Sai phạm trong sử dụng đất đai ở Long Biên - Bài 3: Xử lý những sai phạm

10:28' - 16/09/2019
BNEWS Vi phạm đã được chỉ ra, trách nhiệm cũng không thể chối bỏ nhưng việc xử lý các tổ chức, cá nhân liên quan lại chưa được quan tâm đúng mức.
Công trình xây dựng trên đất nông nghiệp tại phường Thượng Thanh (Long Biên). Ảnh Mạnh Khánh/TTXVN

Mặt khác, những công trình sai phạm vẫn đang tồn tại cùng thời gian. Các vi phạm không chỉ có quận Long Biên mà nhiều quận, huyện khác trên địa bàn Thủ đô cũng đang tồn tại cần được quan tâm chỉ đạo giải quyết.

Năm 2019, Hà Nội tiếp tục chọn chủ đề công tác: “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”. Điều này cho thấy chính quyền thành phố đặt quyết tâm, đề cao vai trò, trách nhiệm và sự gương mẫu của người đứng đầu ở tất cả các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị; chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, trọng tâm, trọng điểm, gắn với kiểm tra, giám sát thường xuyên để nhằm đẩy lùi tiêu cực, trong đó có nội dung buông lỏng quản lý đất đai ở các địa phương.

Xem xét trách nhiệm người đứng đầu

Trước những “ung nhọt” do buông lỏng quản lý đất đai xảy ra tại Long Biên trong thời gian qua, Kết luận Thanh tra 316 của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội đã chỉ ra, địa phương này cần thực hiện rà soát đối với toàn bộ các phương án sử dụng đất, các hợp đồng cho thuê đất nông nghiệp trên địa bàn các xã thị trấn và có biện pháp khắc phục các vi phạm trong việc lập phương án sử dụng đất.

Trong đó, quận Long Biên cần phải thực hiện ngay việc giám sát, xử lý khắc phục các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất và xây dựng công trình trái phép theo đúng quy định của pháp luật.

Mặt khác, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với cán bộ địa chính, quản lý trật tự xây dựng tại các phường để xảy ra vi phạm đất đai nhưng không xử lý dứt điểm theo quy định.

Ngoài ra, Long Biên cần phải kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan khi để xảy ra các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất công xảy ra trên địa bàn.

Lãnh đạo quận Long Biên làm việc với phóng viên TTXVN. Ảnh: TTXVN

Trong đó, tập trung làm rõ trách nhiệm của Trưởng Phòng Kinh tế và Chủ tịch UBND các phường có phương án sử dụng đất, có hoạt động xây dựng trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích được duyệt mặc dù đã biết rõ các vi phạm phát sinh nhưng không lập hồ sơ hoặc kiến nghị xử lý đối với các trường hợp vi phạm trên địa bàn.

Trong khi đó, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phân tích, tại Long Biên nhiều phường cho thuê đất trái thẩm quyền; cho thuê không qua đấu thầu là sai phạm, có thể xem xét, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các phòng, ban liên quan.

Ngoài ra, cũng cần xem xét trách nhiệm người thuê đất đã tự ý sử dụng sai mục đích, vi phạm trật tự xây dựng. Vì vậy, việc phá dỡ công trình sai phạm là đương nhiên, cùng với đó phía địa phương cần phải thu hồi ngay hợp đồng cho thuê đất trái thẩm quyền.

Không đứng ngoài để vi phạm tồn tại

Thực tế chỉ ra, quận Long Biên còn cần phải khắc phục, xử lý vi phạm trong quản lý đất công, đất nông nghiệp đối với 359 trường hợp, với tổng diện tích vi phạm là 18,97 ha tại địa bàn các phường.

Nhìn nhận vấn đề trên, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND quận Long Biên cho biết, thực hiện Kết luận số 316 của Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, quận đã xử lý được 22 công trình, trường hợp; còn lại 337 công trình, trường hợp.

Hiện UBND quận đã lập hai đoàn công tác “đặc biệt” với nhiều phòng chuyên môn tham gia như: Quản lý đô thị, Kinh tế, Tài chính, Quản lý dự án, chính quyền địa phương để xem xét từng trường hợp trong việc sử dụng đất, cũng như thực hiện nghĩa vụ tài chính, đối chiếu quy hoạch, từ đó đưa ra phương án, lộ trình xử lý sai phạm.

Giải pháp trước mắt UBND quận yêu cầu các phường dừng hết việc ký hợp đồng với các cá nhân, tổ chức, vì sai quy định, ông Hà thông tin.

Tuy nhiên, đến nay, quận Long Biên chưa thực hiện xử lý cá nhân, tập thể liên quan để xảy ra buông lỏng quản lý, vi phạm đất đai theo Kết luận Thanh tra số 316.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Huy Thắng, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Long Biên cho rằng, không thể chỉ đổ lỗi cho vi phạm phát sinh từ năm 2014 về trước mà những năm 2015 và 2016 trở lại đây, trong nội tại của từng dự án có phát sinh vi phạm cũng được coi là vi phạm và phải xử lý nghiêm. Quận ủy đã chỉ đạo các bộ phận liên quan phải vào cuộc để xử lý sai phạm về đất đai nhạy cảm.

“Quan điểm sẽ không thể dung túng, bao che cho vi phạm. Lãnh đạo quận sẽ không đứng ngoài xem chính quyền và các cơ quan chuyên môn làm thế nào mà chúng tôi phải vào cuộc, phải đôn đốc, chỉ đạo giám sát, xử lý sai phạm đất đai, theo đúng quy trình của pháp luật”, ông Nguyễn Huy Thắng thẳng thắn nói.

Nghiêm khắc với các trường hợp vi phạm về quản lý đất đai

Trước việc một số địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội buông lỏng quản lý dẫn tới vi phạm đất đai tràn lan, trong năm 2018, thành phố đã lập Đoàn Thanh tra liên ngành gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường (chủ trì), Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thanh tra Nhà nước thực hiện thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong công tác quản lý Nhà nước đối với việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, nông nghiệp công ích, đất công thuộc trách nhiệm của UBND các quận, huyện và UBND các phường, xã, thị trấn trên địa bàn. Nằm trong danh sách thanh tra gồm quận, huyện: Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ, Long Biên, Hoàng Mai, Gia Lâm, Quốc Oai, Ba Vì, Thanh Oai, Ứng Hòa.

Lãnh đạo quận Long Biên làm việc với phóng viên TTXVN. Ảnh: TTXVN

Trong đó, Đoàn thanh tra tập trung làm rõ các trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất công để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Kết quả đợt thanh tra trên cho thấy, trên địa bàn các quận, huyện kể trên cũng có nhiều tồn tại như ở Long Biên.

Đáng chú ý, sau thanh tra, Sở Tài Nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội đã trình UBND thành phố xem xét xử lý làm rõ trách nhiệm theo quy định đối với 58 chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn; tạm dừng điều hành 7 chủ tịch UBND xã thuộc 3 huyện và kiến nghị kiểm điểm 61 công chức địa chính tại 58 xã, phường, thị trấn do vi phạm trong quản lý đất đai.

Đoàn giám sát của Quốc hội khi làm việc với thành phố Hà Nội về lĩnh vực đất đai đã chỉ ra, nguyên nhân để xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý dẫn đến vi phạm đất đai là do một bộ phận còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn, cố ý làm trái để trục lợi.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa được thực hiện thường xuyên; việc xử lý vi phạm, xử lý trách nhiệm, yêu cầu áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả còn thiếu kiên quyết. Trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương các cấp qua các thời kỳ.

Đồng quan điểm trên, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, để tồn tại tình trạng vi phạm đất đai trong thời gian dài vừa qua, nguyên nhân là do sự buông lỏng quản lý của các cấp cơ sở, cấp quận huyện và việc thanh tra, kiểm tra của thành phố chưa kịp thời.

Trong thời gian tới, với tinh thần không thể chạy theo các vi phạm đất đai của cơ sở mà sẽ tiến hành xử lý nghiêm để ngăn ngừa và khắc phục các tồn đọng.

Cũng theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, cùng với việc xử lý trách nhiệm của các cá nhân, trong thời gian tới, thành phố tích cực đôn đốc sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo các cấp ủy Đảng cơ sở quận, huyện; xã, phường trong quản lý đất đai trên địa bàn./.

Xem thêm:

Sai phạm trong sử dụng đất đai ở Long Biên - Bài 1: Những biến tướng, khó kiểm soát

Sai phạm trong sử dụng đất đai ở Long Biên- Bài 2: Xử lý không hiệu quả

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục