Sớm tháo gỡ vướng mắc về quy định hợp quy với thuốc thú y

18:05' - 14/08/2023
BNEWS Chiều 14/8, Cục Thú y phối hợp với Vụ Pháp chế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức tọa đàm Phổ biến và giải đáp một số quy định mới của pháp luật về thú y.

Tại tọa đàm, ông Bạch Quốc Thắng, đại diện Hiệp hội Sản xuất - kinh doanh thuốc Thú y Việt Nam kiến nghị, cơ quan chức năng cần bãi bỏ hoặc tiếp tục hoãn việc thực hiện thủ tục hợp quy với thuốc thú y.

 

Theo ông Bạch Quốc Thắng, thủ tục hợp quy còn trùng lắp với các thủ tục khác, gây lãng phí về nguồn lực, chi phí cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Trong khi đó, các nước trên thế giới hiện không có quy định thủ tục hợp quy.

“Hiệp hội kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu bãi bỏ quy định này. Nếu chưa bãi bỏ được thì tiếp tục cho hoãn thực hiện”, ông Thắng ý kiến.

Về vấn đề này, ông Lê Toàn Thắng, Trưởng phòng Thuốc Thú y, Cục Thú y cho biết, việc áp dụng quy định hợp quy thuốc thú y sẽ thực hiện vào tháng 4/2024.

Trên tinh thần tiếp thu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Cục Thú y sẽ nghiên cứu đề xuất theo hướng giãn thực hiện vì chưa thể bãi bỏ. Bởi quy định hợp quy còn liên quan đến Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá.

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho hay, đây là vấn đề vượt thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Vụ Pháp chế có báo cáo Thủ tướng Chính phủ để sớm sửa đổi quy định này.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng đánh giá cao Cục Thú y và Vụ Pháp chế đã nhanh chóng tham mưu để Bộ sớm ban hành 6 thông tư sau khi có Luật Thú y.

Điển hình Thông tư số 10/2022/TT-BNNPTNT ngày 14/9/2022 đã phù hợp với cuộc sống khi sản phẩm được quy định rõ ràng về nguồn gốc sản phẩm. Thông tư đã bám sát thực tế trong xác định nguồn gốc sản phẩm khi đưa ra thị trường.

Bên cạnh đó, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đã được quy định tương đương. Điều này giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp, đơn vị quản lý cũng thuận lợi hơn trong bối cảnh mỗi địa phương còn quy định công nhận một loại chứng nhận khác nhau.

Trong tình hình mới, như Hà Nội đang khuyến kích sản theo chuỗi. Để sản xuất theo chuỗi, doanh nghiệp đã có sự đầu tư và quản lý an toàn thực phẩm tốt, điển hình trong khâu tự giết mổ. Tuy nhiên, với các cơ sở giết mổ của doanh nghiệp theo chuỗi như vậy thường có quy mô nhỏ.

Trong khi theo quy hoạch của địa phương thì cơ sở giết mổ này lại không đủ điều kiện về quy mô, còn nếu xếp vào cơ sở nhỏ lẻ cũng không hợp lý. Đây là điểm cần nghiên cứu, điều chỉnh trong pháp luật, ông Nguyễn Đình Đảng góp ý.

Liên quan đến việc thực hiện Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 quy định về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật, ông Nguyễn Trường Giang, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai kiến nghị cơ quan chức năng cần sớm văn bản hướng dẫn nội dung, nhiệm vụ cụ thể để xây dựng vùng an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Văn Long cho biết, Cục Thú y đã hướng dẫn trực tiếp các doanh nghiệp chăn nuôi lớn như: CP, Deheus… để xuất khẩu. Thời gian tới, Cục tiếp tục sẽ hướng dẫn theo kiểu “cầm tay chỉ việc” cho các địa phương để mở rộng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, để không chỉ đảm bảo sản phẩm trong xuất khẩu mà còn cho tiêu dùng trong nước.

Ông Nguyễn Trường Giang cũng kiến nghị việc thành lập trạm kiểm dịch đầu mối, do những năm gần đây hệ thống giao thông mở rộng thêm nhiều, nên lượng động vật đi qua các trạm kiểm dịch động vật ít đi. Do đó, Cục Thú y xem xét có hướng dẫn để địa phương triển khai thành lập các trạm cho phù hợp.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Long cho rằng, các địa phương phải chủ động rà soát thực tế để lập các trạm kiểm dịch. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không thể quy định “cứng” các trạm, bởi điều này cần phù hợp với giao thông địa phương.

Ngoài những nội dung trên, các đơn vị chức năng đã trả lời những vướng mắc cũng như việc thực thi Nghị định số 80/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thú y.

Cùng đó là Thông tư số 06/2022/TT-BNNPTNT ngày 28/7/2022; Thông tư số 09/2022/TT-BNNPTNT ngày 19/8/2022; Thông tư số 10/2022/TT-BNNPTNT ngày 14/9/2022; Thông tư số 13/2022/TT-BNNPTNT ngày 28/9/2022; Thông tư số 15/2022/TT-BNNPTNT ngày 24/10/2022 và Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Văn Nam, tọa đàm đã phổ biến sâu rộng và giải đáp các quy định pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung về thú y. Qua đây góp phần thực hiện các quy định của pháp luật về thú y trong phòng, chống dịch bệnh động vật, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật cũng như kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và quản lý thuốc thú y.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan: “không chỉ đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống mà phải đưa cuộc sống, thực tiễn vào chính sách pháp luật”, những quy định còn vướng mắc, bất cập và liên quan đến các bộ, ngành khác sẽ sớm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ kịp thời, ông Nguyễn Văn Nam cho biết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục