Saudi Arabia - “trọng tâm” trong chính sách đối ngoại của Mỹ?

06:30' - 24/12/2018
BNEWS Giới quan sát dự đoán Saudi Arabia sẽ vẫn là đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại Trung Đông bởi Riyadh nằm trong “trọng tâm và cốt lõi” chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Donald Trump năm 2019.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al Saud. Ảnh: AFP/TTXVN
Trang mạng Arab News mới đây đăng những phân tích, đánh giá của nhiều chuyên gia tham dự Diễn đàn Chiến lược Arập lần thứ 11 ở thủ đô Dubai của Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE). Sự kiện quy tụ những chính trị gia, nhà kinh tế và phân tích chiến lược hàng đầu thế giới, thảo luận và dự báo về môi trường địa-chính trị thế giới năm 2019, các kịch bản an ninh và xã hội, đồng thời hoạch định những giải pháp để giúp khu vực sẵn sàng đối phó với những thách thức trong tương lai.

Tại diễn đàn, các diễn giả đã thảo luận về mối quan hệ không thay đổi giữa Mỹ và Saudi Arabia trong 12 tháng tới. Họ cho rằng quan điểm của Tổng thống Trump - luôn coi Riyadh là một đồng minh - không thể lay chuyển do những lợi ích khu vực chung, bao gồm phối hợp với Mỹ trong xử lý vấn đề Iran, tiến trình hòa bình Israel-Palestine và những biến động trên thị trường dầu mỏ.

Trong phiên thảo luận với chủ đề “Tình hình Chính trị thế giới 2019”, Giáo sư Quan hệ quốc tế tại Trường Kinh tế London Fawaz Gerges đánh giá: "Chính quyền Trump đã phải đấu tranh rất gay gắt để đưa mối quan hệ với Saudi Arabia vượt ra ngoài khuôn khổ vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại. Mỹ đã phát đi một thông điệp rất rõ ràng rằng họ muốn tập trung vào các mối quan tâm khác như tiến trình hòa bình Israel-Palestine, giải quyết vấn đề Iran, thị trường dầu mỏ…". 

Tổng thống Trump đã rất rõ ràng khi khẳng định Saudi Arabia nằm trong “trọng tâm và cốt lõi” chính sách đối ngoại của Mỹ. Bất chấp những sức ép rất lớn yêu cầu Mỹ phải có những bước đi mạnh mẽ hơn đối với Saudi Arabia, sự thực là cho đến nay Tổng thống Trump vẫn không lắng nghe những chỉ trích nhằm vào Riyadh. Ông Trump cũng nhấn mạnh rằng chừng nào còn giữ cương vị tổng thống thì mối quan hệ của Mỹ với Saudi Arabia sẽ không thay đổi.

Trong khi đó, Bernardino Leon - Giám đốc Học viện Ngoại giao Emirates - cho rằng có 2 khía cạnh tồn tại, đó là môi trường chính trị nội bộ nước Mỹ và chính sách đối ngoại. Chính sách đối ngoại được Chính phủ Mỹ quyết định - đó là nguyên tắc không thể phủ nhận. 

Vì thế, nếu nhìn vào quan hệ Mỹ-Saudi Arabia từ trước đến nay có thể thấy Riyadh đã và luôn là đồng minh chủ chốt của Mỹ trong khu vực. Quốc hội Mỹ có thể yêu cầu sự minh bạch và những thông tin rõ ràng xung quanh cái chết của nhà báo Khashoggi. Tuy nhiên, sẽ không có bất kỳ thay đổi cấu trúc nào trong mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Saudi Arabia. 

Chia sẻ quan điểm trên, cựu cố vấn đặc biệt dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama, Dennis Ross cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nếu Tổng thống Trump phủ quyết bất kỳ quyết định trừng phạt nào đối với Saudi Arabia thì sẽ rất khó để Quốc hội Mỹ đảo ngược được tình thế đó. 

Trên thực tế, hầu hết sức ép đối với chính quyền liên bang hiện nằm trong cuộc điều tra về mối quan hệ giữa ông Trump và Nga. Nhận định về quan hệ Mỹ-Trung Đông năm 2019, ông Ross đánh giá Mỹ sẽ tiếp tục duy trì lợi ích “bất di bất dịch” trong các hoạt động tại Trung Đông. 

Một phiên hội thảo quan trọng khác tại Diễn đàn Chiến lược Arập là “Thảo luận về các xu hướng nổi lên trong năm 2019”, trong đó đánh giá về các kịch bản kinh tế thế giới, quan hệ của Saudi Arabia với khu vực, quốc tế và những dự báo cho năm tới. 

Chủ tịch kiêm nhà sáng lập Công ty tư vấn rủi ro địa chính trị Eurasia Group - Tiến sỹ Ian Bremmer - nhận định rằng năm 2019 có thể chưa phải chứng kiến bất kỳ cuộc khủng hoảng kinh tế thực sự nào. Tuy nhiên, thế giới có thể đứng trước một cuộc suy thoái kinh tế mạnh vào năm 2020. 

Không giống như sự đồng thuận mà nhiều nền kinh tế chủ chốt trên thế giới đạt được để cùng nhau giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008-2009, bối cảnh địa-chính trị đầy bất trắc và chủ nghĩa đơn phương trỗi dậy hiện nay đồng nghĩa với việc thế giới khó có thể phục hồi dễ dàng nếu khủng hoảng kinh tế nổ ra.

Bên cạnh đó, thế giới có thể chứng kiến “cuộc chơi đổ lỗi” khi các quốc gia thay vì cố gắng tìm ra giải pháp thì lại quay ra đổ lỗi cho nhau. Bức tranh địa chính trị thế giới thời gian qua ghi nhận hàng loạt sự kiện đáng chú ý như những bế tắc trong đàm phán Brexit, phong trào “Áo vàng” tại Pháp, sự thoái trào của “triều đại Angela Merkel” ở Đức, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung hay những trừng phạt gần đây của Mỹ nhằm vào Iran. 

Phiên thảo luận cũng ghi nhận những bình luận của các diễn giả về động thái của Iran trong năm 2019 và việc quốc gia Hồi giáo này có thể giải quyết được những sức ép nội tại khi tăng trưởng kinh tế suy giảm hay không. 

Đánh giá về vai trò đang gia tăng của Trung Quốc, giới chuyên gia cho rằng Mỹ và Trung Quốc là hai đối trọng, những căng thẳng thương mại song phương có thể vẫn tồn tại song sẽ không leo thang thêm nữa do bản chất tự nhiên của các thị trường kinh tế toàn cầu. 

Trong phiên thảo luận về “Kinh tế thế giới Arập năm 2019”, Tiến sỹ Nasser Saidi - cựu Bộ trưởng Thương mại và Kinh tế Lebanon - và Tiến sỹ Mahmoud Mohieldin, Phó Chủ tịch cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB), cho rằng các quốc gia vùng Vịnh cần chuẩn bị cho kịch bản giá dầu thấp trong dài hạn và tăng trưởng kinh tế yếu hơn kỳ vọng. 

Những dấu hiệu căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 chậm lại là 2 nhân tố có thể tác động tới nhu cầu dầu mỏ thế giới. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh gay gắt giữa dầu đá phiến và các nguồn năng lượng tái sinh cũng sẽ đẩy giá dầu xuống thấp hơn. Điều này được dự báo sẽ tác động đáng kể tới tăng trưởng của toàn bộ khu vực vùng Vịnh năm 2019./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục