Sớm gỡ những nút thắt trong phát triển cảng biển

22:10' - 29/05/2019
BNEWS Vai trò của vận tải biển cũng như hệ thống cảng biển là hết sức quan trọng và là mấu chốt để giúp phát triển kinh tế - xã hội.

Để phát triển cảng biển và kinh tế biển cần sớm tháo gỡ những nút thắt, nhất là kết cấu hạ tầng kết nối cảng biển.

Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội tại Tọa đàm “Kinh tế vùng trọng điểm nhìn từ hệ thống cảng biển” do Báo Người đại biểu nhân dân tổ chức tại Hà Nội, ngày 29/5.

Bốc xếp hàng tại Tân Cảng Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Tại Tọa đàm, các chuyên gia, đại biểu Quốc hội đều nhìn nhận những tiềm năng, cơ hội phát triển kinh tế vùng trọng điểm từ hệ thống cảng biển.

Với ưu thế đất nước có 27 tỉnh có bờ biển với 266 cảng biển lớn nhỏ và một nửa dân số là ở các tỉnh, thành phố ven biển; vùng đặc quyền kinh tế ở biển Đông trên 1 triệu km2, chiếm khoảng 29% diện tích biển Đông, diện tích này gấp 3 lần diện tích đất liền; đường vận tải trên biển Đông có mật độ đứng thứ 2 thế giới.

Với vị trí như vậy, vai trò của vận tải biển cũng như hệ thống cảng biển là hết sức quan trọng và là mấu chốt để giúp phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, nhiều vấn đề cũng được chỉ ra trong phát triển cảng biển và kinh tế biển, nhất là nút thắt kết cấu hạ tầng kết nối cảng biển đòi hỏi cần sớm tháo gỡ.

Theo đánh giá của PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, tiềm năng tự nhiên sẵn có của cảng biển là rất lớn nhưng việc chuyển lợi thế đó thành tầm nhìn chiến lược nhằm phát huy tối đa các cảng biển để phát triển kinh tế vẫn còn hạn chế. Việt Nam có các vùng kinh tế trọng điểm nằm dọc theo đường bờ biển.

Mỗi vùng kinh tế trọng điểm lại có những đặc điểm khác nhau và việc tận dụng các cảng biển đó để phát triển kinh tế như thế nào cũng là một vấn đề lớn.

Cho rằng cần phải tháo gỡ nút thắt kết cấu hạ tầng kết nối với các cảng còn thiếu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên chỉ rõ: Trong phát triển hệ thống cảng biển, hiện nay quá tập trung vốn đầu tư vào các bến, mà chưa tập trung vào sân bãi, logistic cũng như hạ tầng kết nối của các cảng. Đây cũng là vấn đề đặt ra trong các năm tiếp theo đòi hỏi phải giải quyết...

“Hơn lúc nào hết, vai trò nhạc trưởng của Nhà nước cần phải thể hiện mạnh mẽ hơn nữa, phải hài hòa được phần vốn của Nhà nước, vốn FDI, vốn của doanh nghiệp tư nhân để bảo đảm được nền thể chế mà người ta có thể yên tâm tham gia vào”, ông Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh.

Theo ý kiến của Chủ tịch Hiệp hội cảng biển Việt Nam Lê Công Minh, để phát huy các tiềm năng, cơ hội phát triển kinh tế vùng trọng điểm từ hệ thống cảng biển, việc đầu tiên là cần rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch dài hạn phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng cảng biển, sân bay, hệ thống cảng cạn (ICD), trung tâm phân phối, dịch vụ tiện ích cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam...

Về phát triển cảng biển, Chủ tịch Hiệp hội cảng biển Việt Nam cho rằng cần có cơ chế phân quyền và trách nhiệm cho địa phương trong việc đảm bảo tính đồng bộ trong quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, đô thị, thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng, dịch vụ liên quan tại từng địa phương.

Đặc biệt, có cơ chế giá phí, bảo đảm hài hòa lợi ích của chính quyền, nhà đầu tư và người sử dụng dịch vụ sát hợp với năng lực và điều kiện đặc thù của mỗi địa phương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục