Singapore – bệ phóng cho doanh nghiệp Trung Quốc ở Đông Nam Á

05:30' - 08/10/2020
BNEWS Ngoài Tencent, ByteDance - công ty mẹ của ứng dụng chia sẻ video TikTok đang có kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD và tạo ra hàng trăm việc làm ở Singapore trong 3 năm tới.

Bài phân tích trên báo The Strait Times (Singapore) cho biết, việc Tencent - "người khổng lồ" Internet của Trung Quốc - thông báo tập đoàn này đã thiết lập một trung tâm khu vực ở Singapore để khai thác thị trường Đông Nam Á đang phát triển nhanh.

Tin tức này xuất hiện sau khi các tập đoàn công nghệ khác của Trung Quốc cũng mở các cửa hàng lớn hơn ở "đảo quốc sư tử" này, khi họ phải đối mặt với những trở ngại ở Mỹ, Ấn Độ và các nước khác.

Hãng Bloomberg đưa tin ByteDance, công ty mẹ của ứng dụng chia sẻ video TikTok, đang có kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD và tạo ra hàng trăm việc làm ở Singapore trong 3 năm tới.

Và tập đoàn Alibaba đã đổ tới 4 tỷ USD vào thương vụ mua Lazada mà tập đoàn này khẳng định đã trở thành nền tảng thương mại điện tử hàng đầu của khu vực Đông Nam Á dựa trên số truy cập trung bình hàng tháng.

Ba công ty của Trung Quốc cũng đang xin cấp phép ngân hàng số từ Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (MAS - ngân hàng trung ương).

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã mô tả những kế hoạch mở rộng trên toàn cầu này là những động thái mạnh mẽ nhằm chiếm lĩnh thị trường 640 triệu dân ở khu vực Đông Nam Á, một khu vực sẽ có 310 triệu người dùng kỹ thuật số đến cuối năm nay (theo một báo cáo gần đây của Facebook và Bain). Và Singapore là địa điểm lý tưởng để đặt trụ sở.

Giáo sư Pan Helin thuộc Viện Kinh tế số Đại học Kinh tế và Luật Zhongnan đã viết trên tờ Thời báo Hoàn cầu: "Singapore và Trung Quốc có những khác biệt không đáng kể về văn hóa, có hệ thống hành chính tương đồng và chi phí viễn thông thấp hơn.

Công nghệ số của Trung Quốc tỏa khắp khu vực Đông Nam Á với Singapore là trung tâm, và sau đó tiếp tục vươn ra các thị trường nước ngoài ở Đông Nam Á. Đây là sự lựa chọn hợp lý và an toàn hơn trong môi trường cạnh tranh địa chính trị toàn cầu hiện nay".

Về phần mình, Singapore đã và đang thu hút các công ty Trung Quốc sử dụng nước này như một bệ phóng vào khu vực, bằng việc cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp, các dịch vụ tài chính và quản lý quyền sở hữu trí tuệ.

Trong 4 thập kỷ qua, quan hệ song phương đã được gắn vào quan hệ kinh tế. Kể từ năm 2013, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Singapore, trong khi Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc. Thương mại hai chiều đạt 135 tỷ SGD năm 2018.

Hai nước cũng đã ký kết rất nhiều thỏa thuận tại cuộc họp của Hội đồng hợp tác song phương hồi tháng 10/2019, báo hiệu một chương mới trong mối quan hệ giữa hai bên khi Singapore chuyển sang thế hệ lãnh đạo chính trị mới.

Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng mức độ phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa hai nước sẽ tiếp tục gia tăng. Họ chỉ rõ số lượng ngày càng tăng các dự án hợp tác và các hiệp định giữa hai nước.

Hai nước có nhiều dự án liên chính phủ ở Trung Quốc, trong đó có Khu công nghiệp Tô Châu, thành phố sinh thái Thiên Tân, sáng kiến kết nối Trùng Khánh và thành phố tri thức Quảng Châu. Hai bên cũng có kế hoạch đưa kinh nghiệm cộng tác của họ trong các khu công nghiệp chất lượng cao sang các nước khác.

Tiến sỹ Fan Lei, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Singapore thuộc trường Đại học Khoa học chính trị và Luật Sơn Đông, cho biết: "Sự hợp tác kinh tế có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì sự phát triển lành mạnh của quan hệ song phương.

Singapore là một nước nhỏ và phụ thuộc hơn vào thị trường toàn cầu, nền kinh tế theo hướng xuất khẩu của nước này phù hợp với chiến lược phát triển hiện nay của Trung Quốc".

Singapore nằm trong số những nước đầu tiên ủng hộ sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) đầy tham vọng của Trung Quốc.

Kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng này được phát động vào năm 2013, nối các tuyến đường trên biển và trên đất liền nhằm thiết lập một mạng lưới thương mại toàn cầu. 1/3 lượng đầu tư của Trung Quốc cho các nước tham gia sáng kiến "Vành đai và Con đường" giờ đây đều chảy qua Singapore.

Mối quan hệ Singapore-Trung Quốc nhìn chung suôn sẻ trong 30 năm qua kể từ khi quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai nước được thiết lập nhờ tư duy thực dụng của các nhà lãnh đạo hai nước.

Dù vậy, bất chấp quan hệ thương mại mạnh mẽ giữa hai nước, đầu tư của Trung Quốc vào "đảo quốc sư tử" vẫn đứng sau Mỹ - nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài số 1 của Singapre.

Những con số từ Cục Thống kê Singapore cho thấy năm 2018, Mỹ đã bơm 289 tỷ SGD, so với 41 tỷ SGD của Trung Quốc. Vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Singapore đã tăng trung bình 10% mỗi năm kể từ năm 2010.

Bắc Kinh không hài lòng với mối quan hệ đối tác chiến lược của Singapore với Mỹ. Từ lập trường chính thức, cần thừa nhận rằng Singapore là quốc gia có chủ quyền có quyền tự do đưa ra những lựa chọn chính sách đối ngoại của riêng mình.

Theo Tiến sỹ Fan, chừng nào quan hệ Singapore-Mỹ không ảnh hưởng đến những lợi ích quốc gia cũng như những lợi ích của Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc sẽ không can thiệp vào việc phát triển quan hệ song phương Mỹ-Singapore.

Tuy nhiên, một khi những lợi ích quốc gia đó phần nào bị đe dọa, thì thái độ của Chính phủ Trung Quốc có thể sẽ thay đổi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục