Singapore trình dự thảo ngân sách hơn 80 tỷ USD cho 4 mục tiêu lớn

07:45' - 17/02/2021
BNEWS Tính đến thời điểm này, theo Phó Thủ tướng Heng Swee Keat, đã có hơn 25 tỷ SGD được cấp cho chương trình JSS, hỗ trợ hơn 150.000 chủ doanh nghiệp trong vòng 17 tháng qua.

Ngày 16/2, trình bày trước Quốc hội Singapore, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Heng Swee Keat đã công bố dự thảo ngân sách trị giá khoảng 107 tỷ SGD (80,8 tỷ USD) cho năm 2021 của Singapore với bốn mục tiêu lớn, bao gồm tạo việc làm cho người dân, tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp, củng cố cộng đồng và tăng cường tinh thần cộng đồng, đồng thời hướng tới mục tiêu “xanh” và bền vững cho các thế hệ sau.

Nhằm duy trì việc làm cho người lao động, ông Heng cho biết chính phủ sẽ chi thêm 700 triệu SGD để gia hạn các khoản trợ cấp tiền lương theo chương trình hỗ trợ việc làm (JSS) thêm 6 tháng nhằm giúp các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19 giảm bớt gánh nặng chi phí.

Các khoản trợ cấp, dao động từ 10-30%, sẽ bao gồm tiền lương được chi trả từ tháng 4/2021 đến tháng 9/2021 cho các công ty, doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là: Hàng không, vũ trụ và du lịch. Đối với các doanh nghiệp trong các ngành khác, bao gồm lĩnh vực dịch vụ thực phẩm, bán lẻ, hàng hải và ngoài khơi, nghệ thuật và giải trí, chương trình JSS cũng sẽ được kéo dài thêm từ tháng 4/2021 đến tháng 6/2021.

Tính đến thời điểm này, theo Phó Thủ tướng Heng Swee Keat, đã có hơn 25 tỷ SGD được cấp cho chương trình JSS, hỗ trợ hơn 150.000 chủ doanh nghiệp trong vòng 17 tháng qua.

Khi Singapore mở cửa trở lại, chính phủ đã chuyển các biện pháp từ ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh sang tái cơ cấu, và chuyển từ hỗ trợ trên diện rộng sang trợ giúp có mục tiêu cho các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Để giúp thực hiện điều này, gói Phục hồi COVID-19 mới trị giá 11 tỷ SGD cũng đã được ông Heng công bố.

Trong đó, khoảng 1,2 tỷ SGD sẽ hướng tới việc hỗ trợ có mục tiêu hơn cho các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, đặc biệt là lĩnh vực hàng không. Ông Heng khẳng định Chính phủ Singapore sẽ dành 870 triệu SGD hỗ trợ có mục tiêu và mở rộng việc giảm chi phí cho lĩnh vực hàng không.

Trong lĩnh vực giao thông đường bộ, lái xe taxi và tài xế ô tô cho thuê tư nhân, sẽ có khoảng 133 triệu SGD từ gói hỗ trợ Phục hồi sẽ được sử dụng cho quỹ cứu trợ lái xe. Cũng trong gói Phục hồi COVID-19, chính phủ sẽ dành 4,8 tỷ SGD cho lĩnh vực sức khỏe, y tế cộng đồng và thực hiện các biện pháp tái mở cửa an toàn, trong đó việc tiêm vaccine phòng chống COVID-19 là biện pháp chủ chốt của Singapore.

Tính đến ngày 14/2/2021, đã có gần 250.000 người được tiêm vaccine, trong đó khoảng 55.000 được tiêm liều vaccine thứ hai. Ngoài ra, ông Heng cũng khẳng định tiếp tục các biện pháp khác như truy dấu ca nhiễm, xét nghiệm và giãn cách xã hội.

Ông Heng Swee Keat cho rằng các doanh nghiệp Singapore cần phải có sự đổi mới sáng tạo, hợp tác trên quy mô toàn cầu, đồng thời duy trì sức cạnh tranh.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc hình thành, phát triển các ý tưởng sáng tạo, Chính phủ Singapore sẽ tiếp tục đầu tư vào ba nền tảng: Chương trình Khởi động doanh nghiệp (CVL) mới, Nền tảng đổi mới mở (OIP) hiện có và Liên minh đổi mới toàn cầu (GIA). Chương trình CVL  sẽ được thử nghiệm trong năm này nhằm thúc đẩy các dự án sáng tạo mới.

Trong khi đó, liên minh GIA hỗ trợ sự hợp tác xuyên biên giới giữa Singapore và các trung tâm đổi mới sáng tạo lớn trên toàn cầu. Mạng lưới của GIA hiện có 15 liên kết thành phố, bao gồm Bangkok (Thái Lan), Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam), Jakarta (Indonesia) và Manila (Philippines) và dự kiến sẽ được mở rộng tới hơn 25 thành phố trên khắp thế giới trong vòng 5 năm tới. Chương trình Đồng đổi mới sẽ được đưa vào GIA và hỗ trợ tới 70% chi phí hợp lệ cho các dự án đổi mới và hợp tác xuyên biên giới.

Ông Heng lưu ý rằng hai thay đổi lớn trong nền kinh tế hậu COVID-19 sẽ là sự chuyển đổi từ các phương thức giao dịch vật lý sang kỹ thuật số xuyên biên giới địa lý và sự chuyển đổi từ tài sản hữu hình sang tài sản vô hình (IA) trong việc tạo ra giá trị.

IA bao gồm kiến thức, mạng lưới và dữ liệu mà các doanh nghiệp có thể sử dụng để tạo ra các công nghệ và cải tiến mới. Trong tháng 4/2021 tới, Chính phủ Singapore đang phát triển Chiến lược Sở hữu trí tuệ Singapore 2030 để hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại hóa thành quả đổi mới của họ.

Chiến lược này sẽ bao gồm việc trang bị cho các doanh nghiệp các công cụ để định giá IP và IA, đồng thời đào tạo các chuyên gia lành nghề trong các lĩnh vực này.

Chính phủ Singapore sẽ phân bổ 24 tỷ SGD trong ngân sách năm 2021 trong vòng 3 năm tới để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và người lao động nước này có thể “vươn lên mạnh mẽ hơn” khi đối mặt với những thay đổi cơ cấu kinh tế toàn cầu.

Số tiền này sẽ được dùng để xây dựng ba động lực cho giai đoạn chuyển đổi tiếp theo của Singapore là phát triển một cộng đồng doanh nghiệp năng động, kết nối sâu rộng với châu Á và thế giới; tạo nguồn vốn đa dạng cho các doanh nghiệp chuyển đổi và mở rộng quy mô; và tạo cơ hội việc làm và thiết kế lại công việc cho mọi người để phát triển kỹ năng, sự sáng tạo và năng lực của họ.

Khoản phân bổ 24 tỷ SGD này được xây dựng dựa trên đà thúc đẩy chuyển đổi bắt đầu cách đây 5 năm, thời điểm Lộ trình chuyển đổi ngành nghề được công bố.

Nhằm hỗ trợ chi phí sinh hoạt hàng ngày cho người dân hơn nữa, gói Hỗ trợ Hộ gia đình trị giá 900 triệu SGD sẽ được triển khai, bao gồm các phiếu mua hàng, các khoản giảm giá dịch vụ và phí bảo quản (S&CC) và voucher thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) mà mỗi hộ gia đình có thể sử dụng để bù đắp chi phí và hỗ trợ các doanh nghiệp.

Cụ thể, khoảng 1,3 triệu hộ gia đình sẽ nhận được phiếu mua hàng trị giá 100 SGD từ Hội đồng Phát triển Cộng đồng (CDC) để sử dụng tại các cửa hàng và trung tâm ăn uống.

Khoảng 950.000 hộ gia đình Singapore đủ điều kiện sống trong các căn hộ chung cư HDB cũng sẽ nhận được các khoản hỗ trợ để bù đắp từ một tháng rưỡi đến 3 tháng rưỡi chi phí S&CC trong năm nay.

Ngoài ra, khoảng 1,4 triệu người Singapore thu nhập thấp sẽ được nhận thêm khoản thanh toán đặc biệt bằng tiền mặt GST là 200 SGD vào tháng 6/2021, bên cạnh khoản thanh toán bằng tiền mặt bằng voucher GST thông thường. Khoảng 780.000 công dân Singapore dưới 21 tuổi cũng sẽ được nhận 200 SGD để giúp hỗ trợ cho các chi phí liên quan đến giáo dục.

Một nội dung đáng chú ý trong dự thảo Ngân sách năm 2021 là việc ông Heng cho biết kế hoạch tăng thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) sẽ diễn ra từ năm 2022 đến năm 2025 và tùy thuộc vào triển vọng kinh tế, với mức tăng dự kiến từ mức 7% hiện tại lên mức 9% vốn đã được công bố trong Ngân sách năm 2018.

Theo ông Heng, nếu không tăng thuế GST, Singapore sẽ không thể đáp ứng nhu cầu chi tiêu thường xuyên ngày càng tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế. Chi tiêu của chính phủ Singapore trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đã tăng gấp ba lần trong vòng một thập kỷ, từ 3,7 tỷ SGD trong năm 2010 lên 11,3 tỷ SGD vào năm 2019. Lần gần đây nhất Singapore tiến hành việc tăng thuế GST là năm 2007, với mức tăng từ 5% lên 7%.

Bên cạnh đó, ông Heng cũng khẳng định tình hình tài khóa của Singapore sẽ trở nên thắt chặt hơn trong những năm tới. Dự kiến với dự thảo ngân sách năm 2021 vừa được công bố, Singapore sẽ chịu thâm hụt khoảng 11 tỷ SGD (tương đương 2,2% GDP của Singapore) trong năm 2021. Trong khi đó, ước tính thâm hụt ngân sách năm 2020 của Singapore ở mức 64,9 tỷ SGD (tương đương 13,9% GDP), cao nhất kể từ khi Singapore độc lập đến nay./.

>>Nhà đồng sáng lập Google mở công ty quản lý tài sản cá nhân tại Singapore

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục