Sáng kiến ngăn COVID-19 lây lan trên xe buýt

06:30' - 12/08/2020
BNEWS Những chiếc xe buýt loại nhỏ 14 chỗ đang là phương tiện di chuyển của hơn 70% lực lượng lao động Nam Phi ở cả các thành phố lớn và các vùng nông thôn.

Với việc Chính phủ Nam Phi tiếp tục nới lỏng các quy định về phòng chống COVID-19 và mở cửa nền kinh tế sâu rộng hơn, các chuyên gia kỹ thuật và y tế công cộng của nước này đang phát huy nhiều sáng kiến nhằm bảo vệ sức khỏe của 14 triệu người dân vốn đang hằng ngày dựa vào mạng lưới xe buýt hạng nhỏ để đi làm, tới trường...

Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, những chiếc xe buýt loại nhỏ 14 chỗ đang là phương tiện di chuyển của hơn 70% lực lượng lao động Nam Phi ở cả các thành phố lớn và các vùng nông thôn. Các chuyên gia y tế lo ngại hệ thống phương tiện này có thể là kênh lây lan SARS-CoV-2 do không đảm bảo giãn cách xã hội.

Sáng kiến Phát triển nhà cung cấp (SDI) mang tính phi lợi nhuận do doanh nhân Andile Ramaphosa, con trai của Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, tổ chức triển khai đang phần nào giải quyết thách thức này.

Doanh nhân Andile Ramaphosa cho rằng việc giải quyết vấn đề phương tiện giao thông cho người lao động và giảm thiểu nguy cơ lây lan của COVID-19 trên các phương tiện công cộng sẽ góp phần giúp Nam Phi phòng chống đại dịch hiệu quả và dần mở cửa nền kinh tế.

Nhà nghiên cứu về HIV/AIDS, Tiến sĩ Jenny Pfeiffer-Coetzee, nhà sáng lập và Giám đốc của Quỹ Tiềm năng châu Phi cho biết nhóm nghiên cứu của quỹ đã đưa ra một số giải pháp từ đơn giản đến phức tạp dựa trên hệ thống tương tự như mô hình được sử dụng trong xe cứu thương bằng việc điều chỉnh bộ lọc không khí UVC và các quạt đẩy cho phép luồng không khí di chuyển qua các bộ lọc và lưu thông trên xe buýt.

Không khí được điều chỉnh qua các bộ lọc, được chiếu xạ trong vòng vài giây và đưa trở lại hệ thống thông khí của xe buýt.

Nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Pfeiffer-Coetzee cũng đang thiết kế hệ thống cảnh báo nhằm nhắc nhở hành khách trên xe buýt phải mở cửa sổ để không khí lưu thông theo quy định của cơ quan chức năng Nam Phi trước khi cho phép loại hình giao thông công cộng này được hoạt động trở lại.

Các nhà cung cấp dịch vụ cũng yêu cầu hành khách phải thực hiện sát khuẩn tay trước khi lên xe và lắp đặt lớp nhựa ngăn cách giữa lái xe với hành khách. Theo quy định hiện hành, người dân Nam Phi phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà.

Theo doanh nhân Andile Ramaphosa, Sáng kiến Phát triển nhà cung cấp có thể làm giảm 80% nguy cơ nhiễm lây nhiễm COVID-19 trên xe buýt. Cho đến nay, sáng kiến SDI đã trang bị, áp dụng các biện pháp phòng tránh lây lan SARS-CoV-2 ở 5.000 ở buýt chuyên trở học sinh và 1.000 buýt khác với chi phí ước tính khoảng 340.000 USD – phần lớn đến từ các nhà tài trợ.

Doanh nhân Ramaphosa cho rằng việc đưa ra các biện pháp phòng tránh COVID-19 là quá trình tìm tòi, học hỏi và thử nghiệm. Những nhà hoạt động xã hội nhưng không phải là một nhà khoa học có thể đóng góp thông qua huy động và tập hợp tất cả những nguồn lực với mục tiêu chung là người lao động, học sinh cần đến nơi làm việc, trường học một cách an toàn và các nhà hoạt động xã hội có thể chung tay với Chính phủ Nam Phi để cứu mạng sống của nhiều người trước mối đe dọa của đại dịch COVID-19.

Tiến sĩ Pfeiffer-Coetzee cho rằng mô hình này có thể mở rộng tới các quốc gia châu Phi khác vốn có hệ thống giao thông tương tự, trong đó xe buýt là phương tiện di chuyển chính đối với hàng triệu người mỗi ngày./.

>>>Hàn Quốc lắp đặt nhà chờ xe buýt thông minh chống lây nhiễm COVID-19

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục