ShopeePay dẫn đầu thị trường ví điện tử Indonesia

15:43' - 16/05/2021
BNEWS Sự trỗi dậy của ShopeePay là nhờ danh tiếng ngày càng tăng của Shopee trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy mọi người mua sắm trực tuyến. 

Dù mới xuất hiện trong lĩnh vực thanh toán kỹ thuật số tại Indonesia, ShopeePay - ví điện tử của sàn giao dịch trực tuyến Shopee - đã vươn lên dẫn đầu nhờ sự bùng nổ thương mại điện tử trong thời kỳ đại dịch COVID-19.
Được thành lập vào năm 2018, ShopeePay hiện chiếm phần lớn thị phần ví kỹ thuật số tại Indonesia bằng các chiến dịch giảm giá mạnh tay và ưu đãi hoàn tiền hấp dẫn.
Kết quả khảo sát do công ty nghiên cứu thị trường NeuroSensum tiến hành từ tháng 11/2020 đến tháng 1/2021 cho thấy ShopeePay có mức thâm nhập thị trường cao nhất với 68%, vượt trội so với các ví điện tử khác như OVO (62%), DANA (54%), GoPay (53%) và LinkAja (23%). Trong đó, GoPay và OVO đã có mặt tại thị trường Indonesia lần lượt từ năm 2016 và 2017.
Giám đốc nghiên cứu của Neurosensum Indonesia, bà Tika Widyaningtyas, cho biết: “ShopeePay đã nhanh chóng trở thành giải pháp thanh toán kỹ thuật số yêu thích của người dùng. Điều này khiến ShopeePay trở thành đối thủ nặng ký đối với các ví điện tử khác trên thị trường”.
Bà Tika cho hay thành công của ShopeePay là nhờ vào giao diện của nền tảng và trải nghiệm người dùng thông minh, đơn giản, dễ sử dụng và việc đẩy mạnh các chiến dịch khuyến mãi hấp dẫn cho cả người tiêu dùng trực tuyến lẫn ngoại tuyến.
Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ thương mại điện tử và thanh toán không tiếp xúc tại Indonesia. Trước các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại, nhiều người đã chọn giao dịch trực tuyến, từ mua sắm đến thanh toán hóa đơn.
Công ty tư vấn Redseer Đông Nam Á ghi nhận số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ trực tuyến tại Indonesia tăng từ mức 75 triệu lên 85 triệu người, với tổng giá trị giao dịch hàng hóa (GMV) ước đạt 40 tỷ USD trong năm 2020, cao thứ ba trên thế giới.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) dự báo giao dịch kỹ thuật số sẽ đạt tăng trưởng kỷ lục hai con số trong năm nay, với sự tăng tốc đáng chú ý của các giao dịch ngân hàng kỹ thuật số và thương mại điện tử. Giá trị của các giao dịch thương mại điện tử trong năm nay dự kiến sẽ tăng 33,2% so với năm trước lên mức 337.000 tỷ rupiah (24 tỷ USD).
Bà Cindy Candiawan, người đứng đầu bộ phận chiến dịch và tăng trưởng marketing của ShopeePay Indonesia, cho hay: “Trọng tâm của chúng tôi hiện nay là thúc đẩy ứng dụng thanh toán kỹ thuật số cho người dùng trực tuyến và ngoại tuyến, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch khi thanh toán không tiếp xúc đã trở thành thiết yếu”.
Chuyên gia kinh tế Nailul Huda thuộc Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính (INDEF) cho rằng việc ShopeePay đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi là nhờ vào kết quả các đợt huy động vốn của công ty mẹ Sea Group kể từ đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào năm 2017.
ShopeePay là sản phẩm thanh toán của SeaMoney - nhánh dịch vụ tài chính và thanh toán kỹ thuật số của công ty công nghệ Sea Group của Singapore. Năm ngoái, tập đoàn này đã ghi nhận lợi nhuận gộp 1,3 tỷ USD. Do đó, ShopeePay có đủ nguồn lực để tiếp tục tung ra hàng loạt chiến dịch ưu đãi hoàn tiền và giảm giá mới.
Ông Nailul cho rằng các ví điện tử khác khó đuổi kịp thành công của ShopeePay và chiến lược mà các đối thủ cạnh tranh có thể lựa chọn là tạo ra hệ sinh thái và gia tăng thị phần thông qua sáp nhập và mua lại. Ví dụ, khi các đối thủ cạnh tranh như hãng gọi xe Gojek và sàn thương mại điện tử Tokopedia hợp nhất, họ có thể cắt giảm chi phí và tăng ngân sách quảng cáo.
Theo ông Nailul, ShopeePay đã trở thành công ty dẫn đầu thị trường ví điện tử tại Indonesia. Sự cạnh tranh trong lĩnh vực này không thể tách rời khỏi “cuộc chiến giảm giá” bởi người tiêu dùng Indonesia rất nhạy cảm với giá cả và coi đây là yếu tố hàng đầu khi lựa chọn mua hàng.
GoPay và OVO đã quay lưng lại với chiến lược hoàn tiền và giảm giá. Giám đốc điều hành GoPay, ông Budi Gandasoebrata khẳng định: “Chúng tôi không coi khuyến mại là chiến lược chính của mình để duy trì lòng trung thành của người tiêu dùng. Chúng tôi coi đó là phần thưởng cho người dùng của mình”.

Theo ông Budi, GoPay tin tưởng rằng người tiêu dùng cân nhắc nhiều hơn đến tính an toàn và dễ sử dụng của ví điện tử hơn là các chương trình khuyến mãi khi chọn ví kỹ thuật số.
Tương tự, ông Harumi Supit, Giám đốc truyền thông của OVO, nhấn mạnh rằng công ty coi khuyến mại là một công cụ thu hút người dùng mới thử sử dụng thanh toán kỹ thuật số.

Đó là lý do tại sao OVO cũng triển khai các chiến dịch khuyến mại lớn trong những ngày đầu thành lập. Tuy nhiên, ông Harumi cho biết, trọng tâm của OVO hiện nay là phát triển thêm các dịch vụ tài chính, cũng như mở rộng hệ sinh thái.
Chuyên gia Nailul cho rằng sự trỗi dậy của ShopeePay là nhờ danh tiếng ngày càng tăng của Shopee trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy mọi người mua sắm trực tuyến. Một báo cáo của iPrice cho thấy lưu lượng truy cập trực tuyến hàng tháng của Shopee đã vượt qua Tokopedia từ quý IV/2019 và duy trì vị thế này cho đến cuối năm ngoái. Ngoài ra, hơn 45% tổng đơn đặt hàng của Shopee tại Indonesia - thị trường lớn nhất của sàn thương mại trực tuyến này – được thanh toán bằng ShopeePay.
Trong báo cáo tài chính trực tuyến năm 2020 được công bố vào ngày 2/3 vừa qua, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Sea, ông Forrest Li cho biết: “Ví di động ShopeePay được hưởng lợi từ sự phát triển mạnh mẽ của Shopee. Sự tăng trưởng tổng hợp này của cả Shopee và ShopeePay cho thấy sức mạnh các nền tảng của chúng tôi trong việc gia tăng giá trị cho người tiêu dùng”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục