Sản xuất tiêu thụ nông sản qua liên kết, phân phối hài hòa lợi ích

15:12' - 22/05/2022
BNEWS Sóc Trăng đã có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, ký các cam kết tiêu thụ nông sản cho người trồng lúa, người trồng cây ăn trái, tạo đầu ra ổn định cho nhà nông.

Để đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nhà nông, UBND tỉnh Sóc Trăng và ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, ký các cam kết tiêu thụ nông sản cho người trồng lúa, người trồng cây ăn trái, tạo đầu ra ổn định cho nhà nông.

Theo ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, phát triển liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân thông qua mô hình hợp tác xã để tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản đang là yêu cầu tất yếu. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị sản xuất theo hướng bền vững, phân phối lợi ích hài hòa các bên tham gia liên kết.

Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức ký kết Chương trình phối hợp giữa Sở với Hội Nông dân tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025. Nội dung ký kết có các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp như: đẩy mạnh ứng dụng khoa học sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững; đăng ký và quản lý mã vùng trồng và tăng cường về kiểm tra, thanh tra, giám sát vật tư nông nghiệp; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trong xây dựng nông thôn mới, việc phối hợp giữa 2 đơn vị là thực hiện nếp sống văn minh, bảo vệ môi trường nông thôn; tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân; phối hợp triển khai dự án “Tăng cường năng lực quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực sông Mê Kông”...

Tại hội nghị liên kết sản xuất tiêu thụ lúa gạo do UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức mới đây, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và nhà quản lý cũng đã có những cam kết cùng nhau thực hiện nghiêm chỉnh hợp đồng liên kết với mục tiêu “Lợi ích hài hòa chia sẻ rủi ro”.

Dịp này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng và UBND các huyện, thị xã, các hợp tác xã sản xuất lúa của huyện Thạnh Trị, huyện Long Phú đã ký kết 12 bản ghi nhớ, hợp đồng tiêu thụ lúa cùng các tập đoàn, công ty tiêu thụ lúa trong và ngoài tỉnh.

Ngay sau đó, tại Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức ký nhiều bản ghi nhớ, ký kết hợp đồng mới và tái ký kết hợp đồng tiêu thụ các loại trái cây đặc sản của tỉnh như vú sữa, bưởi da xanh và thanh nhãn giữa Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vina T&T cùng các hợp tác xã tại các địa phương thuộc huyện Kế Sách, huyện Long Phú...

Ông Huỳnh Ngọc Nhã cho biết thêm, những năm gần đây, nhờ tích cực triển khai việc kết nối giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân nên việc tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng liên kết ngày càng nhiều, việc hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với liên kết tiêu thụ ngày càng được chú trọng, diện tích liên kết tiêu thụ trên cây lúa và nông sản ngày càng tăng.

Riêng trong năm 2021, Sóc Trăng có 131 lượt công ty, doanh nghiệp và thương lái tham gia liên kết tiêu thụ với tổng diện tích 61.922 ha lúa, tăng 68% (25.175 ha) so với năm trước đó.

Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong vấn đề sản xuất lúa theo hướng bền vững được người nông dân rất đồng tình, vì họ được hỗ trợ vật tư đầu vào; quy trình sản xuất sạch, hiện đại. Đặc biệt, về tiêu thụ nông sản, người dân được lo có đầu ra ổn định nên sẽ yên tâm sản xuất.

Đối với doanh nghiệp cũng rất cần sự liên kết với nông dân, doanh nghiệp đưa ra quy trình sản xuất đúng thì sẽ có sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu, giá trị của của nông sản mới cao được. Chính vì thế, vấn đề liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp sẽ đảm bảo phát triển bền vững vì 2 bên cùng có lợi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục