Sáng nay, thí sinh THPT quốc gia 2019 bước vào môn thi đầu tiên

07:02' - 25/06/2019
BNEWS Sáng nay 25/6, các thí sinh bước vào môn thi đầu tiên của kỳ thi THPT quốc gia 2019, môn Ngữ văn, theo hình thức tự luận, với thời gian 120 phút, bắt đầu từ 7h35.
Thí sinh xem số báo danh và phòng thi tại Hội đồng thi trường THPT Mỹ Hào (huyện Mỹ Hào, Hưng Yên). Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Theo Quy chế, thí sinh phải có mặt tại phòng thi đúng thời gian quy định, chấp hành hiệu lệnh của ban coi thi và hướng dẫn của cán bộ coi thi. Thí sinh đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi buổi thi đó.

Kỳ thi năm nay có 887.104 thí sinh đăng ký dự thi. Các thí sinh sẽ dự thi tại 1980 điểm thi với 38.050 phòng thi. Trong đó, thí sinh đăng ký thi để xét tốt nghiệp và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng là 622.925, chiếm 70,22%.

Số thí sinh chỉ đăng ký để xét tốt nghiệp Trung học phổ thông là 233.977, chiếm 26,38%. Thí sinh đăng ký chỉ để xét tuyển sinh Đại học, Cao đẳng là 30.202, chiếm 3,4%.

Trong chiều 24/6, tổng số thí sinh trên toàn quốc đến làm thủ tục dự thi là 879.742 thí sinh, đạt tỷ lệ 99,17%.

Chiều 25/6, thí sinh thi môn Toán, theo hình thức trắc nghiệm khách quan, với thời gian làm bài 90 phút, bắt đầu từ 14h30.

Đề thi Văn THPT quốc gia 2019.

Đáp án và Đề thi THPT quốc gia năm 2019 môn Ngữ văn và các môn thi khác sẽ liên tục được cập nhật TẠI ĐÂY.

---------------

Đề thi tham khảo Ngữ văn của Bộ GD&ĐT tại Kỳ thi THPT Quốc gia 2019.
Bài thi: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích dưới đây:
Nhiều người cho rằng phát triển là điều tốt. Nhưng chỉ ít người dám cống hiến cả cuộc đời mình cho sự phát triển đó. Tại sao vậy? Bởi vì muốn phát triển đòi hỏi phải có sự thay đổi, trong khi đó họ lại không sẵn sàng cho bất cứ sự thay đổi nào. Tuy nhiên, một sự thật hiển nhiên là nếu không thay đổi thì không thể có sự phát triển. Nhà văn Gail Sheehy đã khẳng định:
“Nếu không thay đổi thì sẽ không bao giờ phát triển. Nếu không phát triển thì không phải là cuộc sống. Phát triển đòi hỏi phải tạm thời từ bỏ cảm giác an toàn. Điều này có nghĩa là phải từ bỏ lối sống quen thuộc nhưng luôn bị hạn chế bởi tính khuôn mẫu, tính an toàn, những điều không bao giờ khiến cuộc sống của bạn tốt hơn được. Những điều đó sẽ khiến bạn không còn tin tưởng vào các giá trị khác, mọi mối quan hệ đều không còn ý nghĩa. Nhà văn Dostoevsky nói: “Tiến thêm một bước, nói thêm một lời là những điều đáng sợ nhất”. Nhưng trên thực tế, điều ngược lại mới là điều đáng sợ nhất.”
Tôi nghĩ không có gì tồi tệ hơn là cứ sống mãi một cuộc sống trì trệ, không bao giờ thay đổi và không bao giờ phát triển.
(John C. Maxwell - Cách tư duy khác về thành công, NXB Lao động - Xã hội, 2015, tr.130)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Chỉ ra tác hại của việc không dám từ bỏ lối sống quen thuộc được nêu trong đoạn trích.
Câu 2. Theo anh/chị, “điều ngược lại” được nói đến trong đoạn trích là gì?
Câu 3. Việc tác giả trích dẫn ý kiến của Gail Sheehy có tác dụng gì?
Câu 4. Anh/Chị có cho rằng việc từ bỏ lối sống an toàn, quen thuộc để phát triển đồng nghĩa với sự liều lĩnh, mạo hiểm không? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về điều bản thân cần thay đổi để có thể thành công trong cuộc sống.
Câu 2 (5.0 điểm)
Trong truyện ngắn Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân hai lần miêu tả cung cách ăn uống của người vợ nhặt. Chiều hôm trước, khi được Tràng đồng ý đãi bánh đúc ở ngoài chợ: “Thế là thị ngồi sà xuống, ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì.” và sáng hôm sau, khi nhận bát “chè khoán” từ mẹ chồng: “Người con dâu đón lấy cái bát, đưa lên mắt nhìn, hai con mắt thị tối lại. Thị điềm nhiên và vào miệng.”
(Kim Lân - Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr.27 và tr.31)
Phân tích hình ảnh người vợ nhặt trong hai lần miêu tả trên, từ đó làm nổi bật sự thay đổi của nhân vật này.
------------------ HẾT ------------------

>>>Đề thi THPT quốc gia 2019 sẽ được ra theo hướng nào?

>>>Lịch thi THPT quốc gia 2019 

>>>Vật dụng được phép mang vào phòng thi THPT quốc gia 2019

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục