Sau quyết định chính sách lịch sử, BoJ sẽ kéo chậm quá trình tăng lãi suất

11:32' - 28/03/2024
BNEWS Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) nhận thấy cần phải chậm rãi thắt chặt chính sách tiền tệ nới lỏng của mình khi nền kinh tế không đủ “khỏe” để BoJ có thể tăng lãi suất nhanh chóng.

Một bản tóm tắt cuộc họp gần nhất của BoJ cho thấy khi đưa ra quyết định lịch sử vào tuần trước nhằm chấm dứt chính sách lãi suất âm, hội đồng quản trị đã bị chia rẽ về việc liệu nền kinh tế có đủ mạnh để chịu được sự thay đổi này hay không.

Các ý kiến trong biên bản tóm tắt cuộc họp nhấn mạnh ưu tiên của BoJ là tăng lãi suất chậm trong tương lai. Điều đó có thể khiến đồng yen Nhật chịu thêm áp lực khi các nhà đầu tư tập trung vào khoảng cách vẫn khá lớn giữa lãi suất tại Mỹ và Nhật Bản.

 

Một thành viên cho biết ngay cả khi chấm dứt chính sách lãi suất âm, BoJ vẫn cần duy trì lập trường thận trọng. Một thành viên khác cho biết điều quan trọng là phải truyền đạt rõ ràng rằng những thay đổi chính sách được đề xuất không phải theo hướng thắt chặt tiền tệ, mà là nỗ lực để đạt được mục tiêu giá cả của BoJ.

Tại cuộc họp, một số nhà hoạch định chính sách cho biết dữ liệu gần đây - chẳng hạn như các đợt tăng lương khá cao của các công ty lớn – củng cố cho việc chấm dứt chính sách tiền tệ siêu nới lỏng. Họ cũng nhận định việc duy trì mục tiêu lạm phát 2% đã trong tầm mắt.

Nhưng một số thành viên khác kêu gọi xem xét kỹ lưỡng liệu việc tăng lương có lan sang các công ty quy mô nhỏ hơn hay không, bên cạnh mức độ kỳ vọng về chi phí lao động tăng đang đẩy giá dịch vụ lên cao.

Bản tóm tắt cho thấy, một thành viên phản đối việc chấm dứt đồng thời việc kiểm soát đường cong lợi suất và lãi suất âm. Người này nhấn BoJ cần phải tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế bằng cách giữ lãi suất vay ở mức thấp.

Ngay cả những người ủng hộ việc chấm dứt chính sách tiền tệ siêu nới lỏng cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tiến hành quá trình này một cách thận trọng. Trong đó, một thành viên nói rằng BoJ có thể "dành nhiều thời gian và di chuyển chậm nhưng chắc chắn" để hướng tới bình thường hóa chính sách.

BoJ đã chấm dứt 8 năm lãi suất âm của mình vào tuần trước, tạo ra một sự thay đổi mang tính bước ngoặt sau khi ngân hàng trung ương này đã dành nhiều thập kỷ sử dụng các biện pháp kích thích tiền tệ quy mô lớn để thúc đẩy tăng trưởng.

Bất chấp việc tăng lãi suất, đồng yen vẫn giảm xuống mức thấp nhất trong ba thập kỷ so với đồng USD. Diễn biến này chủ yếu do thị trường nhận định BoJ sẽ mất thời gian để tăng lãi suất trở lại, khiến mức chênh lệnh lớn giữa lãi suất tại Mỹ và Nhật Bản khó sớm thu hẹp.

Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc hợp lý hóa các khoản tài chính sau khi BoJ chấm dứt chính sách lãi suất âm do các khoản thanh toán lãi trái phiếu của nước này có khả năng tăng gấp ba lần trong thập kỷ tới.

Văn phòng Nội các Nhật Bản dự đoán trong kịch bản tăng trưởng cao, lãi suất dài hạn danh nghĩa của Nhật Bản sẽ tăng từ mức 0,6% trong năm tài chính 2023 (kết thúc vào tháng 3/2024) lên 1,5% trong năm tài chính 2028. Khi đó khoản thanh toán lãi hàng năm tăng khoảng 50% lên 11.500 tỷ yen (76,2 tỷ USD) từ mức 7.600 tỷ yen cho năm tài chính hiện tại.

Cũng theo kịch bản này, lãi suất dài hạn sẽ đạt 3,4% trong năm tài chính 2033, nâng mức thanh toán lãi lên 22.600 tỷ yen.

Trái phiếu chính phủ đáo hạn phần lớn được tái cấp vốn thông qua phát hành trái phiếu mới. Lãi suất cao hơn có nghĩa chi phí trả lãi và tiền vay gốc các trái phiếu mới này cũng nhiều hơn, từ đó làm giảm khả năng đầu tư của chính phủ vào tăng trưởng trong tương lai.

Việc đảm bảo rằng có thể tìm được những người mua đáng tin cậy cho những trái phiếu này là một mối quan tâm khác.

BoJ đã chi hơn 130.000 tỷ yen mua trái phiếu Chính phủ Nhật Bản trong năm tài chính 2022. Con số này có thể giảm do ngân hàng cũng đã từ bỏ chính sách kiểm soát đường cong lợi suất, vốn nhằm mục đích giữ lợi suất 10 năm của trái phiếu chính phủ Nhật Bản ở mức khoảng 0%.

Theo dữ liệu của BoJ, ngân hàng này đã nắm giữ 574.000 tỷ yen trái phiếu chính phủ tính đến cuối tháng 9/2023, tương đương 53,9%. Trong khi đó, các nhà đầu tư tổ chức Nhật Bản như ngân hàng và công ty bảo hiểm nắm giữ 29,9%.

Ông Chotaro Morita, chiến lược gia trưởng tại công ty quản lý tài chính All Nippon Asset Management, cho biết BoJ có thể giảm quy mô mua trái phiếu trước khi thực hiện một đợt tăng lãi suất khác.

Một quan chức của Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết câu hỏi lớn là ai sẽ mua trái phiếu chính phủ khi BoJ bắt đầu giảm lượng nắm giữ. Một quan chức khác cho hay các nhà đầu tư tổ chức trong nước có thể đổ xô trở lại với tài sản này, khi lãi suất về lại vùng dương.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục