Sắp diễn ra diễn đàn quốc tế chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam 2021

12:06' - 10/09/2021
BNEWS Đây là lần đầu tiên một diễn đàn nông nghiệp với quy mô lớn tại Việt Nam áp dụng công nghệ thực tế ảo.

Sáng 10/9, buổi họp báo “Diễn đàn quốc tế chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam 2021” do Bộ Ngoại giao, Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) và Báo điện tử VnExpress phối hợp tổ chức.

Trong “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2035” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nông nghiệp là một trong số các ngành, lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

"Diễn đàn quốc tế chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam 2021" được tổ chức nhằm thảo luận các vấn đề then chốt, chiến lược về nông nghiệp Việt Nam đặt trong bối cảnh khu vực và thế giới.

Đặc biệt là kiến tạo cơ hội tiếp cận những mô hình công nghệ hiện đại, những kinh nghiệm số hóa và làm sao để tiếp cận thị trường hiệu quả hơn cho nông sản Việt vươn ra thế giới.

Ông Trần Thanh Huân - Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao cho biết, trong thu hút đầu tư nước ngoài, các chính sách đều có ưu tiên thu hút đầu tư công nghệ cao trong sản xuất, chế biến nông sản. Đây cũng là nội hàm của chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Việt Nam cũng đã thiết lập đối tác chiến lược với một số nước về nông nghiệp để có thể chuyển đổi, ứng dụng những công nghệ cao. Tại diễn đàn sắp tới sẽ có những chuyên gia hàng đầu từ các nước như Nhật Bản, Israel…  chia sẻ về những công nghệ trong quản lý, sản xuất. Qua đây hi vọng các kinh nghiệm của các nước sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam mạnh mẽ chuyển đổi số.

Với chủ đề “Bắt kịp các xu thế thị trường, phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch và hậu đại dịch COVID-19”, diễn đàn sẽ tổ chức các hoạt động đối thoại chính sách công - tư giữa Chính phủ và khu vực tư nhân nhằm triển khai nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.

Qua đây cũng đưa ra giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và định hình chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam đến năm 2035 cũng như các chương trình hành động để đưa Việt Nam trở thành một cường quốc về nông nghiệp số trên thế giới. Diễn đàn cũng giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ thuộc ngành nông nghiệp tới các đối tác, khách hàng trong và ngoài nước.

Diễn đàn sẽ chính thức được tổ chức vào ngày 16/9 với hai phiên chuyên đề và một phiên toàn thể, được phát sóng trên Báo điện tử VnExpress. Hai phiên chuyên đề với chủ đề “Hoàn thiện hệ sinh thái cho chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam” và “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu số hóa nông nghiệp Việt Nam” có sự tham gia của các chuyên gia và doanh nghiệp trong nước và quốc tế, nhằm thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất hướng đi và giải pháp để hướng tới mục tiêu chuyển đổi số cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

Cũng trong ngày 16/9, phiên toàn thể với chủ đề “Bắt kịp các xu thế thị trường, phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch và hậu đại dịch COVID-19” có sự tham dự của các bộ, ngành, doanh nghiệp, tập đoàn lớn, hiệp hội, tổ chức quốc tế và chuyên gia trong và ngoài nước.

Tại đây, các đại biểu sẽ cùng bàn luận về những khó khăn và thuận lợi khi chuyển đổi số tại Việt Nam; các cơ hội bứt phá cho nông nghiệp Việt Nam, từ đó đưa ra giải pháp và nguồn lực cho nông nghiệp số Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên một diễn đàn nông nghiệp với quy mô lớn tại Việt Nam áp dụng công nghệ thực tế ảo. Đại biểu khi đăng ký tham dự sẽ được trải nghiệm không gian hội nghị ảo với các tính năng như: check-in chụp ảnh kỷ niệm tại khu vực photobooth của chương trình, nhận hướng dẫn và tài liệu tại khu vực lễ tân, tham gia trực tiếp chương trình và đặt câu hỏi cho các diễn giả, trao đổi với các đại biểu khác cùng tham gia chương trình….

Nhờ sự hỗ trợ của những tính năng hiện đại này, người tham gia có thể tiếp cận với hình thức “hội nghị ảo - trải nghiệm thực”, dù không đến trực tiếp địa điểm tổ chức nhưng vẫn có thể theo dõi và tham gia mọi hoạt động trong diễn đàn.

Ngoài ra, trong khuôn khổ diễn đàn, một số hoạt động hấp dẫn khác cũng được tổ chức trên nền tảng trực tuyến như chuỗi tọa đàm xoay quanh chủ đề kinh tế nông nghiệp nhằm đi tìm lời giải cho các bài toán chính sách hiện đại hóa nền nông nghiệp theo hướng số hóa, tìm kiếm giải pháp bền vững để tối ưu hóa các thị trường truyền thống.

Bên cạnh đó, Triển lãm quốc tế thực tế ảo nông nghiệp Việt Nam cũng là một trong những hoạt động nổi bật của diễn đàn khi tiên phong áp dụng công nghệ thực tế ảo. Sau hơn hai tháng khởi động, triển lãm đã nhận được sự quan tâm và hưởng ứng của rất nhiều đơn vị trong lĩnh vực nông nghiệp, với 200.000 lượt tham quan gian hàng, hàng trăm lượt đăng ký mở gian hàng tại triển lãm.

Trong thời gian sắp tới, triển lãm cũng đón nhận các gian hàng từ địa phương và một số đại diện quốc tế khác, nhằm mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa các bên.

Ông Thân Văn Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) cho biết, hiện các doanh nghiệp trong nông nghiệp đang đẩy mạnh áp dụng các công nghệ, phần mềm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh các mặt hàng nông sản. Trong chuyển đổi số, hiện có nhiều phần mềm ứng dụng tiện ích có thể giúp doanh nghiệp trong việc truy xuất nguồn gốc, số hóa các quy trình trong sản xuất, kinh doanh…

Tuy nhiên, khó khăn trong chuyển đổi số của các doanh nghiệp nông nghiệp Việt là việc đầu tư còn hạn chế vì nguồn lực cả về tài chính và nhân lực doanh nghiệp yếu, công nghệ mới nên cần phải trải nghiệm. Không chỉ nông dân mà cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có sự trải nghiệm thì mới dám mạnh dạn ứng dụng.

Với vai trò cầu nối, Thân Văn Hùng cho biết, Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam tiếp tục có những định hướng, hướng dẫn doanh nghiệp đến với chuyển đổi số qua các buổi hội thảo, hội nghị, diễn đàn…

Qua đây, các doanh nghiệp công nghệ sẽ giới thiệu các ứng dụng công nghệ với doanh nghiệp trong sản xuất, quy trình kinh doanh, hay đơn giản từ việc giảm bớt các văn bản giấy tờ truyền thống bằng các ứng dụng điện tử…

Trong tình hình dịch COVID-19, việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất kinh doanh càng được doanh nghiệp quan tâm. Hi vọng qua các ứng dụng phần mềm về thương mại, truy xuất nguồn gốc, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường… sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí, đầu tư hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục