Rót thêm vốn, tiếp sức cho nhà ở xã hội
Sau khi gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc, nguồn lực hỗ trợ thiếu hụt khiến doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội không có vốn tham gia và người dân không vay được tiền để thuê, mua loại hình nhà ở này. Tháo gỡ khó khăn này, mới đây, Chính phủ đã giao các Bộ ngành liên quan cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách Xã hội và bổ sung 2.000 tỷ đồng cho 4 ngân hàng thương mại để hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội. Với dòng vốn ưu đãi mới, nhà ở xã hội sẽ được tiếp sức để gia tăng sản phẩm phục vụ người dân.
Cùng đó, Chính phủ cũng đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung bất cập tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội để trình Chính phủ xem xét, ban hành trong quý IV/2020 theo trình tự thủ tục rút gọn. Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ đề xuất đổi mới phương thức, cơ chế chính sách để giải quyết căn bản nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp; phối hợp với các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh thực hiện nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thấp, nhất là công nhân. Tính đến nay, chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại đô thị và công nhân khu công nghiệp đã hoàn thành 207 dự án với quy mô xây dựng hơn 85.810 căn. Hiện có 220 dự án tiếp tục triển khai, tương đương 179.640 căn. Riêng năm 2019, đã có 9 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, quy mô khoảng 4.110 căn hộ hoàn thành. Tuy nhiên, kết quả phát triển nhà ở xã hội hiện chỉ đạt khoảng 34,3% so với mục tiêu của Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là phấn đấu đến năm 2020 xây dựng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội. Một trong những nguyên nhân khiến kết quả đạt thấp là do sau khi gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc thì nguồn lực hỗ trợ thiếu hụt khiến doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội không có vốn tham gia và người dân không vay được tiền để thuê, mua loại hình nhà ở này. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thẳng thắn đánh giá, về cơ cấu sản phẩm trên thị trường bất động sản hiện vẫn không thay đổi nhiều. Nguồn cung nhà ở trung cao cấp dư thừa trong khi nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp vẫn rất thiếu. Hiện Chính phủ đã giao các Bộ ngành liên quan cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách Xã hội và bổ sung 2.000 tỷ đồng cho 4 ngân hàng thương mại để hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội – Bộ trưởng Phạm Hồng Hà chia sẻ. Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) nhận định, từ cuối năm 2019 đến nay, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn và có dấu hiệu giảm sút mạnh, ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề khác, khiến nhiều doanh nghiệp lớn, có thương hiệu trên thị trường đứng trước nguy cơ phá sản. Tình trạng mất thanh khoản tại nhiều dự án kéo dài, việc triển khai dự án mới cũng gặp nhiều khó khăn. Để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, VNREA đã kiến nghị cấp nguồn vốn cho nhà ở xã hội. Theo quy định của Luật Nhà ở, hàng năm, nhà nước cấp 50% vốn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội, 50% huy động thêm từ các kênh khác nhau để hỗ trợ cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, 4 ngân hàng thương mại như Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank do nhà nước chi phối được cấp bù lãi suất vay từ 3 - 4%, còn lại tự huy động 100% để cho vay. Như vậy, nếu cấp 2.000 tỷ đồng với tỷ lệ bù lãi suất vay từ 3 - 4% thì mỗi năm có thể huy động thêm được 60.000 tỷ đồng cho người vay mua, tạo tính thanh khoản lớn cho nhà ở xã hội – VNREA đưa ra phân tích. Đồng quan điểm này, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp. Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu đặt bài toán, khi kết thúc gói 30.000 tỷ đồng, từ 1 đồng, ngân hàng thương mại huy động thêm được 33 đồng. Còn Ngân hàng Chính sách Xã hội, từ 1 đồng có thể huy động thêm 1 đồng nữa. Với 2.000 tỷ đồng mà nhà nước giao cho các ngân hàng thương mại thì khi đó các ngân hàng sẽ huy động được nguồn lực khoảng 66.000 tỷ đồng để cho doanh nghiệp vay xây dựng nhà ở xã hội và người dân vay để mua, thuê nhà ở xã hội. Nguồn cung nhà ở xã hội sẽ tăng lên, các chủ đầu tư dự án nhà thương mại sẽ phải tính toán lại giá bán để cạnh tranh. Nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, giảm thuế VAT 5%, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp còn 10% và được vay vốn ưu đãi về lãi suất nên giá sẽ rẻ hơn nhà thương mại. Giá nhà ở xã hội tại Tp. Hồ Chí Minh đang vào khoảng 15 triệu đồng/m2. Trong khi hiện nay giá nhà thương mại bình quân khoảng 40 triệu đồng/m2. Khi giải quyết nhu cầu thật thì người dân sẽ mua được nhà ở xã hội với giá rẻ hơn rất nhiều so với mua nhà thương mại. Các chủ đầu tư sẽ mất một nguồn cầu, phải cơ cấu giảm giá để cạnh tranh - ông Châu phân tích. Các chuyên gia đều chung nhận định, sau khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc, cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội của người dân khó khăn hơn dù có gói tín dụng mới từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, nhưng người thu nhập thấp vẫn không dễ tiếp cận. Bởi vậy, khi Chính phủ có thêm gói tín dụng mới dành cho chương trình nhà ở xã hội sẽ giải thoát phân khúc này khỏi sự đình trệ mấy năm nay và đây thực sự là một tín hiệu tốt, được cả xã hội mong đợi. Có rất nhiều nguyên nhân khiến nhà ở xã hội khó phát triển thêm trong suốt mấy năm qua mà chủ yếu do thiếu dòng vốn ưu đãi cho cả chủ đầu tư lẫn người mua nhà. Tuy nhiên, VNREA cũng chỉ ra thêm một thực tế nữa đó là thủ tục tục hành chính cũng đang gây ảnh hưởng ít nhiều.Để bán nhà ở xã hội, chủ đầu tư phải công khai thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký, danh sách khách hàng đăng ký mua, báo cáo kết quả khách hàng ký hợp đồng mua nhà. Tại điểm b, khoản 1 Điều 20 Nghị định 100/2015/NĐ-CP, trước khi thực hiện việc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội, chủ đầu tư có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan đến dự án và kế hoạch tổ chức bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội tại dự án gửi Sở Xây dựng trước 30 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đơn đăng ký của khách hàng.
Do đó, với mỗi đợt mở bán nhà ở xã hội, chủ đầu tư sẽ mất ít nhất 60 ngày làm việc chỉ để tiếp nhận được hồ sơ mua nhà của khách hàng. Thời gian này bao gồm gửi thông báo cho Sở Xây dựng trước 30 ngày làm việc và thời gian tiếp nhận hồ sơ tối thiểu là 30 ngày làm việc. Việc kéo dài thời gian như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp – VNREA phản ánh. Để hạn chế bất cập, VNREA kiến nghị Chính phủ sửa đổi các quy định này theo hướng rút ngắn thời gian thông báo và nhận hồ sơ đăng ký mua, thuê mua nhà ở xã hội. Đồng thời, để đảm bảo thông tin về việc bán nhà ở xã hội đến được với đông đảo người dân, VNREA đề nghị quy định rõ thời hạn Sở Xây dựng phải đăng tải thông tin trên website. Liên quan đến hồ sơ mua bán nhà ở xã hội, VNREA cho hay, đối với người mua nhà, theo điểm b khoản 1 Điều 22 Nghị định 100/2015/NĐ-CP, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp khi mua nhà ở xã hội phải có giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi đang làm việc về đối tượng và thực trạng nhà ở. Tuy nhiên, trên thực tế, người mua nhà gặp nhiều khó khăn khi xin xác nhận nội dung này vì cơ quan, tổ chức nơi người mua nhà đang làm việc không thể nắm được hoặc không muốn xác nhận về thực trạng nhà ở của nhân viên. Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nhà ở thuận lợi hơn, VNREA đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi hoặc hướng dẫn cụ thể về điểm này theo hướng người mua nhà chỉ cần xin xác nhận của UBND xã, phường nơi cư trú về thực trạng nhà ở vì đây mới là nơi quản lý thực trạng nhà ở của người dân. Cùng đó, thủ tục hành chính tại cơ sở, địa phương cũng khiến doanh nghiệp nản lòng khi tham gia phát triển nhà ở xã hội bởi mỗi dự án phải mất từ 3 - 4 năm cho khâu làm thủ tục. Quãng thời gian này quá dài và thật sự là thử thách buộc doanh nghiệp phải vượt qua. Các chuyên gia cho rằng, chỉ khi những nút thắt về vốn và thủ tục hành chính đang “trói” phân khúc nhà ở xã hội dần được tháo gỡ thì việc phát triển quỹ nhà ở này mới nhanh chóng có bứt phá, đáp ứng được nhu cầu về chỗ ở của đa số người dân./.Tin cùng chuyên mục
-
Bất động sản
Đấu giá đất làm Khu đô thị đường 3/2 thành phố Vũng Tàu
16:52' - 26/04/2025
Sau 2 vòng đấu giá, một doanh nghiệp đã thắng đấu giá khu đất với giá hơn 7.728 tỷ đồng.
-
Bất động sản
Giá bất động sản tăng: Căn hộ vẫn là lựa chọn "vừa túi" của thế hệ trẻ?
14:27' - 26/04/2025
Trong vòng ba năm trở lại đây, thị trường bất động sản tỉnh Bình Dương, đặc biệt là phân khúc căn hộ dành cho giới trẻ, đang ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc cả về nhu cầu và giá bán.
-
Bất động sản
Giao đất ở cho hộ dân khó khăn không qua đấu giá
11:19' - 24/04/2025
Bộ Nông nghiệp và Môi trường yêu cầu các địa phương cần rà soát ưu tiên bố trí đất ở đối với hộ có khó khăn về đất ở theo hình thức giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.
-
Bất động sản
CMC Telecom ký hợp tác chiến lược cùng CBRE Việt Nam
10:44' - 24/04/2025
Việc ký kết hợp tác chiến lược giữa CMC Telecom và CBRE Việt Nam thể hiện sự đồng thuận của hai bên trong việc nâng cao chất lượng trải nghiệm cho khách hàng trong lĩnh vực bất động sản.
-
Bất động sản
Sonasea Sparkling: Căn hộ biển cao tầng đầu tiên tại Sonasea Vân Đồn Harbor City
20:08' - 23/04/2025
Tập đoàn CEO vừa giới thiệu ra thị trường Sonasea Sparkling – dòng căn hộ biển cao tầng đầu tiên mang phong cách sống thời thượng tại Sonasea Vân Đồn Harbor City, Quảng Ninh.
-
Bất động sản
49/63 địa phương kết nối, liên thông nghĩa vụ tài chính về đất đai
10:52' - 23/04/2025
Các văn bản pháp lý được ban hành kịp thời chính là căn cứ pháp lý đồng bộ, quan trọng cho việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.
-
Bất động sản
Vinaconex rót 3.900 tỷ đồng xây Tổ hợp cao cấp Capital One tại Hà Nội
12:08' - 22/04/2025
Dự án Capital One - Tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ dịch vụ và khách sạn tiêu chuẩn quốc tế, tái định hình chuẩn mực sống mới.
-
Bất động sản
Hà Nội ban hành khung giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư
19:55' - 21/04/2025
Ngày 21/4, UBND thành phố Hà Nội đã chính thức ban hành Quyết định số 33/2025/QĐ-UBND về khung giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư trên địa bàn thành phố.
-
Bất động sản
Có đến 89% môi giới bất động sản chưa có chứng chỉ hành nghề hoặc đã hết hiệu lực
19:32' - 21/04/2025
Theo VARS IRE, có đến 89% lực lượng môi giới bất động sản hiện nay chưa có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ đã hết hiệu lực.