Sẽ tiếp tục tăng ưu đãi lãi suất với gói tín dụng cho nhà ở xã hội

19:14' - 07/09/2024
BNEWS Từ tháng 4 trở đi, tăng trưởng tín dụng khá tích cực và tăng trưởng trong tháng 7, tháng 8 tích cực hơn.
Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 7/9, trả lời câu hỏi về về khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 15%, trong khi cuối tháng 8 là mới chỉ đạt 6,63%, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, số liệu theo báo cáo chung đạt 6,63% là chỉ tính đến 26/8, nhưng con số đến sáng nay, báo cáo tại cuộc họp Chính phủ là 7,75%. Như vậy, mục tiêu cả năm đặt ra là khoảng 15% có điều chỉnh theo các yêu cầu thực tế tới thời điểm cuối năm và đến thời điểm này đã đạt được 7,75%.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, những tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng âm, có thời điểm âm tới 2% trong 3 tháng đầu năm. Từ tháng 4 trở đi, tăng trưởng tín dụng khá tích cực và tăng trưởng trong tháng 7, tháng 8 tích cực hơn. Thời điểm này của năm 2023 mới đạt 5,33% và cuối năm vẫn đạt được con số mục tiêu đặt ra là 13,71%.

 
“Năm nay, với tốc độ cũng như xu hướng chung của nền kinh tế và đặc biệt là so với trước kia, tình hình khởi sắc rất nhiều, tốc độ tăng trưởng trên tất cả các mục được đánh giá là rất tích cực, chúng tôi tin rằng có khả năng đạt được 15%” , Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 15% là con số định hướng trong điều hành, không phải con số áp đặt và quan trọng nhất là tập trung tăng trưởng tín dụng, tức là mở rộng đầu tư để góp phần tăng trưởng nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước ngay từ đầu năm đã ra hàng loạt giải pháp tích cực với kinh nghiệm từ những năm trước cũng như biện pháp của riêng năm nay.

Theo đó, việc phân bổ và tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các tổ chức tín dụng ngay từ cuối năm 2023 đã phân bổ hết chỉ tiêu 15% cho các ngân hàng để các ngân hàng thương mại chủ động trong cấp tín dụng.

Tiếp theo, Ngân hàng Nhà nước đã từng bước hạ lãi suất và theo số liệu hiện nay, lãi suất đã giảm khá tích cực. Cụ thể, lãi suất hiện nay cho vay những khoản mới trung bình là 6,23%, giảm 0,86% so với cuối năm 2023. Lãi suất huy động là 3,84%, tăng 0,23%, ở mức nhỏ với một số ngân hàng thương mại nhỏ.

“Có thể nói lãi suất huy động tăng nhưng lãi suất cho vay giảm, điều đó cũng đồng nghĩa các ngân hàng thương mại đã chia sẻ với doanh nghiệp rất nhiều. Mặc dù tiền gửi tăng lên để trả lãi suất cao hơn cho người gửi nhưng tiền cho vay lại giảm thì chênh lệch đầu vào đầu ra sẽ thu hẹp”, Phó Thống đốc bày tỏ.

Bên cạnh đó, tỷ giá hiện rất ổn định; mức mất giá của đồng tiền đến nay mới chỉ 1,5%, thấp hơn rất nhiều so với các nước khác. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì tỉ giá ổn định, hợp lý và thu hút được vốn đầu tư của nước ngoài.

Cũng theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, thanh khoản cho nền kinh tế và thanh khoản các tổ chức tín dụng đồng thời giảm, tức là khả năng cho vay của các ngân hàng thương mại hiện nay, kể cả room tín dụng cũng như nguồn lực, nguồn vốn thanh khoản, đều đủ cho nhu cầu vốn tín dụng. Quan trọng lúc này là khả năng hấp thụ nhu cầu vốn vay. Nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh. Ngoài ra, còn nhiều chính sách giải pháp vĩ mô khác đồng hành để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hấp thụ vốn tín dụng.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, các hội nghị kết nối của tất cả 63 tỉnh, thành phố, các chính sách tín dụng ưu đãi, các chính sách tín dụng trong chương trình mục tiêu đều được triển khai rất quyết liệt. Về cơ chế chính sách, sau khi thực hiện Luật Tổ chức tín dụng mới, Ngân hàng Nhà nước đã tinh gọn rất nhiều thủ tục, điều kiện cho các ngân hàng thương mại có căn cứ pháp lý để đẩy mạnh việc cho vay. Một phần nữa là ứng dụng công nghệ trong hoạt động tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho cả người vay cũng như người cho vay.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn và tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại, cũng như yêu cầu các ngân hàng thương mại tập trung hơn nữa vào những lĩnh vực trọng tâm, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Với những gói tín dụng ưu đãi như gói 140 nghìn tỷ đồng (có 4 ngân hàng thương mại đăng ký thêm) cũng như gói cho xuất khẩu thủy hải sản đã giải ngân 36 nghìn tỷ đồng (vượt con số dự kiến 30 nghìn tỷ đồng). Sáng nay, Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo chung và Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tăng số dư của gói này lên dự kiến từ 50 - 60 nghìn tỷ đồng.

Với gói tín dụng cho nhà ở xã hội 140 nghìn tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục tăng ưu đãi với lãi suất sẽ giảm bớt. Nếu như trước đây là 2% thì nay giảm thêm 1% nữa thành 3% với thời hạn kéo dài từ 5 năm lên 10 năm để giúp người mua nhà có điều kiện tiếp cận cũng như giải ngân tích cực gói này.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định: Với con số dư nợ tín dụng tới thời điểm hiện nay, bằng những chính sách của ngành cũng như chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự đồng bộ chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, Ngân hàng Nhà nước hy vọng cuối năm nay mức tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục góp phần cho việc đạt được mục tiêu tăng trưởng nền kinh tế từ 6,5-7%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục