Siết chặt quản lý xuất xứ hàng hóa

18:06' - 27/12/2024
BNEWS Công tác quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu, xuất xứ hàng hóa là một vấn đề hết sức quan trọng và đặc thù.

Chiều 27/12, tại thành phố Lạng Sơn, Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội nghị đánh giá công tác quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hoá năm 2024 và bàn giải pháp quản lý trong thời gian tới.

Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương Nguyễn Anh Sơn cho biết, sự kiện có ý nghĩa đánh giá kết quả công tác quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa theo Nghị định số 31/2018/NĐ-CP sau 6 năm triển khai và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Đồng thời đánh giá tình hình xuất nhập khẩu và thực hiện cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) tại địa phương thời gian qua, cũng như đề xuất chính sách quản lý trong thời gian tới.

 

Theo ông Nguyễn Anh Sơn, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ hội nhập sâu trên thế giới với các cam kết trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong các FTA thế hệ mới như EVFTA, UKVFTA và CPTPP. Đây là một trong các yếu tố giúp Việt Nam gia tăng xuất khẩu, với kim ngạch xuất khẩu trong 10 năm qua tăng ở mức trung bình từ 22 - 23% mỗi năm, từ 114,5 tỷ USD năm 2012 lên 354,7 tỷ USD năm 2023 (11 tháng năm 2024 đã đạt 369,9 tỷ USD).

Công tác quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu, xuất xứ hàng hóa là một vấn đề hết sức quan trọng, đặc thù, không chỉ gắn với việc hưởng thuế ưu đãi từ cam kết hội nhập kinh tế quốc tế mà các nước dành cho Việt Nam mà còn cả chiều ngược lại Việt Nam dành ưu đãi cho các nước. Bộ Công Thương đã ban hành 42 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất xứ hàng hoá hướng dẫn thủ tục cấp C/O và thực hiện quy tắc xuất xứ theo cam kết mà Việt Nam tham gia.

Thời gian tới, các đơn vị của Bộ Công Thương, các bộ, ban, ngành, cơ quan quản lý tại địa phương và các doanh nghiệp tập trung triển khai các giải pháp về tăng cường công tác quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa. Tổng cục Hải quan phối hợp chặt chẽ với Cục Xuất nhập khẩu trong công tác đàm phán, hoàn thiện hành lang pháp lý về xuất xứ hàng hoá và phòng chống gian lận xuất xứ hàng hoá.

Các cơ quan quản lý tại địa phương chú trọng truyền thông về xuất xứ hàng hoá, tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo, toạ đàm phổ biến về quy tắc xuất xứ và mở rộng nhận thức xã hội về gian lận xuất xứ hàng hoá; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức cấp C/O trong công tác xác minh vùng nguyên liệu.

Về phía các cơ quan, tổ chức cấp C/O rà soát, khắc phục triệt để các tồn tại, đảm bảo việc cấp C/O chặt chẽ, theo đúng quy định. Các doanh nghiệp thường xuyên cập nhật các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hoá; đầu tư thích đáng cho việc nghiên cứu cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, nghiên cứu đáp ứng các yêu cầu và tiêu chuẩn xuất xứ của từng khu vực thị trường cụ thể...

Về các chính sách tăng cường quản lý hải quan C/O, bà Nguyễn Việt Hà, Cục Giám sát quản lý về Hải quan, Tổng cục Hải quan cho hay, cơ quan hải quan ở các cấp đều có bộ phận chuyên sâu về xuất xứ hàng hóa để phục vụ công tác chuyên môn cũng như phối hợp với các cơ quan liên quan để tăng cường hiệu quả quản lý. Về cơ sở dữ liệu, tổng cục hải quan xây dựng cơ sở dữ liệu về mẫu dấu chữ ký cơ quan có thẩm quyền để hỗ trợ kiểm tra tính hợp lệ của C/O.

Để tăng cường công tác quản lý, Tổng cục Hải quan đề xuất Bộ Công Thương bổ sung các quy định, điều kiện cho phép người nhập khẩu được tự chứng nhận xuất xứ trong Hiệp định CPTPP; bổ sung quy định về “thuế chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại” để đảm bảo công tác xử lý vi phạm khi phát hiện. Bộ Công Thương sớm ban hành văn bản Quy phạm pháp luật quy định cách xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam và cách ghi xuất xứ trên nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thanh Sơn nhấn mạnh, những năm qua, kinh tế cửa khẩu luôn được Lạng Sơn xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, có vai trò động lực, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh đã triển khai kịp thời nhiều giải pháp đồng bộ hỗ trợ, tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa, nhất là mặt hàng nông lâm thủy sản thế mạnh của Việt Nam, chiếm khoảng 80% giá trị kim ngạch hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai tại tỉnh. Trong 20 năm qua, Lạng Sơn đã cấp trên 1.754.000 C/O; trung bình hàng năm cấp từ 30.000 - 50.000 C/O, chủ yếu là Form E hàng nông sản với thị trường Trung Quốc; riêng năm 2024 cấp đạt 50.363 C/O.

Trong hoạt động xuất nhập khẩu, tỉnh Lạng Sơn cam kết thực hiện nhất quán chủ trương tạo điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ cho hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, thông thoáng, thân thiện.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục