COVID-19.
Tuần trước, Cơ quan Tiền tệ Hong Kong (HKMA) đã chi 8,53 tỷ HKD (1,08 tỷ USD) trong nỗ lực để hỗ trợ đồng nội tệ, ghi dấu lần can thiệp đầu tiên kể từ năm 2019. Chuyên gia Tse của DBS cho biết mặc dù dự trữ ngoại hối của Hong Kong đã giảm từ 500 tỷ USD xuống còn khoảng 460 tỷ USD, nhưng đây vẫn là mức tương đối cao, đủ để bảo vệ đồng HKD./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục