Sắp công bố thỏa thuận khí đốt tự nhiên hóa lỏng EU-Mỹ

15:56' - 25/03/2022
BNEWS EU và Mỹ sẽ công bố một thỏa thuận trong ngày 25/3, qua đó châu Âu sẽ nhận được nhiều khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ.

Hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) dẫn các nguồn tin cho hay Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ sẽ công bố một thỏa thuận trong ngày 25/3, qua đó châu Âu sẽ nhận được nhiều khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ trong bối cảnh khối này tìm cách nhanh chóng hạn chế sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.
Căng thẳng Nga-Ukraine đã đẩy giá năng lượng vốn đã cao lên mức kỷ lục và buộc EU phải cắt giảm sử dụng 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga trong năm nay bằng cách tăng cường nhập khẩu từ các nước khác và nhanh chóng phát triển năng lượng tái tạo.
Các nguồn thạo tin cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden, khi tham dự hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU tại Brussels hôm 24/3, đã cam kết Mỹ sẽ cung cấp ít nhất 15 tỷ m3 khí LNG cho châu Âu trong năm nay so với kế hoạch trước đó. Một trong những nguồn tin này cho biết thêm, thỏa thuận cũng sẽ bao gồm xuất khẩu LNG của Mỹ sang EU cao hơn vào năm 2023.
Nga là nhà cung cấp khí đốt hàng đầu của EU, xuất khẩu tổng cộng 155 tỷ m3 khí đốt sang EU vào năm 2021. Phần lớn trong số đó đi qua các đường ống dẫn dầu và 15 tỷ m3 khí là LNG.
Xuất khẩu LNG của Mỹ sang EU đạt 22 tỷ m3 khí trong năm 2021. Các nhà xuất khẩu của Mỹ đã vận chuyển khối lượng LNG kỷ lục đến châu Âu trong ba tháng liên tiếp, do giá đã tăng hơn 10 lần so với một năm trước, cùng với những người mua châu Âu và châu Á cạnh tranh vì nguồn cung thắt chặt.
Ngày 24/3, Nga thông báo các nước "không thân thiện", bao gồm cả các nước thành viên EU, phải bắt đầu thanh toán bằng đồng ruble cho dầu và khí đốt của Nga. Điều này làm gia tăng lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt của châu Âu.

Các nhà lãnh đạo EU dự kiến sẽ nhất trí vào ngày 25/3 để kịp mua khí đốt, LNG và hydro trước mùa Đông tới, cũng như chuẩn bị “lấp đầy” các kho dự trữ khí đốt.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều nước chia rẽ về việc có nên áp lệnh trừng phạt trực tiếp dầu khí của Nga hay không, sau khi Mỹ tiến hành áp đặt trừng phạt dầu Nga. Một lệnh cấm vận của EU sẽ cần có sự chấp thuận của tất cả 27 quốc gia thành viên.

Hiện Đức, quốc gia nhập khẩu 18% lượng khí đốt từ Nga, và Hungary nằm trong số những nước phản đối áp trừng phạt, do lo ngại thiệt hại kinh tế mà lệnh cấm vận dầu mỏ sẽ gây ra.
Trong khi đó, Latvia và Ba Lan nằm trong số những nước đang tìm cách ngăn chặn hàng trăm triệu euro “chảy vào túi Nga” mỗi ngày để mua nhiên liệu hóa thạch.
Tây Ban Nha, Bỉ, Italy, Hy Lạp và Bồ Đào Nha đề xuất giới hạn giá năng lượng và tách riêng giá điện và khí đốt để kiềm chế hóa đơn tiêu dùng.
Các quốc gia khác cảnh báo việc giới hạn giá bán buôn sẽ gây ra nhiều vấn đề và làm chậm nỗ lực chuyển sang năng lượng xanh. Mọi quyết định của EU có thể sẽ bị trì hoãn cho đến khi có báo cáo từ các cơ quan quản lý năng lượng về cải cách thị trường điện của EU trong tháng này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục