Số doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp xu thế tăng

09:22' - 29/11/2023
BNEWS Tỷ lệ doanh nghiệp ngành công nghiệp thành lập mới tăng một lần nữa minh chứng cho sản xuất công nghiệp tiếp đà khởi sắc sau nhiều tháng tăng trưởng âm...

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tháng 11/2023 cả nước có 14.267 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 153.588 tỷ đồng, tăng 19,5% về số doanh nghiệp và tăng 47% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022.

Cùng với đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng nhẹ 4,7% so với cùng kỳ năm 2022 với 6.562 doanh nghiệp. Điều này cho thấy, khu vực doanh nghiệp có phản ứng tích cực trước sự phục hồi của nền kinh tế trong những tháng cuối năm cũng như năm tới.

Ở chiều ngược lại, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, sự sàng lọc của thị trường càng diễn ra mạnh mẽ. Tháng 11/2023 ghi nhận 12.551 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 19,3% so với cùng kỳ.

 

Với mức tăng mạnh ở cả doanh nghiệp gia nhập, tái gia nhập và rút lui khỏi thị trường trong tháng 11/2023, số doanh nghiệp ở cả 3 mảng này trong 11 tháng tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ.

Cụ thể, theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 11 tháng năm 2023 đạt 201.529 doanh nghiệp, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2022 và gấp 1,2 lần mức bình quân doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường giai đoạn 2018-2022 (164.525 doanh nghiệp).

Trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng năm 2023 là 146.044 doanh nghiệp, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2018-2022 (123.121 doanh nghiệp).

Doanh nghiệp thành lập mới chủ yếu thuộc nhóm ngành dịch vụ với 109.688 doanh nghiệp, chiếm 75,1% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2022; nhóm ngành công nghiệp và xây dựng có 34.735 doanh nghiệp gia nhập thị trường, chiếm 23,8% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2022 và nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản ghi nhận 1.621 doanh nghiệp thành lập mới, chiếm 1,1% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Cũng trong 11 tháng năm 2023, có 55.485 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng vẫn gấp 1,3 lần mức bình quân giai đoạn 2018-2022 (41.404 doanh nghiệp).

Trong 11 tháng năm 2023, có 158.763 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn, chiếm 53,8%.

Cụ thể, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 11 tháng năm 2023 là 85.434 doanh nghiệp, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2022. Phần lớn đều là doanh nghiệp có thời gian hoạt động ngắn (dưới 5 năm) với 40.039 doanh nghiệp, chiếm 46,9%; có ở quy mô nhỏ dưới 10 tỷ đồng với 75.549 doanh nghiệp, chiếm 88,4%, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 57.157 doanh nghiệp, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm 2022. Các doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng với 50.045 doanh nghiệp, chiếm 87,6%, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Số doanh nghiệp giải thể là 16.172 doanh nghiệp, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, có 6/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng so với cùng kỳ năm 2022.

Phần lớn doanh nghiệp giải thể đều có thời gian hoạt động ngắn (dưới 5 năm) với 11.008 doanh nghiệp, chiếm 68,1%, có quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng với 13.942 doanh nghiệp, chiếm 86,2%, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Tỷ lệ doanh nghiệp ngành công nghiệp thành lập mới tăng một lần nữa minh chứng cho sản xuất công nghiệp tiếp đà khởi sắc sau nhiều tháng tăng trưởng âm. Đồng thời cho thấy, những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành đã phát huy hiệu quả tích cực.

Riêng Bộ Công Thương đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất trên cơ sở bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực, một số địa phương trọng điểm về công nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất.

Cùng với đó, Bộ Công Thương đẩy mạnh tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI lớn toàn cầu đang đầu tư tại Việt Nam. Hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất thông qua tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính; đồng thời, tập trung thúc đẩy thị trường trong nước. Trong đó, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả thị trường nội địa, tranh thủ cơ hội đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2024.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục