Sắp có kết luận về việc rơi gối cầu cao su dự án metro Bến Thành – Suối Tiên

09:40' - 16/11/2021
BNEWS Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Tp. Hồ Chí Minh (chủ đầu tư) vừa có báo cáo sơ bộ gửi UBND Tp. Hồ Chí Minh về sự việc gối cầu bị rơi, chuyển vị khỏi đá kê gối thuộc gói thầu số 2 (CP2).

Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Tp. Hồ Chí Minh (chủ đầu tư) vừa có báo cáo sơ bộ gửi UBND Tp. Hồ Chí Minh về sự việc gối cầu bị rơi, chuyển vị khỏi đá kê gối thuộc gói thầu số 2 (CP2), dự án tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên.

Dự kiến, sau khi có đánh giá nguyên nhân của tư vấn độc lập bên thứ ba, chủ đầu tư và tư vấn chung NJPT sẽ có kết luận cuối cùng về vụ việc.

Căn cứ vào kết quả quan trắc định kỳ, báo cáo của Liên danh SCC (gói thầu CP2), nhà thầu Hitachi (gói thầu CP3), báo cáo sơ bộ của Tư vấn độc lập bên thứ ba (của Liên danh SCC), nguyên nhân sự việc được đánh giá theo 5 phương diện gồm: kỹ thuật của giao diện giữa gói thầu CP2 và CP3; thiết kế; vật liệu; thi công; tác động của đường ray.

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Tp. Hồ Chí Minh, căn cứ trên các kết quả quan trắc định kỳ, báo cáo của các bên, có thể kết luận sơ bộ nguyên nhân rơi gối cầu xoay quanh các nguyên nhân: giãn nở do chênh lệch nhiệt độ giữa các cấu kiện (dầm, ray); các sai số trong thi công dẫn đến ma sát không đảm bảo giữa bề mặt tiếp xúc (giữa gối cầu và bệ trụ); chất lượng của gối cầu. Do đó, cần phải tiến hành thêm việc quan trắc, thí nghiệm về chất lượng gối để đưa ra kết luận cuối cùng.

Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố cho biết, sau khi có kết quả cuối cùng về các thí nghiệm còn lại do Liên danh SCC thực hiện, tư vấn độc lập bên thứ ba sẽ có các đánh giá về các nguyên nhân của sự việc rơi, chuyển vị gối cầu cao su (dự kiến khoảng 15/12). Trên cơ sở đó, Ban Quản lý và Tư vấn NJPT sẽ đưa ra đánh giá và kết luận cuối cùng và đề xuất cho UBND thành phố hướng xử lý.

Sự việc trên bắt đầu xảy ra vào cuối tháng 10/2020 và sau đó kiểm tra phát hiện thêm một số vấn đề khác, với 1 vị trí trụ bị rơi gối cao su và 5 vị trí có chuyển vị gối cao su trong tổng số 900 trụ (chiếm 0,67%).

Cụ thể, rơi cầu cao su bản thép tại vị trí trụ P14-10, đoạn VD14; xô lệch, chuyển vị đáng kể (quá giá trị thiết kế cho phép) gối cầu cao su bản thép khỏi đá kê gối với giá trị 100mm tại trụ P12-34, đoạn VD12; xô lệch, chuyển vị nhẹ (trong thiết kế cho phép) với giá trị 7mm và 11mm tại vị trí trụ P9-05 thuộc đoạn VD9, trụ P11-06 thuộc đoạn VD11 và thêm một số vị trí chuyển vị nhẹ khác tại các trụ P14-19 và P15-14.

Cùng với 6 vị trí xảy ra sự việc rơi, chuyển vị gối cầu đã được khắc phục, hiện Liên danh SCC đã lắp đặt hệ thống chống chuyển vị cho khoảng 30 vị trí.

Đồng thời, dự kiến lắp đặt hệ thống này ở nhiều vị trí có khả năng dịch chuyển khác; lắp camera và quan trắc liên tục sự dịch chuyển của gối cầu và sự thay đổi bề rộng khe hở tại vị trí khe co giãn, đảm bảo nếu có bất kỳ sự thay đổi bất thường nào xảy ra thì sẽ có biện pháp can thiệp kịp thời.

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố, với các biện pháp tạm thời trên, đã đảm bảo hiện nay chưa có thêm bất cứ vị trí gối cao su dịch chuyển vượt quá giá trị giới hạn cho phép.

Cùng với đó, chủ đầu tư đang phối hợp chặt chẽ với tư vấn NJPT để giám sát tiến trình khắc phục sự việc và các thí nghiệm kiểm tra còn lại của nhà thầu.

Hiện Liên danh SCC đang tiến hành các thí nghiệm hiện trường (thí nghiệm siêu âm) để đánh giá mức độ tác động của các vết nứt xuất hiện ở các khu vực đầu dầm của các nhịp dầm chữ U và dự kiến báo cáo kết quả trong tháng 11/2021./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục