Sanofi đặt tham vọng lớn tại Pháp sau khi “chậm bước” trong cuộc đua vaccine COVID-19

09:32' - 11/03/2022
BNEWS Tuy đã bỏ lỡ cơ hội ghi dấu ấn với vaccine mRNA chống COVID-19, nhưng Sanofi – “lá cờ đầu” của ngành công nghiệp dược phẩm Pháp vẫn không từ bỏ mối quan tâm tới công nghệ đầy hứa hẹn này.

Thậm chí, tập đoàn dược phẩm này còn muốn phát triển nó lên một tầm cao mới.

 

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, trong công bố mới đây về chiến lược hành động của mình tại Pháp, Sanofi cho biết tập đoàn đang có kế hoạch đầu tư 935 triệu euro từ nay đến năm 2026 và 1,6 tỷ euro trong 10 năm tới để đưa nước này trở thành "quốc gia tiên phong trong mRNA".

Lãnh đạo tập đoàn công nghiệp dược phẩm này đã công bố các khoản đầu tư nói trên trong buổi khởi công nhà máy mới của Sanofi ở Neuville-sur-Saône (Rhône), với sự tham dự của Thủ tướng Jean Castex. Nhà máy này cũng có một phần không nhỏ đến từ sự hỗ trợ của Nhà nước.

Được dành riêng cho phát triển vaccine mRNA, cơ sở sản xuất hiện đại tại Neuville-sur-Saône sẽ có khả năng sản xuất cùng một lúc nhiều loại vaccine và trên các công nghệ khác nhau. Theo dự kiến, nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2025.

Không chỉ đầu tư để đưa Pháp trở thành "công xưởng" sản xuất vaccine tầm cỡ quốc tế, Sanofi còn đặt mục tiêu xây dựng một chuyên ngành mRNA phát triển hàng đầu thế giới ở nước này.

Ông Olivier Bogillot, Chủ tịch Sanofi France, đã khẳng định mục tiêu của tập đoàn là xây dựng một dây chuyền từ A đến Z, từ nghiên cứu đến sản xuất vaccine mRNA ngay trên đất Pháp, nhằm đảm bảo chủ quyền của quốc gia đối với công nghệ mới này.

Đây quả là một mục tiêu không hề nhỏ đối với tập đoàn dược phẩm số 1 của Pháp, nhất là trong bối cảnh nước này đang tụt hậu trong lĩnh vực công nghệ sinh học từ vài năm trở lại đây.

Pháp không có khả năng tạo ra các hạt nanolipid, những phân tử đóng vai trò bao các sợi mRNA và cho phép chúng xâm nhập vào tế bào trong quá trình tiêm vaccine.

Bản thân Sanofi đã chậm bước trong một thời gian dài, vì quá thận trọng hoặc vì thiếu tầm nhìn, nên đã không thể tham gia thực sự vào cuộc đua mRNA.

Tuy nhiên, trong năm 2021, với quyết tâm rút ngắn khoảng cách tụt hậu của mình, họ đã mua lại Tidal Therapeutics và sau đó mua tiếp Translate Bio, hai công ty công nghệ công nghệ sinh học của Mỹ chuyên về mRNA.

Vào tháng 6/2021, Sanofi đã chính thức công bố chiến lược toàn cầu của mình về công nghệ này với mục tiêu phát triển ít nhất sáu loại vaccine mRNA vào năm 2025.

Trong số đó có vaccine chống virus chlamydia, vaccine chống virus hợp bào hô hấp gây viêm phổi ở trẻ em, và đặc biệt chú trọng vaccine phòng chống cúm mà Sanofi là nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới trong thị trường này.

Ngoài các bệnh truyền nhiễm, tập đoàn dược phẩm này cũng đang quan tâm nghiên cứu khả năng sử dụng mRNA để phát triển vaccine điều trị ung thư và các bệnh hiếm gặp.

Để đạt được các mục tiêu nói trên, Sanofi đã công bố thành lập hai trung tâm dành riêng cho việc nghiên cứu và phát triển các dự án mới, trong đó một trung tâm được đặt ở Pháp tại chi nhánh Marcy-l’Etoile (Rhône), gần Lyon. Trung tâm này sẽ được hưởng lợi từ gói đầu tư trị giá 935 triệu euro được công bố ở trên.

Từ nay đến lúc đó, Sanofi sẽ tập trung vào việc cải tiến công nghệ, cụ thể là nghiên cứu về tính ổn định nhiệt của mRNA để có thể bảo quản nó trong tủ lạnh chứ không phải trong tủ đông. Ông Olivier Bogillot nhấn mạnh vẫn còn rất nhiều thách thức phía trước khi công nghệ mRNA chỉ mới ở giai đoạn sơ khai.

Để đáp ứng tất cả những thách thức này, tập đoàn dược phẩm số 1 của Pháp đang lên kế hoạch tuyển dụng lao động. Theo đó, gần 200 nhân viên sẽ được tuyển để bổ sung nguồn nhân lực cho nhà máy mới ở Neuville-sur-Saône và 140 nhân viên cho cơ sở Marcy-l'Etoile.

Việc Sanofi lựa chọn Pháp cho vị trí đứng đầu về công nghệ mRNA không phải là không có ý nghĩa. Điều này nhằm mục đích tái khẳng định sự gắn bó của họ tại Pháp, đồng thời là cơ hội cũng để khôi phục lại hình ảnh của tập đoàn sau thất bại trong cuộc chạy đua cho vaccine ngừa COVID-19./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục