Sản phẩm nông nghiệp ở Đồng Nai vẫn loay hoay tìm đầu ra

12:00' - 20/08/2022
BNEWS Những năm gần đây, tỉnh Đồng Nai ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nên sản lượng các loại nông sản trên địa bàn tỉnh đạt khá, đa dạng, phong phú chủng loại.

Tuy nhiên, hiện nhiều nông dân vẫn lo lắng vì chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Có thời điểm, sản phẩm nông nghiệp làm ra phải bỏ hoàn toàn vì không tìm được đầu ra.

 

Ông Phan Văn Phụng, ấp Hưng Nhơn, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất trồng 1 ha bưởi, canh tác theo chuẩn VietGap, mỗi năm thu được khoảng 40 tấn trái. Tuy nhiên, đến thời điểm này ông Phụng vẫn chưa tìm được đầu ra ổn định.

Bưởi khi bán được giá thì đạt 25.000 – 30.000 đồng/kg bưởi nhưng cũng có những thời điểm bưởi xuống giá chỉ đạt 5.000 – 8.000 đồng/kg nhưng vẫn không có ai mua.

Thông qua sự giới thiệu của Phòng Nông nghiệp huyện cũng có nhiều thương lái, doanh nghiệp tới thu mua bưởi, nhưng họ đòi hỏi quá cao nên nông dân không đáp ứng được.

Cụ thể, họ mua 30.000 – 40.000 đồng/kg nhưng trái phải to đạt từ 1,8 kg trở lên còn lại họ mua giá rất thấp. Tính ra trung bình có lúc không bằng bán ngang ngoài thị trường - ông Phụng chia sẻ.

Khi tới vụ thu hoạch, người dân tự tìm số điện thoại của thương lái ở trên mạng. Sau đó, gọi họ đến tận vườn xem rồi đôi bên ngã giá. Nếu chấp nhận thì mua không thì lại tìm thương lái khác. Năm qua, dịch COVID-19 nên không ai mua nên người trồng lỗ 100%. Qua đợt tết thì giá mới nhích lên một chút.

Không chỉ riêng bưởi, nhiều mặt hàng nông sản khác trên địa bàn thời gian qua cũng loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm. Thị trường ngày càng khắt khe đối với các sản phẩm nhưng trong lối canh tác của nông dân vẫn theo phương thức truyền thống, thuận theo tự nhiên. Lúc được mùa, sản phẩm đạt chất lượng nhưng khi khí hậu không thuận lợi thì sản phẩm cằn cỗi, kém năng suất.

Bà An Tú Anh, thương lái mua rau ở huyện Thống Nhất cho biết, thương lái khó thống nhất được với nông dân vì nhiều lý do. Ví dụ thương lái muốn ký giá cố định 5.000 - 8.000 đồng/kg rau, bao đầu ra nhưng nông dân không đồng ý.

Họ cũng không chịu trồng những loại rau mà thương lái có nhu cầu mua. Người dân thường thích gì trồng nấy; trong khi thương lái chỉ mua loại nào phù hợp và mua theo giá thị trường.

Hiện nay, để ổn định đầu ra cho nông sản, ngành nông nghiệp đang cụ thể hoá, thực hiện các đề án, dự án đã được Uỷ ban nhân dân, Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt ban hành như chương trình đề án sản xuất nông nghiệp hữu cơ; đề án phát triển kinh tế hợp tác rồi cụ thể hoá theo từng điều kiện để triển khai tới người nông dân.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, trước tiên, ngành đi khảo sát, xác định vùng trồng và quy trình sản xuất của nông dân hiện tại. Sau đó, đi đến các mô hình sản xuất an toàn, hiện đại, áp dụng công nghệ cao, từ đó nhân rộng rồi triển khai đưa bà con học tập; đồng thời, cụ thể hoá xuống từng hộ nông dân sản xuất tại vùng trồng.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp phối hợp với các ngành, cơ quan liên quan thực hiện kết nối tiêu thụ sản phẩm ra thị trường, đặc biệt là xúc tiến thương mại đối với Sở Công Thương.

Bên cạnh đó, tập trung xây dựng vùng trồng, quy hoạch vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc; hướng dẫn người dân sản xuất theo hướng chất lượng không chạy theo số lượng từ đó nâng cao uy tín, vị thế của từng loại sản phẩm nông nghiệp của mình để có được đầu ra ổn định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục