Singapore bước vào kỷ nguyên mới

09:10' - 01/06/2024
BNEWS Ở mức khoảng 88.000 USD, GDP bình quân đầu người của Singapore trên thực tế đã tăng gấp đôi trong 20 năm qua. Vào thời điểm giành được độc lập năm 1965, nước này nghèo hơn cả Nam Phi hay Jordan.

Kể từ khi giành độc lập gần 60 năm trước, Singapore đã trở thành biểu tượng của sự thịnh vượng. Tân Thủ tướng Singapore Lawrence Wong lên nắm quyền lãnh đạo đất nước với những nền tảng vững chắc đã được tạo lập. Tuy nhiên, ông cũng đối mặt với những thách thức cần vượt qua, khi đất nước đang ở mức độ phát triển cao.

 

Một Singapore giàu có và thịnh vượng

Ở mức khoảng 88.000 USD, GDP bình quân đầu người của Singapore trên thực tế đã tăng gấp đôi trong 20 năm qua. Vào thời điểm giành được độc lập năm 1965, nước này nghèo hơn cả Nam Phi hay Jordan.

Thành tích kinh tế của Singapore là ấn tượng dù theo bất kỳ cơ sở đánh giá nào. Trong hai thập kỷ qua, mức lương trung bình của công dân Singapore làm việc toàn thời gian trên thực tế tăng 43%, so với mức tăng 8% tại Mỹ. Ở mức khoảng 46.000 USD, lương trung bình của người Singapore hiện cao hơn tại Anh, nơi mức lương là 44.000 USD.

Vị thế trung tâm tài chính của Singapore cũng được củng cố trong những năm gần đây, đưa đến sự so sánh khó tránh với Hong Kong (Trung Quốc), nơi từng dẫn đầu trong số các thành phố toàn cầu của châu Á. Thu nhập của người Singapore cao hơn 50% so với người Hong Kong. Là một trung tâm quản lý tài sản, Singapore đang phát triển nhanh hơn, theo sát Hong Kong. Theo Cơ quan Tiền tệ Singapore, năm 2017, Singapore quản lý số tài sản trị giá 2.400 tỷ USD, bằng 3/4 so với con số 3.100 tỷ USD của Hong Kong. Vào năm 2022, con số của Singapore tăng lên 3.600 tỷ USD, chỉ kém 8% so với Hong Kong.

Công ty đầu tư quốc gia Singapore, Temasek, có 287 tỷ USD tài sản tính đến tháng 3/2023. Cơ quan Tiền tệ Singapore quản lý khoảng 369 tỷ USD dự trữ ngoại tệ, vàng, và các tài sản khác. Theo các ước tính của Global swf, một công ty cung cấp dữ liệu, các tài sản của Quỹ đầu tư quốc gia Singapore (GIC) là lớn nhất, với 769 tỷ USD. Nếu đúng, đây sẽ là quỹ đầu tư quốc gia lớn thứ 6 trên thế giới, chỉ thua một số ít các quốc gia dầu mỏ và hai quỹ của Trung Quốc. Điều đó cũng có nghĩa các tài sản nhà nước của Singapore tương đương với trên 270% GDP của nước này.

Những con số trên cho thấy nền kinh tế Singapore đã tiết kiệm hơn nhiều hơn so với mức chi. Singapore cũng là một trong số những quốc gia có thặng dư tài khoản vãng lai lớn nhất thế giới.

Bước vào kỷ nguyên mới

Trong cuộc phỏng vấn gần đây, tân Thủ tướng Singapore Lawrence Wong cũng thừa nhận mình sẽ là thủ tướng đầu tiên sinh ra sau khi Singapore độc lập, thuộc thế hệ lớn lên khi Singapore đã vô cùng thành công và thịnh vượng. Ông cho biết các giá trị và nguyên tắc đã đưa Singapore đến được vị trí như ngày nay, chẳng hạn như chế độ nhân tài, liêm khiết và hòa hợp chủng tộc, vẫn còn nguyên vẹn, nhưng đồng thời cũng có những thay đổi.

Trước những thách thức, Singapore phải tiếp tục thu hút những khoản đầu tư tiên tiến, sẵn sàng để các doanh nghiệp không còn khả năng tồn tại bị loại bỏ và những nguồn lực có thể được giải phóng. Ông Wong nhấn mạnh đó là quá trình chuyển đổi rất lớn, có thể gây khó khăn cho người lao động, nhưng đó là lý do tại sao chính phủ cũng đã nỗ lực rất nhiều để giúp người lao động được đào tạo lại và nâng cao kỹ năng.

Ông Wong cho biết, Singapore sẽ tiếp tục chào đón các chuyên gia nước ngoài, nhưng duy trì mức độ kiểm soát để công dân Singapore không trở thành thiểu số. Theo nhà lãnh đạo Singapore, các chuyên gia nước ngoài vẫn cần thiết để bổ sung cho nền tảng cốt lõi của nước này, vì họ làm tăng thêm giá trị cho nền kinh tế, lấp đầy những công việc trong các lĩnh vực như xây dựng và hàng hải mà người Singapore né tránh hoặc trong các lĩnh vực mới đòi hỏi những kỹ năng mới.

Trong khi đó, chi cho phúc lợi xã hội tại Singapore đã tăng gần gấp đôi trong thập kỷ qua và chi cho y tế hiện vượt chi cho giáo dục. Tỷ lệ dân số trên 65 tuổi của nước này tăng lên 19%, so với 12% một thập kỷ trước và sẽ tăng lên gần 25% vào cuối thập kỷ này. Mức chi tiêu công của Singapore sẽ gia tăng, lên mức 20% GDP vào năm 2030, từ mức 14% GDP vào năm 2010. Nước này có thể sẽ tăng thuế. Thuế tiêu thụ đã tăng từ 7% lên 9% trong hai năm qua.

Tuy nhiên, mối lo ngại lớn nhất đối với vị thế của Singapore lại nằm ngoài tầm kiểm soát của nước này. Đó là Eo biển Malacca, một nút cổ chai của hàng nghìn tỷ USD hàng hóa được trao đổi trên toàn cầu. Khối lượng thương mại của nước này lên đến 337% GDP, so với 27% GDP của Mỹ và 68% GDP của các nước giàu trên thế giới.

Căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung là mối quan ngại đặc biệt. Singapore có mối quan hệ chặt chẽ với cả hai nước. Trong khả năng xấu nhất, khi thương mại toàn cầu chia thành hai khối liên quan đến xung đột giữa Nga và Ukraine (U-crai-na), GDP của Singapore sẽ giảm khoảng 10%, so với mức 3% của châu Á và 1% của thế giới.

Trung Quốc không chỉ là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Singapore mà còn là của hầu hết các quốc gia trên thế giới và cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này.

Trong khi đó, Mỹ tiếp tục là nhà đầu tư đơn lẻ lớn nhất cho đến nay tại Singapore, với 574 tỷ SGD (428 tỷ USD) được đầu tư vào nước này vào cuối năm 2022, so với mức 156 tỷ SGD từ Trung Quốc Đại lục và Hong Kong cộng lại.

Triển vọng lạc quan

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo quá trình phục hồi các ngành sản xuất, du lịch và dịch vụ khách hàng sẽ tạo động lực cho nền kinh tế Singapore tăng trưởng 2,1% trong năm 2024, từ mức 1,1% năm 2023.

Nhóm chuyên gia của IMF, đứng đầu là ông Masahiro Nozaki, dự báo lạm phát thông thường và lạm phát lõi của Singapore sẽ được đưa về mức khoảng 3% trong năm nay, với lạm phát lõi có thể ổn định quanh mức 2% vào năm tới. Theo chuyên gia Nozaki, lạm phát Singapore có xu hướng kéo dài do những bất ổn về giá năng lượng và thực phẩm toàn cầu cũng như chi phí lao động tăng.

Ông kêu gọi giới chức Singapore duy trì chính sách tiền tệ chặt chẽ cho tới khi áp lực lạm phát giảm bớt và kịp thời điều chỉnh chính sách để ổn định giá cả một khi có dấu hiệu chắc chắn về giảm phát. Chuyên gia này cũng lưu ý chương trình hỗ trợ trọng tâm dành cho các hộ gia đình và doanh nghiệp dễ bị tác động mà Chính phủ Singapore đang áp dụng là phù hợp và sẽ bổ trợ cho quan điểm siết chặt chính sách tiền tệ.

Đội ngũ của IMF tin tưởng với tình hình tài chính công vững chắc và quy định ngân sách cân bằng, Singapore có thể giải quyết những rủi ro trong tương lai và nhu cầu chi tiêu trong trung và dài hạn, xuất phát từ tình trạng già hóa dân số, yêu cầu tăng năng suất và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục