SCIC sẽ bán 9% vốn cổ phần của Vinamilk trong năm 2016

21:46' - 23/09/2016
BNEWS Trong năm 2016, SCIC sẽ thoái vốn và bán 9% trong tổng số cổ phần mà SCIC đang nắm giữ tại Vinamilk. 9 doanh nghiệp còn lại sẽ được SCIC lên kế hoạch thoái vốn trong năm 2017.
SCIC sẽ tiến hành thoái 9% vốn cổ phần của Vinamilk trong năm 2016. Ảnh: Vinamilk

Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), ông Nguyễn Đức Chi đã chính thức thông tin với báo chí về kế hoạch thoái vốn và bán cổ phần của SCIC tại 10 doanh nghiệp mà SCIC đang làm đại diện vốn chủ sở hữu Nhà nước.

Ông Chi cho biết, tổng giá trị vốn hóa của SCIC tại 10 doanh nghiệp hiện khoảng 100.000 tỷ đồng; trong đó, giá trị vốn hóa của riêng Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) chiếm tới 90%.

Trong năm 2016, SCIC sẽ thoái vốn và bán 9% trong tổng số cổ phần mà SCIC đang nắm giữ tại Vinamilk. 9 doanh nghiệp còn lại sẽ được SCIC lên kế hoạch thoái vốn trong năm 2017.

Đây là vấn đề đang được xã hội, người dân hết sức quan tâm, đặc biệt là sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với chủ trương đẩy mạnh tiến trình tái cấu trúc, đổi mới hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước, đồng thời thoái phần vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ….

Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV SCIC. Ảnh: Thạch Huê/BNEWS

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Đức Chi nêu cụ thể kế hoạch thực hiện, lộ trình triển khai, việc tổ chức lựa chọn tư vấn, quan điểm lựa chọn nhà đầu tư và các vấn đề liên quan tới việc xác định giá trị doanh nghiệp, định giá cổ phiếu, phương thức bán cổ phần và cách thức bảo toàn các thương hiệu sau khi bán vốn.

Hiện tại, SCIC đang tích cực triển khai các công tác chuẩn bị. Từ nay tới cuối tháng 9, Tổng công ty sẽ thực hiện việc lựa chọn tư vấn một cách công khai, minh bạch. Đó có thể là tư vấn trong nước hay nước ngoài. Nếu đơn vị nào có đủ điều kiện sẽ được lựa chọn để đảm đương toàn bộ quá trình tư vấn. Nếu không, SCIC có thể sẽ thuê một liên danh tư vấn.

Danh sách các nhà tư vấn hiện có một số đơn vị như Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI); Công ty cổ phần chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC); Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt (BVSC) hay một số tập đoàn tư vấn quốc tế như Credit Suisse; Morgan Stanley…

Sau khi tiến trình tư vấn được hoàn tất, SCIC sẽ triển khai thoái vốn ngay; đồng thời, căn cứ vào tình hình thị trường và kết quả hoạt động của doanh nghiệp, SCIC sẽ ấn định mức giá sàn để tổ chức đấu giá và bán cổ phần, theo phương thức chia lô, chào bán cạnh tranh và đạt được mức giá bán cao nhất có thể, ông Chi nhấn mạnh.

Ông Chi cũng khẳng định, việc rút vốn sẽ được thực hiện công khai, minh bạch. Tuy nhiên cần phải có lộ trình và trật tự, để không chỉ đảm bảo hiệu quả nhất giá trị tài sản của Nhà nước, mà còn phải giữ cho hoạt động của doanh nghiệp được phát triển ổn định và tình trạng cân bằng của thị trường vốn.

Việc mở bán cổ phần cũng sẽ được SCIC tiến hành công khai, đảm bảo các nguyên tắc của thị trường; đồng thời tổ chức roadshow cả ở trong nước và quốc tế, với quan điểm: không giới hạn các nhà đầu tư; không lựa chọn nhà đầu tư chiến lược; mọi nhà đầu tư ở trong nước và nước ngoài; là tổ chức hay cá nhân nếu đủ điều kiện và nguồn tài chính đều có thể tham gia đấu giá.

10 doanh nghiệp sẽ được SCIC lên kế hoạch thoái vốn bao gồm: Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh; Tổng công ty cổ phần tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam; Công ty cổ phần cơ khí và khoáng sản Hà Giang; Công ty cổ phần nhựa Thiếu niên Tiền phong; Công ty cổ phần hạ tầng và bất động sản Việt Nam; Công ty cổ phần nhựa Bình Minh; Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Sa Giang; Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk); Công ty cổ phần FPT; Công ty cổ phần viễn thông FPT. ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục